Còn gọi là hát ả đào hay hát cô đầu.
Một loại ca nhạc thính phòng thịnh hành trong giới nho sĩ miền Bắc (từ Nghệ - Tĩnh trở ra) dưới thời phong kiến (từ khoảng thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XX), đặc biệt là ở các đô thị (Hà Nội, Nam Định...). Gọi là ca trù, vì khi ca, người nghe dùng “trù” (có thể tre) để thưởng những chỗ hát hay, cuối cùng đếm thẻ để bình giá và thưởng tiền. Hát ca trù có cả đào lẫn kép nhưng đào là chủ yếu nên được gọi là hát ả đào (về sau, khoảng đầu thế kỉ XX mới gọi là hát cô đầu, hát nhà trò). Ca trù vốn có nguồn gốc từ lối hát cửa đình (hát thờ, hát tế thần phổ biến ở nước ta từ thời Trần), qua hình thức hát cửa quyền, hát đám (hát chúc tụng, khao vọng tại các nhà quyền quý, quan lại) và cuối cùng, tiến tới hình thức ca nhạc thính phòng là hình thức phát triển cao nhất, tiêu biểu nhất của ca trù.
Thế kỉ XIX là thời gian ca trù thịnh hành nhất trong giới nho sĩ nước ta. Phần lớn văn nhân, thi sĩ thời Nguyễn đều mượn ca trù để bộc lộ tâm trạng của mình trong những bài hát nói, một sản phẩm độc đáo đồng thời là thể thơ cột trụ của hát ca trù.
Những điệu chính được dùng trong ca trù là thét nhạc, ngâm vọng, nhịp ba cung bắc, gửi thư, đọc thư, hát nói... Những bài thơ hay thường được ngâm (hát) theo các điệu công thức trong ca trù là Tỳ bà hành, Bạch Cư Dị (bản dịch của Phan Huy Vinh) Tương Tiến Tửu, Tiền Xích Bích phú (bản dịch của Đào Nguyên Phổ), Chức Cẩm hồi văn (bản dịch của Ngô Thế Vinh)...
Nhiều đầu đề của thơ đã trở thành tên của điệu hát. Vì là một lời ngâm, hát thơ, nên ca trù phát triển mạnh về giai điệu. Nhạc điệu và nhạc cụ của ca trù rất giàu tính dân tộc. Cây đàn đáy (Đới Cầm) nhạc cụ tiêu biểu và rất quan trọng của ca trù là một cây đàn hoàn toàn Việt Nam. Đàn đáy nằm trong một dàn nhạc gồm có sáo, phách tre, sênh tiền...