Sẽ là hơi nhàm nếu bảo sách là biểu tượng của tri thức và của hiền minh, nó đương nhiên có ý nghĩa đó, chẳng hạn trong nghệ thuật trang trí Việt Nam hoặc trong hình tượng con sư tử mang sách ở phương Tây.
Nếu ta tự nâng mình lên một cấp độ, thì sách chủ yếu là biểu tượng của vũ trụ: Mohyddin ibn - Arabi viết: Vũ trụ là một cuốn sách mênh mông. Tục ngữ Liber Mundi cũng là của hội Rose - Croix (Hoa hồng - Thập tự). Những cuốn Sách Đời trong sách Khải huyền thì ở trung tâm thiên đường, ở đó nó được đồng nhất với Cây Đời: lá trên cây, cũng như các chữ trong sách, biểu hiện toàn bộ các sinh linh, nhưng cũng là toàn bộ các thánh chỉ.
Người La Mã tham khảo các Sách sấm truyền trong những hoàn cảnh đặc biệt: họ nghĩ sẽ tìm được trong đó những giải đáp của các thần cho nỗi lo âu của họ. Ở Ai Cập Sách những Người chết là một sưu tập các lời khấn thiêng, được chôn theo người chết trong mộ để bào chữa cho họ vào ngày phán xét và cầu xin các thần giúp họ vượt qua địa ngục, đến được ánh sáng của Mặt trời vĩnh hằng: Lời khấn để đi ra ánh sáng. Trong mọi trường hợp, sách được coi là biểu tượng của điều bí ẩn thần thánh, chỉ được trao cho người thụ pháp.
Nếu vũ trụ là một cuốn sách, thì là vì sách là Thần khải, và do đó, mở rộng ra, là Hiển lộ. Sách Liber Mundi đồng thời là Thông điệp của Chúa Trời, là mẫu gốc mà những sách được khải thị khác chỉ là những cuốn chuyên sâu, những bản dịch ra ngôn ngữ dễ hiểu. Thuyết bí truyền của đạo Hồi đôi khi phân biệt một phương diện vũ trụ vĩ mô và một phương diện vũ trụ vi mô của sách và thiết lập giữa hai phương diện đó một dãy các tương ứng: phương diện thứ nhất thực tế là Liber Mundi, là hiển lộ phát sinh từ Bản nguyên của nó là Trí tuệ vũ trụ, phương diện thứ năm trong tâm, là trí tuệ cá nhân.
Một cuốn sách khép có nghĩa là vật chất trinh nguyên: mở, là vật chất đã thụ tinh. Khép, sách giữ lấy điều bí mật của mình. Mở, thì kẻ nào đọc kỹ sẽ nắm được nội dung. Trái tim được ví với một cuốn sách như vậy: mở, nó phô bày các tư tưởng và tình cảm của nó, khép, nó giấu chúng đi.
Đối với các nhà luyện đan (xem luyện đan) công trình được biểu đạt một cách tượng trưng bằng một cuốn sách, lúc mở, lúc khép, tùy theo nó (nguyên liệu) đã được gia công hay chỉ mới được khai thác từ mỏ ra. Đôi lúc, khi cuốn sách được biểu thị khép lại – chỉ chất quãng thô – không hiếm khi ta thấy nó được niêm phong bằng bảy dải băng, đấy là dấu hiệu bảy thao tác liên tiếp để mở được nó ra, mỗi lần lại phải đập vỡ một trong các con dấu niêm phong. Cuốn sách Lớn của tự nhiên là vậy đó, các trang của nó chứa đựng những phát minh của các khoa học ngoại đạo và những thần khải về các điều huyền bí thiêng liêng.