Hồi cô tôi là thiếu nữ - lúc đó tôi còn nhỏ – cô thường rủ tôi lên để tìm cỏ mật. Tôi và cô mê mải đi dọc triền đê. Trong khi tôi phởn phơ, háo hức bao nhiêu thì cô tôi tư lự bấy nhiêu. Chợt như có gì bùng cháy trên gương mặt cô, ấy là khi phảng phất xa xôi trong gió chiều một mùi hương rất lạ, rất khó nắm bắt cứ như lan tỏa, lại cứ như dâng lên nhưng lại cũng có thể nghĩ nó lắng xuống từ trên trời. Trong bảng lảng hoàng hôn, hương thơm ngày một quyện, ngọt như có thể uống được, vị ngọt ướp vào không khí. Chỉ một lúc sau chúng tôi đã tìm thấy một búi cỏ mật. Cô tôi nhẹ nhàng búng từng sợi, nâng niu, hà hít. Tôi nằm sấp hẳn mặt xuống đất để tận hưởng trong cảm giác nhẹ lâng lâng cái thứ hương thơm bí ẩn ấy.
Trở về, lần nào cũng vậy, cô tôi đặt cỏ lên gối. Càng héo cỏ càng thơm, hương càng sâu. Cho đến khi sợi cỏ khô quắt, tưởng như chẳng còn tí nhựa sống nào, nhưng lạ thay, vẫn ngào ngạt hương. Cô tôi đem ép chúng vào những trang sổ.
Cô tôi xung phong đi bộ đội. Ngay lập tức cô phải vượt Trường Sơn sang Lào rồi lộn trở lại đánh nhau ở Khe Sanh. Cô viết thư về, giấy xé từ cuốn sổ cô ép cỏ mật, vẫn phảng phất thứ hương thơm dai dẳng kia. Tôi đọc thư của cô thấy toàn bom đạn, chết chóc. Nhưng từ lá thư của cô lại tỏa ra thứ hương thơm bình yên, của cuộc sống vĩnh cửu, của đất đai, mùa màng. Không hiểu sao tôi tin rằng, nhờ có thứ hương cỏ mật ấy mà không bao giờ cô tôi bị chết bởi sắt thép...
Những lá thư sau, sau nữa, trước khi đến địa chỉ gia đình, nó có thể đã lưu lạc hàng trăm nơi. Nhưng tờ giấy ướp hương cỏ cho tôi yên tâm rằng, ở nơi nào đó cô vẫn hoàn toàn bình yên.
Giữa khi cuộc chiến đang độ ác liệt, có một người đàn ông từ chiến trường trở ra tìm đến gia đình tôi. Chú đưa một lá thư tay nhàu nát. Tôi vồ lấy, căng ra hà hít và reo lên: “Cô vẫn bình yên”. Người lính ấy – sau này là chú rể tôi - mỉm cười, cũng một cách bí ẩn. Hôm sau ông bảo tôi đưa lên đê: Ông đi tìm thứ cỏ phù trợ cho cô tôi.
Rồi đến lượt tôi thoát li khỏi làng. Trong những kỷ niệm thường khiến tôi nhớ khôn nguôi thời bé thơ, có kỷ niệm với hương cỏ mật. Dường như nó thơm đến mức có thể níu giữ từng bước chân, bởi nó được chắt ra từ nỗi đắng cay đến tận cùng. Và với tôi, quê hương là nơi nhận về những rủi ro, chôn chặt trong lòng, ủ thành nỗi ngọt ngào cho những đứa con mà nó sinh ra.