Vâng, 50 năm rồi vẫn còn nhớ bài học thuộc lòng thầy chép lên bảng đen cho học sinh chép lại vào tập, năm tôi học lớp nhất (lớp năm bây giờ). Bụi thời gian có thể làm mờ một đôi câu, vài chữ nhưng tinh thần của bài thơ thì vẫn rạng rỡ như ngày nào trong tâm tư.

Không hiểu vô tình hay cố ý, tuần lễ ấy, vào những ngày giữa tháng đông, thầy lại cho chúng tôi học bài lịch sử ấy, và học thuộc lòng có cùng nội dung, kể cả chính tả và bài địa lý cũng liên quan tới nội dung ấy. Sau này, khi đã qua dăm ba năm trong nghề dạy học, tôi mới nhận ra quyền của người thầy trong việc chọn bài để dạy miễn sao nội dung của bài văn phù hợp với chương trình khung dành cho mỗi lớp học.

Bài học lịch sử mà chúng tôi học là Giặc nhà Nguyên, bài học thuộc lòng là Hội nghị Diên Hồng. Thầy đọc một lần, cả lớp lắng nghe. Giọng thầy trầm bổng, sang sảng cất lên: Năm Giáp Thân, tháng chạp cuối mùa đông / Trên đường xanh có những đầu bạc trắng/ Người quắc thước quen dãi dầu mưa nắng / Kẻ già nua gậy trúc chống lom khom / Lũ lượt theo sau đàn con cháu om sòm / Mang hầu hạ đủ tráp trầu, điếu ống. Trước hội nghị Diên Hồng, vua Trần Nhân Tông đã ngự thuyền ra sông Bình Than để hội các vương hầu bách quan lại để bàn kế chống giữ, vào tháng 11/1282. Số là vua nhà Nguyên sai sứ thần Sài Thung cùng Trần Di Ái - sứ thần phản trắc của nhà Trần - trở lại Đại Việt mưu phản. Tới gần ải Nam Quan, Sài Thung bị binh tướng nhà Trần bắn mù một con mắt. Nguyên chủ bèn sai con trai là Thoát Hoan thống lĩnh 50 vạn binh tướng giả tiếng mượn đường sang đánh Chiêm Thành. Khi nghe được tin ấy, vua Trần Nhân Tông đã đến Bình Than.

“Tháng 8 năm Giáp Thân (1284) ông Trần Quốc Tuấn truyền hịch cho các vương hầu hội hết quân sĩ tại Đông bộ đầu để điểm duyệt. Quân thủy và quân bộ cả thảy 20 vạn” (VNSL - Trần Trọng Kim, tr.134).

“Rồi đến tháng 1/1285 (tháng chạp năm Giáp Thân – BĐA), Thượng hoàng Thánh Tông mời các phụ lão có uy tín trong nước về kinh đô Thăng Long hỏi kế đánh giặc” (ĐCLSVN - NXB Giáo Dục 2000 - tr.225, tI).

Sáu câu thơ đầu của bài học thuộc lòng với lịch sử chống giặc nhà Nguyên có cùng nội dung như thế. Tôi đã thuộc và vẫn nhớ, cũng như nhớ các câu thơ kế tiếp: Họ ra đi cả một trời thơ mộng / Điện Diên Hồng đủ văn võ bách quan/ Đủ đại diện của toàn quốc dân gian/ Vua cảm động tả tình hình quân giặc / Đang hằm hè hô vang trên ải Bắc / Chỉ nay mai là chúng vượt biên thùy / Chúng tràn sang thì nước mất dân nguy/ Mặt bách quan sa sầm răng nghiến lại / Gậy lão niên rung rung hồn tê tái /“Hỡi các người muốn sống hãy nghe ta/ Muốn yên thân, muốn giữ gìn sơn hà / Muốn đời đời hưởng ơn vua lộc nước / Thì tất cả dân gian toàn quốc / Phải một lòng, phải quyết liệt như nhau / Hãy tiến lên, hãy nhất luật đương đầu / Trẻ xông pha tung hoành nơi chiến địa/ Già giúp uy theo sau làm hậu thuẫn / Có như thế thì giặc Bắc mới chôn / Có như thế thì nước mất mới còn / Hỡi các người: Nên hòa hay nên chiến?”,/ “-Nên chiến! Nên chiến! Chiến đến cùng!!!” / Tiếng reo hò rung chuyển Điện Diên Hồng.

Hào khí của bài học thuộc lòng truyền nhanh vào tim tôi, kéo theo hào khí của bài học lịch sử chống giặc Nguyên Mông. Tác giả bài thơ (rất tiếc là giờ này tôi không nhớ tên, xin được tạ lỗi), những trang sử của cụ Trần Trọng Kim, và thầy Trương Hán Bật đã truyền vào tôi như sự vận hành của tâm linh sáng ngời chiến thắng của năm Giáp Thân 1284. Những bài học ấy tôi nhận được trong lớp học dưới mái đình nằm ở bờ Nam sông Thạch Hãn vào năm trường Nam tiểu học Quảng Trị được xây mới.

Mấy mươi năm sống với nghề dạy học, học đòi làm thơ viết văn xem ra tôi cũng tạm gọi là “có tiến bộ” như trong học bạ mà thầy cô giáo đã phê tôi sau mỗi năm học. Bây giờ, ngồi bên chiếc máy vi tính, xem ti vi kỹ thuật số, ra khỏi nhà là nhảy lên xe... thế nhưng tôi vẫn hít thở hào khí Đông A của năm Giáp Thân cách nay 720 năm về trước từ bài học thuộc lòng trong sách giáo khoa ra đời đã ngoài 50 năm.

Bài học thuộc lòng về năm Giáp Thân (1284) cách nay 50 năm, tôi vẫn chưa quên. Xin được cảm ơn các thầy soạn sách, xin được cảm ơn thầy Trương Hán Bật đã sắp xếp dạy bài học địa lý Sông ngòi Bắc phần, bài học lịch sử Giặc nhà Nguyên cùng một tuần lễ với bài học thuộc lòng ấy.

Còn bây giờ?

Xin dành câu trả lời cho quý soạn giả sách tiếng Việt, ngữ văn!