Ý nghĩa biểu tượng của cá voi phát xuất vừa từ “Cửa miệng của bóng tối”, vừa từ con cá. Ở Ấn Độ, thần Vishnu đã hóa thân thành cá dẫn hướng con tàu cứu sinh trong trận đại hồng thủy. Trong huyền thoại về nhà tiên tri Jonas, bản thân cá voi là con tàu cứu sinh ấy, Jonas lọt vào bụng cá voi, tức là bước vào một thời kỳ tối tăm quá độ giữa hai trạng thái hoặc hai phương thức tồn tại (Guenon). Jonas ở trong bụng cá voi, đó là cái chết thụ pháp. Jonas ra khỏi bụng cá voi, đấy là sự phục sinh, sự ra đời lần thứ hai, như truyền thuyết đạo Hồi đã cho thấy rất rõ. Quả thực, chữ nun, chữ cái thứ hai mươi chín trong bảng chữ cái Arập, cũng có nghĩa là cá, đặc biệt cá voi. Vì vậy nhà tiên tri Jonas, Seyidna Yunus, được người Arập gọi là Dhun - Nun. Trong học thuyết Kabbale, ý niệm về sự ra đời lần thứ hai, theo nghĩa tinh thần, gắn bó với chữ nun này.
Bản thân hình dạng của chữ cái Arập ấy (nó có hình cung, nhưng để nhận biết đây là phần dưới của một vòng tròn, bên trên hình cung ấy có điểm một dấu chấm, chỉ trung tâm) tượng trưng con tàu cứu sinh của Nóe bồng bềnh trên mặt nước.
Cái nửa vòng tròn ấy cũng là hình ảnh của cái chén, mà chén, ở một số phương diện, có thể biểu trưng cho tử cung. Nhìn theo cách đó, tức là được xem như là một yếu tố thụ động của một quá trình cải biến tinh thần, cá voi, theo một nghĩa nhất định, là hình ảnh của mỗi cá thể, chừng nào mỗi cá thể mang trong mình, ở điểm trung tâm, mầm của sự bất tử, cái mầm ấy thường được hình dung, như một biểu tượng, ở sát trái tim con người. Ở đây cũng nên nhắc lại rằng luôn luôn có một quan hệ chặt chẽ giữa ý nghĩa biểu tượng của cái chén và ý nghĩa biểu tượng của trái tim.
Sự đâm chồi nở lộc của cái mầm tinh thần ấy có nghĩa là con người vượt ra ngoài cái trạng thái cá thể của mình và môi trường vũ trụ của mình, giống như sự trở về với cuộc sống của Jonas trùng hợp với việc ông ra khỏi bụng con cá voi... Sự ra khỏi ấy tương đương với việc con người thụ pháp ra khỏi hang thụ pháp, hố lõm của cái hang ấy cũng được biểu thị bằng hình nửa vòng tròn của chữ nun.
Cá voi cũng xuất hiện trong Kinh Coran (thiên 18: Hang), với dụ ngôn về việc Moise mang theo mình một con cá đi du hành. Moise đã tìm đến được chỗ hợp lưu hai biển (câu 60). Ở nơi hai biển giao hòa, ở điểm thống nhất những mâu thuẫn, con cá thoát khỏi tay Moise và trở về với môi trường của mình, để tái sinh cho một cuộc sống mới. Ý nghĩa tượng trưng của chữ cái Arập nun và của hình trăng lưỡi liềm thể hiện chữ ấy ở đây gặp gỡ một cách ly kỳ thú ý nghĩa tượng trưng của hình chữ thập – nơi hợp lưu hai biển – và của con cá, một biểu hiện của sự sống, con ichthus ấy đối với những tín đồ đầu tiên của đạo Kitô cũng là dấu hiệu của sự phục sinh. Rõ ràng không phải là ngẫu nhiên mà những bài cầu nguyện dành cho những người chết có nhiều câu thơ kết vần chủ yếu bằng âm n.
Về phương diện biểu trưng nguồn gốc vũ trụ, truyền thuyết đạo Hồi kể lại rằng trái đất khi mới được tạo ra thì nổi lềnh bềnh trên nước. Thượng Đế đã phái một thiên thần xuống vác nó lên vai. Để cho thiên thần có chỗ đặt chân, Thượng Đế tạo ra một hòn núi đá xanh, đặt trên lưng và sừng một con bò đực có bốn mươi ngàn đầu và chân thì lại đặt lên một con cá voi khổng lồ. Con cá voi này vĩ đại đến nỗi nếu tập hợp tất cả nước biển vào một lỗ mũi của nó, thì tất cả cũng chỉ như một hạt cải đen trên đất hoang mạc. Tha'labi nói: Chúa Trời đã tạo ra Nun, đó là con cá voi khổng lồ.
Được biết trái đất nằm trên vai thiên thần, thiên thần đứng trên hòn núi đá, hòn núi đá đặt trên con bò đực, bò đực đứng trên cá voi, cá voi nằm trên nước, nước trên không khí và không khí trên bóng tối, và toàn bộ cấu trúc ấy phụ thuộc vào những cử động của cá voi, quỷ thần Iblis đã cám dỗ con cá hất tung tất cả những thứ nó khiêng vác đi. Những cuộc động đất chính là do cá voi cựa mình. Nhưng nó đã bị chế ngự: Thượng Đế đã cử ngay tức khắc một con vật nhỏ chui qua lỗ mũi cá voi, lọt vào tận óc của nó. Con cá khổng lồ rên xiết van xin Thượng Đế bảo con vật nhỏ ấy đi ra. Thế nhưng con vật ấy vẫn luôn luôn ở trước mặt cá voi, đe dọa xâm nhập lại, cứ mỗi lần cá voi định cử động.
Như vậy cá voi, cũng như một con vật khác, như cá sấu, voi, rùa, là biểu tượng vật đỡ thế giới, là thành viên lớn của vũ trụ.
Ở Polynésie, ở châu Phi da đen, ở Laponie, người ta cũng đưa cá voi vào những huyền thoại thụ pháp tương tự như huyền thoại về Jones. Sự thụ pháp tương tự như huyền thoại về Jones. Sự đi lại trong bụng một con quái vật, thường là thủy quái, rõ ràng hay được xem như là cuộc xuống thăm âm phủ.
Ở miền biển Việt Nam, xương cá voi dạt vào bờ được thu lượm và trở thành vật thờ: là thờ biển, cá voi hướng dẫn thuyền bè và cứu vớt những ngư dân bị đắm thuyền. Theo phép ngoại suy đơn thuần, người ta cũng cầu xin thần cá voi đưa về xứ sở của thần tiên. Như vậy, xem ra cá voi cũng đóng vai trò con vật dẫn hồn, điều này khiến ta nhớ đến vị trí quan trọng mà nó chiếm giữ trong các nền văn hóa của thổ dân vùng bờ biển Tây Canada (Kwakiutl, Haida, Tlingit v.v...), đặc biệt những mặt nạ nổi tiếng, có nhiều ngăn và di động, thể hiện mặt người ở bên trong một con cá voi hay một quái vật nào khác có cái miệng há ra ngậm vào. Dẫu sao thì tục thờ cúng cá voi ở Việt Nam được nhắc đến ở trên hình như có nguồn gốc từ người Chàm, theo một số truyền thuyết thì dân tộc này đã đến từ biển và, y như cá voi, nhập vào bờ biển miền Trung Việt Nam. Huyền thoại vùng Nam đảo - Á châu về các thần dạt vào từ biển cũng tồn tại ở Nhật Bản. Cũng cần nói đến một con cá voi thần kỳ đã chở đến cho người miền núi Nam Việt Nam một Hài Nhi cứu thế, giải phóng loài người khỏi mọi khổ đau.
Cuối cùng, cá voi là biểu tượng của vật chứa và, tùy theo cái được chứa bên trong nó cũng là biểu tượng của báu vật được cất giấu, hay, đôi khi, của tai họa đương đe dọa. Nó luôn luôn ẩn chứa tính đa trị của cái chưa được biết và cái nội giới vô hình, nó là nơi trú ngụ của tất cả những mặt đối lập có thể xuất hiện trong cuộc sống. Vì vậy người ta ví thân thể hình quả trứng của con vật này với sự tiếp giáp hai cung của một vòng tròn tượng trưng cho thế giới bên trên và thế giới bên dưới, cho trời và đất.