Bố rất tốt lại tha lỗi cho tôi lần này nữa, và còn cho tôi dự vào buổi về đồng quê chơi, đã bàn với bố Cô-ret-ti từ hôm thứ tư. Chúng tôi ai cũng thấy cần phải thở một ít không khí trong sạch quang đãng.
Thật vui như hội. Hai giờ chiều hôm qua chúng tôi đã có mặt tại quảng trường, mang theo trái cây, xúc xích và trứng luộc. Chúng tôi có những cái bát bằng da và những chai vang trắng. Cô-ret-ti đeo bên sườn cái bi-đông của bố dùng khi còn ở trong quân đội, đựng đầy vang đỏ. Còn cậu bé Prê-cốt-xi, mặc bộ quần áo thợ rèn, ôm chiếc bánh mì hai ki-lô. Chúng tôi đi xe ngựa công cộng ra khỏi thành phố. Rồi thế là chúng tôi chạy qua các bãi cỏ lên các ngọn đồi! Mát quá, bóng rợp, xanh um! Chúng tôi lăn trên cỏ, nhúng mặt xuống các dòng suối cho mát, nhảy qua các hàng rào!... Bố Cô-ret-ti muốn đi với chúng tôi, bị tụt lại, phải đi theo sau chúng tôi khá xa, áo vét vắt vai, vừa đi vừa hút tẩu thuốc, thỉnh thoảng lại lấy tay đe chúng tôi, nhắc chúng tôi đừng làm thủng lũng quần mình. Prê-cot-xi huýt sáo. Tôi chưa hề nghe cậu huýt sáo bao giờ. Cô-ret-ti, lúc nào cũng nhanh nhẹn như con sơn dương, với con dao của mình đã chế tạo ra bao nhiêu thứ: những bánh xe cối xay, những cái dĩa, những ống tiêm.
Prê-rốt-xi hay đứng lại để nói cho chúng tôi biết tên các loài cây và các loài côn trùng. Tôi không hiểu làm thế nào mà cậu biết được tất cả những thứ ấy!... Ga-rô-nê lặng lẽ ăn bánh mì, nhưng không cắn từng miếng ngon lành như trước nữa... Từ ngày mẹ cậu mất, cậu thay đổi tính tình khác hẳn, tội nghiệp Ga-rô-nê. Nhưng vẫn là Ga-rô-nê, luôn luôn tốt như bánh mì mà cậu rất thích ăn; khi có bạn đang lấy đà để nhảy qua một cái hố, là cậu chạy sang bờ bên kia dang tay ra đón; và Prê-cot-xi vốn sợ bò, hồi bé cậu đã từng bị bò húc, thì mỗi khi có con bò đi qua là Ga-rô-nê đứng ngay trước mặt cậu Cứ thế, chúng tôi đến tận Xan-ta Mac-gơ-ret-ta; xuống dốc vừa nhảy, vừa chạy tung tăng, vừa nhào lộn...
Prê-cot-xi bước qua hàng rào, bị móc toạc một miếng áo, và xấu hổ cứ đứng đấy, mảnh áo rách lủng lẳng. May có Ga-rôp-phi, lúc nào cũng sẵn đanh ghim trong người, cậu đính tạm lại miếng rách, khéo đến nỗi khó nhận ra được, còn Prê-cot-xi thì lí nhí theo thói quen “Xin lỗi, xin lỗi”, rồi ù té chạy.
Ga-rôp-phi không để mất thì giờ, cậu nhặt nhạnh đủ thứ tạp nham: khi thấy viên đá nào đấy hơi óng ánh là nhặt bỏ túi, có lẽ nghĩ là đá chứa vàng hay bạc. Và tất cả chúng tôi chạy nhảy, leo trèo, dưới bóng râm, dưới ánh mặt trời, trên tất cả mọi địa vật, địa hình cho đến khi mệt nhoài, thở dốc, chúng tôi mới dừng lại trên đỉnh một ngọn đồi cao, ngồi cả xuống cỏ để ăn chiều. Từ đó nhìn xuống thấy một bức tranh toàn cảnh đẹp vô cùng: một đồng bằng mênh mông ở dưới chân chúng tôi, và đằng xa tít là mạch núi An-pi xanh biếc, đỉnh phủ tuyết.
Chúng tôi đói quá. Bánh mì vào mồm là như tan ra vậy. Bố cậu Cô ret-ti đưa cho chúng tôi những mẩu xúc xích để trên những ngọn là bí dùng làm dĩa. Vừa ăn, chúng tôi vừa nói chuyện về các thầy giáo, các bạn hôm nay không cùng đi chơi được, về các kỳ thi, Prê-cot-xi hầu như không dám ăn gì, nhưng Ga-rô-nê lại chọn những miếng ngon nhất đặt vào cái “đĩa” bằng lá cho cậu và bắt cậu phải ăn. Cô-ret-ti ngồi cạnh bố, hai chân tréo nhau. Trông họ như hai anh em hơn là hai bố con, cả hai đều hồng hào và tươi cười để lộ những hàm răng trắng. Ông bố uống rượu thích thú lắm, vừa uống, vừa bảo chúng tôi: “Bác cần uống hơn học trò, vì đối với các cậu, rượu rất có hại!”. Và đặt một tay lên vai con mình, nói tiếp: “Các cậu yêu lấy thằng bé này, nó là bông hoa của sự ngoan ngoãn, chính tôi nói với các cậu thế đấy”. Và tất cả chúng tôi đều cười, trừ Ga-rô-nê. Thế rồi bác thở dài và nói: “Ôi, hôm nay tất cả các cậu là những người bạn thân nhau, nhưng vài năm nữa Bôt-ti-ni và Đê-rốt-xi sẽ là luật sư hay giáo sư; còn bốn các cậu thì công nhân, chủ quán, cái quỉ gì nữa!... Và thế là... xin cáo từ tình bạn!”.
- Sao thế được ạ? - Đê-rốt-xi trả lời, đối với cháu thì Ga-rô-nê vẫn mãi mãi là Ga-rô-nê, Prê-cot-xi vẫn là Prê-cot-xi và những bạn khác cũng thế, dù cháu có thành ra Hoàng đế của tất cả các đất Nga đi nữa!
- Hay lắm! – bố cậu Cô-ret-ti vừa nói to vừa giơ cốc lên, - thế mới là nói hay. Nắm tay tôi này, bạn thế mới tốt. Và hoan hô trường học! Trường học đã họp những người có chút ít với những người không có chút gì, làm thành một gia đình với nhau. Tất cả chúng tôi cùng chạm cốc với bác.
Trời đã chiều. Chúng tôi xuống đồi vừa chạy vừa hát, tay khoác tay xuống đến bờ sông Pô, mà mặt nước đã tối sẫm lại, bên trên bay hàng đàn đom đóm.
Về đến quảng trường Pháp lệnh, chúng tôi chia tay nhau sau khi hẹn sẽ gặp lại nhau tất cả, chủ nhật tới trong buổi lễ phát phần thưởng cho học viên các lớp buổi tối.
Ngày hôm nay thật là đẹp, và tôi về đến nhà vui lòng biết mấy nếu khi bước lên thang gác tối om, tôi không gặp cô giáo cũ của tôi, cô nắm lấy hai tay tôi và nói vào tai tôi: “Vĩnh biệt En-ri-cô, đừng quên cô nhé!”
Tôi biết là cô đang khóc. Khi tôi nói với mẹ là mới gặp cô giáo thì mẹ nói: “Tội nghiệp cô giáo quá! Mẹ lo rằng đây là lần cuối cùng cô đến thăm mẹ. Dù cô vẫn đi đây đi đó và dù cô vẫn còn lên lớp mấy ngày nay, nhưng mẹ thấy cô chẳng còn bao hơi sức nữa!”.