Hội hoa Ban là một hội vui lớn nhất và phổ biến nhất của tuổi trẻ vùng Sơn La - Lai Châu (miền Tây Bắc), được tổ chức đúng vào mùa hoa Ban nở trắng rừng. Hội hoa Ban còn có tên gọi là: Hội chơi núi hái hoa.
Cho đến nay, chưa rõ hội được hình thành từ bao giờ. Hội hoa Ban là một sinh hoạt văn hóa truyền thống của nam nữ thanh niên dân tộc Thái, để ghi nhớ và tưởng niệm một mối tình trong trắng của một đôi trai gái đang tuổi yêu, và là truyền thuyết về sự xuất hiện của cây hoa Ban. Tục truyền rằng: thuở ấy ở trong vùng có một chàng trai tên là Khun và cô gái tên là Ban, hai người yêu nhau đắm đuối, chàng Khun làm nương giỏi, săn bắn tài, còn nàng Ban khéo tay dệt vải và có giọng hát tuyệt vời. Thế nhưng cha nàng vì tham giàu sang, đem nàng gả cho con trai nhà tạo, lười biếng và gù lưng. Mặc cho cô con gái khẩn thiết van xin, người cha vẫn bỏ ngoài tai, cùng nhà tạo chuẩn bị cho lễ cưới. Nàng Ban sang nhà tìm chàng Khun, nhưng chàng theo cha đi mua trâu ở một bản xa, nàng bèn buộc lại chiếc khăn piêu ở cầu thang nhà người yêu, rồi chạy theo để tìm chàng. Vừa chạy vừa gọi tên người yêu, làm vang dội cả núi rừng; nhưng chàng trai đi đã quá xa, không còn nghe được. Tiếng kêu khẩn thiết của người con gái chìm vào giữa tiếng rừng núi bạt ngàn. Cuối cùng người con gái đã ngã gục khi vươn đến trên một đỉnh núi cao. Nơi nàng nằm xuống, một cây hoa trắng như búp tay người con gái đã mọc lên, cứ mỗi mùa xuân đến nở ken đầy hoa trắng. Chàng Khun về đến nhà, thấy khăn piêu của người yêu, biết có chuyện, bèn chạy vào rừng tìm nàng theo hướng mà cô gái đã đi, và mỗi bước chân của chàng lại mọc lên một cây hoa trắng... Cuối cùng chàng trai kiệt sức và hóa thành con chim. Chim Khun lẻ loi sống trong rừng và cứ vào mùa hoa Ban nở, chim Khun lại hót vang, như gọi người yêu năm xưa.
Cùng với những cuộc thưởng thức hoa Ban trắng, là nhiều cuộc vui triền miên suốt cả mùa xuân trên khắp bản mường. Chẳng hạn trên dòng Nậm Na có những cuộc hát giao duyên trên thuyền, hay hội chơi thuyền hái hoa của gái trai dân tộc Thái. Trên những con thuyền trôi thong thả theo dòng sông, phía đuôi thuyền là các chàng trai lái thuyền bằng chân, đánh đàn tính những bài tình ca, thay cho lời tỏ tình, ca ngợi các cô gái, còn ở mũi thuyền các cô gái thay nhau hát bài ca về tình yêu và hoa Ban trắng.