Cánh tay là biểu tượng của sức mạnh, của quyền năng, của sự ưng thuận cứu giúp, sự bảo hộ. Nó cũng là công cụ của công lý, cánh tay thế quyền bắt kẻ bị tuyên phạt nhận hình phạt.
Theo Denys Areopagite Giả danh, vai, cánh tay và bàn tay biểu thị khả năng làm việc, hoạt động, thao tác. Trong văn tự tượng hình Ai Cập, cánh tay là biểu tượng chung cho hoạt động, Brahma, thần Ấn Độ chủ trì các hoạt động sáng thế, được khắc họa có bốn mặt, bốn tay để chỉ sự hoạt động khắp nơi và toàn năng của thần, cũng như thế, Ganesha, thần của tri thức, có đầu voi, cũng có bốn cánh tay. Civa nhảy múa tung rất nhiều cánh tay như thể một vầng hào quang xung quanh mình.
Cánh tay là một phương tiện biểu hiện hiệu lực của vương quyền: nó thúc đẩy, nó giữ thăng bằng, nó phân phối hay nó là bàn tay công lý. Từ lam trong tiếng Ailen được dùng trong các văn bản huyền thoại để chỉ cả cánh tay lẫn bàn tay. Ông vua - giáo sĩ Nuada bị chặt cụt tay trong trận chiến đấu đầu tiên ở Mag Tured, không trị vì được nữa, Bres (một Fomoire) đã chiếm ngôi vua, làm cho quốc gia điêu đứng. Giới quý tộc Ailen đã buộc Bres trả lại ngôi vua, nhưng Nuada chỉ có thể lên ngôi lại sau khi thầy lang Diancecht đã lắp cho ông một cánh tay giả bằng bạc (một kim loại vương giả nhất hạng). Một bức phù điêu Ailen thời Kitô giáo khắc hình ảnh Nuada tay lành cầm cánh tay bị chặt đứt. Một phần của cái sơ đồ huyền thoại này được lặp lại trong truyền thuyết về Saint - Mélar (hay là Meloir) ở vùng thượng Bretagne.
Cánh tay và nhất là cẳng tay với bàn tay duỗi thẳng được người Bam bara xem như là sự vươn dài của trí khôn. Thế nhưng khuỷu tay, khởi nguồn của hành động, thì lại buộc bản thể thánh thần. Trong cử động sơ đẳng của con người: đưa thức ăn vào miệng, cẳng tay - đoạn trung gian giữa khuỷu tay và miệng - tượng trưng cho vai trò của trí khôn, yếu tố trung gian giữa Thần chí thượng và Người. Từ đó mà nảy sinh ý nghĩa biểu trưng quan trọng của khuỷu (coudée), nó đo khoảng cách giữa Người và Thần. Khuỷu của người Bambara dài bằng hai mươi hai ngón, con số này ứng với tổng số các loài vật được tạo hóa làm ra và vì thế biểu thị cho toàn thể vũ trụ. Vì thế người Bambara nói rằng khuỷu là cự ly lớn nhất thế giới. Cự ly ấy, tức là khoảng cách giữa con người và tạo hóa, được lấp đầy bởi cánh tay, tức là trí khôn, chỉ vì trí khôn cũng được đo bằng con số của sự sáng chế (xem hai mươi hai). Một tục ngữ Bambara nói, miệng không bao giờ cắn được khuỷu tay, để biểu thị bản chất siêu việt của thần linh. Cũng từ ý nghĩa biểu trưng ấy, cử chỉ chắp tay sau lưng ở người Bambara có nghĩa là con người phục tùng ý chí của thánh thần.
Trong lễ thức đạo Kitô, giơ hai cánh tay lên có nghĩa là cầu xin thiên âm và mở rộng linh hồn đón nhận ân phúc của thánh thần. Nhân bàn về chữ KA của Ai Cập, André Virel đã lột tả ý nghĩa cơ bản của cử chỉ này: hai cánh tay giơ lên thể hiện một trạng thái thụ động, tiếp thu. Động tác thân thể ấy sẽ nhường chỗ cho sự tham gia tinh thần. Cái lỗ hổng giữa hai cánh tay bên trên đầu vị Pharaông cũng y như lỗ hổng giữa hai sừng bên trên đầu con vật thiêng liêng. Trong cả hai trường hợp, lỗ hổng ấy tạo điều kiện và thể hiện sự tiếp thu những lực vũ trụ: bầu trời của con Người gia nhập bầu trời của vũ trụ.
Buộc những người đầu hàng, những tù binh và những kẻ phạm tội bị bắt giơ tay lên rõ ràng là một biện pháp đề phòng của những người chiến thắng, không cho đối phương sử dụng vũ khí cất giấu trong người. Thế nhưng, ở bề sâu, đây là một hành vi quy phục, một lời cầu viện công lý hoặc đức khoan hồng: kẻ chiến bại giao nộp mình cho ý chí người chiến thắng. Nó từ chối bảo vệ bản thân mình. Đây đích thị là cử chỉ đầu hàng, cử chỉ từ bỏ mình. Kẻ làm động tác ấy trở nên thụ động, nó giao phó nó cho ý muốn của chủ nó.