Lễ hội đâm trâu gọi là “Tấp Rờpu pơ Pră”, thường tổ chức tập thể dưới sự đề xướng của già làng, tộc trưởng và sự hưởng ứng của làng buôn. Nhưng có lẽ hội đâm trâu mà thân chủ là những bếp ăn khá giả, có phước lộc như được mùa, dựng vợ gả chồng cho con, hay thoát qua cơn bệnh hiểm nghèo nhờ lời thề van vái với thần linh. Nhưng cho dù thân chủ là cá nhân đi nữa, thì lễ hội cũng tiến hành đúng theo thủ tục chung và mọi người đều giúp công, góp sức, coi như là lễ hội chung và là niềm tự hào của cả làng.
Trước hết là sân lẻ, được tổ chức đơn giản nhưng trang nghiêm ngay giữa sân làng. Trung tâm là một cột trụ Bơ-lang, trồng bằng cây gòn rừng vững chắc, để cột trâu làm lễ vật cúng Giàng (gọi chung các vị thần linh) và tông tổ. Mặt trước trụ Bơ-lang là cổng chào, với hai cây trụ bằng hai cây gỗ vông cao mút đầu người. Mặt sau trụ Bơ-lang là cây nêu lồ ô cao bảy thước. Trên ngọn nêu treo con chim Kring (phượng hoàng đất) bằng gỗ vông chạm trổ đầu đỏ, mỏ vàng đang dang cánh tung bay giữa trời. Theo truyền thuyết, chim Kring là biểu tượng của dân tộc, không thể thiếu trong các ngày lễ hội. Dưới chim Kring là những lá phướn làm bằng nan tre nhuộm đủ màu đầu trâu, gạo, muối và máu trâu.
Khi mọi việc đã chuẩn bị tươm tất, dân làng thực hiện các nghi thức do thủ tục ông bà để lại. Trước tiên là lệ “Hao Prắ”. Cụ trưởng tộc chít khăn đỏ, mình quấn khố chàm, tay cầm kèn Ô-lét, một thứ kèn chỉ dùng trong các ngày lễ hội. Tộc trưởng vừa đi vừa thổi kèn qua một lượt khắp nương rẫy để mời các vị thần linh và tổ tiên về chứng giám lòng thành kính của dân làng, con cháu. Tiếp theo là lễ “vớt nét” tức đón chào khách mời từ các làng lân cận đến dự lễ hội. Bằng cử chỉ giao tiếp lịch sự và rất dân dã, người làng trân trọng mời khách hút những điếu thuốc lá được vấn sẵn bằng lá trâm bầu. Chủ khách vui vẻ vào cuộc, lễ đâm trâu bắt đầu.
Tộc trưởng đưa tay làm loa hú vang, tiếp theo là tiếng hú hưởng ứng của dân làng, vọng vào vách núi, tạo thành một âm vang rền cả góc rừng. Một chàng trai lực lưỡng, cũng khố chàm, khăn đỏ múa tít thanh kiếm sáng loáng trong tay, mở đường vào sân lễ. Theo sau là một già làng vào hàng “thượng võ” trong thị tộc, tay cầm chiếc mác bén nhọn, múa trên đầu ba vòng rồi bất thình lình hét lên một tiếng, ngọn mác phóng nghe một tiếng “phụt” đúng vào giữa hai xương sườn nách trái, đâm thẳng vào tim con trâu đang cột ở trụ cây Bơ-lang. Con trâu rống lên một tiếng, giãy giụa. Người thanh niên quay lại chém liền hai nhát vào nhượng hai chân sau con trâu. Nó quỵ xuống bất lực, miệng thở phì phọp rồi gục hẳn.
Công đoạn tiếp theo là của già làng. Ông ta lách nghiêng lưỡi mác, một ống nứa nhỏ vọt thọc vào tim trâu, máu trâu theo ống nứa chảy ra. Dân làng hứng đầy từng chiếc ô đồng và dâng lên miệng các choé rượu đã chuẩn bị sẵn. Họ vái thần linh, các Giàng núi, rừng, nước... phù hộ cho dân làng mạnh tay khỏe chân, con ma lánh xa, điều rủi đi, điều may đến, mùa lúa mới bội thu, gia súc, gia cầm đầy đàn... Tiếp đến tộc trưởng dùng cây bông được chuốt bằng tre nứa chấm vào ô máu trâu vạch lên cây nêu. Các vị côi cả trong làng làm theo. Họ vạch máu trâu lên cửa nhà, vựa lúa, dân bếp, chiêng đồng, tổ chóc trong nhà và vạch lên bàn chân của khách mời, coi như chúc phúc điều lành.
Đến đây, coi như mọi nghi thức của lễ hội tiến hành xong. Trong lúc dân làng mổ trâu, nướng thịt và làm canh, thì các bậc côi cả phân ngôi thứ mời nhau rượu cần. Phong tục người M'nông có câu “xa biêng hơm, dô rơ-nơm lay”, có nghĩa là “ăn cơm chỉ để no, uống rượu mới mập, khỏe”. Rượu mới quan trọng, nên thịt trâu chỉ đãi một lần, nhưng rượu cần uống thâu đêm và có lúc kéo dài cả 2,3 ngày chưa dứt. Đối với các chàng trai, cô gái lễ hội đâm trâu là một dịp tốt để mượn tiếng “đờn môi” tỏ tình, tìm người bạn đời trăm năm.
Dân tộc H'mông có nhiều bộ tộc, có tên gọi là tiếng nói khác nhau như M'nông Pré ở vùng Đak Mil, M'nông Piết ở vùng Đakđam, Đak Huýt. M'nông Bih, êga ở vùng buôn Trấp. Noong ở vùng Đaklung - Đồng bào nấu canh trong ống lồ ô, khi canh chín, nêm chừng một muỗng máu trâu để ba năm trên dàn bếp vào, dùng cây thụt lên thụt xuống cho canh nhuyễn, gọi là canh thụt.