Cuộc sống giữa Hà Nội vừa giải phóng, nhiều đồng, nhiều thép, nhiều gỗ đá xi-măng, nhiều vàng bạc, nhiều kền bóng loáng quá. Đi trong ánh sáng điện, có những lúc, tôi gần như quên mất một người bạn chiến đấu cũ. Người bạn thân rất tốt, rất nhiều đức tính. Ai cũng đã từng sống với anh, chỉ cần nhắc đến tên anh, là mọi người nhớ ra ngay. Tôi muốn ôn lại, tha thiết ôn lại câu chuyện cây tre, chuyện anh bạn chí thân trong chín năm ròng kháng chiến.
Anh bạn thiên nhiên ấy đã đến với chúng ta từ bao giờ và từ đâu? Cũng khó mà lần ra được, trong cái dòng thời gian đi ngược lên xa lắc.
Anh quê ở Nam Dương, ở Hoa Nam hay ở Ấn, Diến? Cũng rất có thể quê hương anh chính là ở Việt Nam, anh cùng sinh ra và cùng trưởng thành với con người ở đấy. Anh ở với chúng ta từ khi dân tộc ta chưa có sử sách. Trong sự phát triển của dân tộc qua các thời đại, dân tộc ta đặt bước đến đâu, thì ở đấy có bóng dáng anh bạn. Chỗ nào có bóng cây tre, chỗ nào có bóng người nông dân là có trại, có làng, có xóm Việt Nam. Từ Nam Quan đến Cà Mau, từ rừng sâu, qua đồng ruộng bát ngát mênh mông, cho đến biển cả, bất cứ ở chỗ nào, cây tre chúng ta đều rườm rà bóng. Họ hàng cây tre đông đúc. Tre lộc ngộc, tre làng ngà, tre Mạnh Tông, tre mỡ, tre đá. Tầm vông, lồ ồ, tre bông Nam Bộ, mình đẹp như đồi mồi, trúc xe điếu, trúc chỉ, Mai, Giang, Nứa, Hóp, Vầu, Bương, Luồng. Ở đâu, anh cũng đều có những đức tính quý và đều gắn bó với đời sống. Cây tre là người bạn chí thiết của người Việt Nam trong lịch sử khẩn khoang và nông tác. Từ lúc mới lọt lòng mẹ ra đời, đặt nằm trong cái nôi tre Miền Nam hay trên cái võng tre Miền Bắc, là con người đã quen hơi bén tiếng với cây tre rồi.
Trong cuộc sống thân mật của con người Việt Nam, bất cứ việc lớn việc nhỏ, cây tre đều có dự phần. Ngồi tính ra thành hiện vật, cây tre có đến hơn một trăm tác dụng. Nhỏ từ cái tăm, lớn đến cái nhà ở. Bức vách, tâm liếp, lá cót, xà kèo cột, câu đối trúc, bức mành mành. Giường chõng, đôi guốc quai mây, cái quạt, cái đóm, cái điếu, cái đinh dép, bó lạt, đôi đũa, cái mâm tre ghép. Dưới bóng tre, người nông dân nghỉ ngơi và mơ màng đến cái vui của mùa sau, thì anh là cái quạt nan phe phẩy. Người bạn anh hết một ngày làm lụng thì anh là cái gối. Suốt từ sớm đến chiều hôm trải qua bốn mùa, quanh năm anh là cái nón che sương che mưa che nắng cho người bạn đồng quê. Những người nông dân bám lấy mảnh đất này mà sống, cây tre cũng chịu đựng cái khí hậu vừa nóng vừa ẩm, cũng chịu cái nắng cái mưa của thời tiết và càng thâm nhập vào đời sống của con người. Kết nghĩa với con người, với cuộc sống dân tộc, cây tre đã biến mình ra thành nhiều công cụ sản xuất. Nong, nia, thúng, mệt, rổ rá, giần sàng, cái bồ, cái cối xay lúa, cái bắp cày, cái bừa răng tre, chuôi dao, cán mác, cán cuốc, cán thuổng, đòn sóc, néo lúa. Con người ở đâu, cây tre quanh quất ở đấy. Đặt tay, đặt chân, đặt mình ở đâu cũng thấy anh bạn. Tre ở với người gần gũi quá, đã bén cái hơi con người cần cù chăm chỉ. Màu sắc nguyên thủy của cây tre rất đẹp nhưng rất đổi màu. Nhưng cái màu tre đẹp nhất vẫn là cái màu cuối cùng, cái màu của thời gian tạo cho. Mình tre lên nước; mồ hôi con người đã tạo cho anh bạn một nước bóng vàng rất bền. Con người bước ra khỏi nhà ở để ra đồng làm việc, cây tre cũng theo ra. Cây tre lại càng theo sát con người những lúc săn bắn chài lưới. Gậy, cán mác, ống sùy đồng, cung, tên, nỏ, bẫy, đậm, đó, gọng lưới, cần câu, phao chài, những chiếc đò nan chở lúa trên đồng chiêm và vớt củi rều trên nước sông và những chiếc mủng chiếc bè đánh cá biển ra khơi.
Ngày xưa, con người ít đi xa. Nhưng hễ đã bước ra khỏi đồng ruộng làng mạc, thì người bạn lại hóa thành cái cán, cái thuyền nan; và cái đòn ống muôn thuở nằm trên vai lại vẫn là cái phương tiện chủ lực để giải quyết vận tải đường trường.
Là một người bạn thường trực trong đời sống sinh sản của con người Việt Nam, cây tre đã dự luôn vào đời sống tinh thần của nhân dân, trong kiến trúc, văn chương, âm nhạc. Hình ảnh những cái ống quyển, những cái cán bút lông; những cái lều cái chõng trường thi là hình ảnh anh bạn ở một thời cách đây cũng mới nửa thế kỷ thôi. Nhưng trong địa hạt âm thanh Việt Nam, thì hình ảnh và tiếng nói của anh bạn thấy nó càng lâu đời và càng rõ nét. Thổi sáo và thả sáo diều, đó là những thói quen đã từ thời cổ của nhân dân lao động. Cái phím đàn bằng ngà quý hơn, nhưng không danh tiếng bằng phím tre. Cái đàn bầu một dây, cái nhị hai dây. Cái đanh tre bịt mắt trống, cái mõ, cặp xênh tiền, cỗ phách càng chứng tỏ những khả năng vang hưởng vô tận của cây tre trong thanh âm phương Đông. Trong âm nhạc cổ Việt Nam, tiếng tơ bao giờ cũng kèm tiếng trúc mà “Xôn xao tơ trúc, hội đồng quân quan”. Có những trường hợp tấu nhạc, tiếng tre đã ăn đứt tiếng sắt, tiếng đồng, tiếng da, tiếng tơ và tiếng gió. Tiếng phách khi xóc lên, vui như chim hót và sắc như dao cắt. Cây đàn xuồng, cây đàn tre vùng núi Tây Nguyên là một sự giàu có về mặt tài năng của cây tre chúng ta góp vào âm giai nhạc điệu. Gió lọt bức rèm trúc, cũng là nhạc rồi, “mình Tương phần phật gió đàn”. Cứ nguyên cả thân hình cái cây tươi như thế, anh bạn mỗi lúc gặp gió, cũng đã thành một bản đàn giữa trời. Những năm được mùa, gió Nam hây hây, những ai đã từng nghe khúc nhạc buổi trưa làng, tre đưa võng ru em ngoài bờ lũy? Có những đốt tre cộc, kiến đục nhiều lỗ, đã biến thành những ống tiêu muôn triệu nổi lên thoăn thoắt trên sóng lúa.
Trong điệu múa lăn hia của tuồng Bình Định cổ, cái hình trăng ngậm vành sẵn có của gốc tre già dùng làm đế hia, đã góp phần cho sự thành công của những bước dồn dập uyển chuyển trên sân khấu cũ. Người ta gõ vào mạn thuyền cạ tre, khua vang trên mặt nước hồ mà dồn cá. Tả cái vui sướng lao động, người ta thường nói “gõ mạn thuyền, hát mà ca rằng...”.
Người Tây Bắc chép sách chép sử dân tộc lên mình anh bạn, gửi vào anh bạn tất cả những văn tự cần ghi nhớ lưu lại cho người sau. Trong cái nhân sinh quan xưa, đức tính của anh bạn cây tre được nêu lên thành hình ảnh người quân tử, tiêu biểu cho cái thẳng thắn ở đời. Cái tiết tháo của cây tre là gặp rét lạnh vẫn sống, vẫn chịu đựng gian khổ, vươn lên mà góp vào xây dựng. Nhắc đến tiết tháo của người xưa, hình ảnh cây tre được ghi vào những bài văn tế còn truyền tụng: “Ngọc dầu tan, vẻ trắng nào phai - Trúc dầu cháy, đốt ngay vẫn thẳng”. Cây tre còn là hình ảnh của người hiệp sĩ giúp đỡ người nhỡ nhàng “ngàn tầm nấp bóng tùng quân”. Hình ảnh anh bạn được ghi vào gỗ chạm lộng, vào hàng đen, hàng dua, vào lụa thêu, vào xà cừ, vào vàng bạc chạm trổ. Tục ngữ, ca dao thơ phú, đều bàng bạc hình ảnh cây tre đáng yêu đáng quý. Hình ảnh đã ghi lại về cây tre thường hay gợi đến những cái gì thanh bình êm ả: “Gió đưa cành trúc la đà”, “khi vin cành trúc, khi tựa cành mai”: hay là yêu thương dịu dàng, “Ai đi đâu đó ai ơi? - Hay là trúc đã nhớ mai đi tìm”. Nói một cách chí tình, thì cây tre là người bạn đã dự nhiều vào cuộc sống chiến đấu của con người trên suốt mảnh đất Việt Nam.
Để chống với thiên nhiên, chống với nước dâng trên các triền sông lớn, chống với nạn lụt, cây tre đã có mặt trên các thân đê để cùng với nhân dân lao động cừ mặt sông, hàn khẩu các khúc đê sạt và củng cố những chân đê bị đe dọa. Những thành tích chiến đấu của cây tre chống thiên tai đã lớn, nhưng chưa lớn bằng thành tích chống xâm lăng, chống địch họa.
Truyền thuyết về Thánh Gióng đời Hùng Vương đánh giặc Ân (?) xâm phạm vào đất Văn Lang cũ, nói đến những vũ khí bằng sắt của Thánh Gióng. Ngựa sắt, giáp sắt, nón sắt và roi sắt, giữa một thời đại mà sắt còn là một vật rất hiếm trong đời sống dân tộc. Thánh Gióng xông vào trại giặc, nhưng cái roi sắt đã gẫy. Thánh Gióng phi ngựa tìm vũ khí, thuận tay quơ luôn những bụi tre sẵn có trên chiến trường. Trong tay người tướng giỏi, những bụi tre đã trở nên những vũ khí rất lợi hại quật tan quân giặc. Những chỗ tre nhổ bật cả bụi ấy sau này mọc lên một giống tre quý mình vàng chỉ xanh thẳng, gọn như kẻ, thường gọi là tre ngà. Cây tre Việt Nam chứng tỏ khả năng chống địch từ đó, cây tre có truyền thống chiến đấu của mình.
Vua Quang Trung đánh tan giặc xâm lăng nhà Thanh, lúc tiến quân qua đèo Ba Đội, cây tre đã có mặt trong cuộc hành quân, đã biến mình thành ra một dây đàn, thành ra những sợi dây trống quân, đã biến mình vào âm thanh, nhịp điệu dây thừng tre đã thúc đẩy ba quân ào ào như nước chảy ra Bắc Hà.
Cho đến lúc Tây sang chiếm nước ta, muốn bình định xứ này, trong phong trào Văn thân ái quốc chống Pháp, cây tre đã dự phần vào những trận oanh liệt như trận Ba Đình. Tường thành đắp bằng bùn nhão chế ngự đạn sắt đạn đồng của xâm lăng. Nhưng phải có những sọt tre đan đựng đất và phải có cọc tre làm nòng cốt cho tường thành Ba Đình.
Những mũi tên tre tẩm thuốc độc của anh chị em Ba Na, Gia Lai bắn vào bộ máy đô hộ của Pháp càng làm cho chúng ta nhớ lại cái tiếng tre trầm hùng của cây đàn tre ống của các dân tộc Tây Nguyên anh dũng bất khuất.
Nhưng, đến kháng chiến, chúng ta mới thấy hết được tài hoa của cây tre, mới nhận rõ được hết cái đức tính của cây tre, ngày càng gắn bó với những con người yêu cuộc sống yêu tự do trên mảnh đất này. Cuộc sống qua chín năm chống giặc, lấy nông thôn làm cơ sở chính, càng chứng tỏ khả năng thích nghi của anh bạn và càng làm rõ hơn nữa những năng suất vô tận của cây tre. Toàn quốc nổ súng, anh bạn đã có mặt ngay bên những chướng ngại vật. Thể cơ giới của giặc lúc đầu như vũ bão, nhưng cây tre vẫn yên tâm giữ vững giao thông liên lạc, biến mình thành ra những cột mắc dây thép dây nói. Trên nhiều cột tre, lại còn nhú lên những mầm lá xanh. Nó chứng tỏ anh bạn rất bình dị, cắm đầu cũng sống, dân tộc đặt mình ở chỗ nào mình cũng làm được việc ngay. Những cái mầm xanh lá tre cột dây nói ấy còn đem vào lòng người cái màu xanh bất diệt của hy vọng và tin tưởng. Với những đồng bào rời bỏ những đô thị tàn phá, anh đã là những mái nhà ấm, những quán hàng. Bên những con đường mới nở, anh đã đem niềm an ủi vào cái đau xót lo lắng của tản cư.
Cây gậy tre của người nông dân chống lúc bình thường, đánh con chó dại, thì nay đã trở thành vũ khí trong những ngày đầu kháng chiến.
“Thù này ắt hẳn thù lâu
Trồng tre nên gậy gặp đâu đánh què”.
Trên các nẻo đường đất nước, trên những nhịp cầu sắt, cầu bê-tông gục xuống, đã hiện lên những chiếc cầu tre có khi tay vịn còn chưa róc hết lá. Những ngày nắng chang chang, đối với những bước chân tản cư hoặc đi công tác, những cái bóng tre xa giữa quãng vắng, vẫn mời chào kích thích mọi người cố gắng. Trên những con đường mới mở ở vùng xuôi, có những chiếc cầu phao toàn bằng tre đực đỏm dáng soi bóng cùng những đò nan. Trên những đống vụn của tiểu thổ thị trấn và khắp các xóm làng, anh bạn vươn mình nhô lên thành những cái chòi thông tin làm ấm lòng người đang chuyển hướng sống. Mặt khác, anh bạn biến thành những trạm gác, trạm kiểm soát kẻ gian và chỉ lối cho cán bộ đi theo đường dây. Đồng bằng chúng ta mênh mông như bể rộng. Mỗi làng um tùm tre xanh là một pháo đài của anh bạn đang cùng với nhân dân quyết tâm chống giặc giữ làng. Ở Nam Bộ anh dũng, những cái nhà bè tre gai đã chuyển thành những binh công xưởng nổi trên các dòng kênh rạch. Những lùm tre to mười người ôm và cao hàng hai mươi thước, đã biến thành chỉ huy sở của xã hội trường, không đạn súng trường súng máy nào xuyên qua thấu. Bên những chiếc nôi tre, các bà mẹ Miền Nam lại hát lên những bài ru em của thời đại.
Cành tre gai khô đã đan vào lũy tre tươi, xây dựng công sự thiên nhiên. Bóng dáng anh bạn luôn luôn ẩn hiện trong thôn trang chiến. Giặc tràn rộng về đồng ruộng. Nó đi đến đâu, tiếng mõ tre của anh khua rộn xóm làng. Gánh gồng lên vai mà chạy giặc, có ai bỏ cái làng mình ra đi mà không ngoái cổ lại nhìn những con đường làng nó đi sát vào, miết vào những bóng hàng tre thân thuộc. Những ngày chuẩn bị chống càn, anh chị em du kích phơi mìn, lấy mo tre đắp lên vũ khí, ngụy trang tránh những con mắt tò mò. Thân cây tre biến thành dây giật mìn, biến thành ống ngầm dẫn dây mìn, biến thành ống viễn tiêu, biến thành ống thông hơi hầm chìm. Lũy tre trở nên cái chỗ dựa tốt nhất của du kích. Bóng tre bảo vệ cho các cơ sở. Gốc tre bụi là nơi truyền khí trời xuống hầm sống. Lá tre khô lá tre tươi bít mặt quân thù đang xục hầm bem. Anh quấn quýt lấy cán bộ, du kích, lấy xóm làng. Anh đánh giặc giữa làng, ở cổng làng, ở giữa chợ, ở bến đò, ở trên đê, ở mép ruộng. Anh là cái đòn cần lập công giữa chợ vùng địch, anh là cái bàn chông lập công ở vùng du kích. Anh là đôi cà kheo của cụ Lữu vùng biển Nam Định đã dùng kheo tre quật chết giặc. Anh là đội néo lúa của chị Nguyễn Thị Ninh ở Ngoại Hoàng (Hà Đông) đã dùng néo lúa chẹt cổ một tên cai thu một trung liên. Trong chiến đấu cùng với bạn cày anh có nhiều sáng kiến, anh hóa thân thành ra nhiều võ khí, nhiều vật dụng. Kẻ thù sợ anh, tức tối lồng lộn, mưu đốt cháy anh, dí lửa vào lều chợ, vào quán vào cổng, vào cót đựng thóc, vào tất cả đồ vật trong nhà người dân cày bạn chí thân của anh. Nó đốt chưa đủ, nó còn tổ chức những đội công binh da den chuyên môn chém anh, nó giao cho da đen, nó không giao cho ngụy binh, vì nó cũng biết rằng ngụy binh dù bị nó lừa phỉnh dọa dẫm đến đâu, trong máu họ vẫn còn chút tình nghĩa với cây tre và chùn tay dao khi chém tre cả làng. Đã có những làng đấu tranh chống chặt tre, ôm ngang cây tre mà khóc. Tre đã rời lìa hết lũy làng, nó vẫn chưa hết hằn học, nó còn gài mìn giật nổ tung cả gốc lên. Nó còn bắt các em bé, các cụ già vùng Tề đưa các anh về sân bốt xếp đống lại cho nó điểm mục. Hàng ngày, hàng tuần, nó chỉ định con số bắt đem nộp các anh vào vị trí nó. Tội ác nó đối với anh, chồng chất như núi. Nhưng mà anh chị em du kích giữ làng đi sát cái bóng anh và trả thù cho anh. Anh hãy bảo những cơn gió trong vùng tạm chiếm ngừng thổi một lúc, mà nghe cây tre kể thơ đánh hố chông:
“Ới chị em ơi!
Thù kia sâu sắc bao nhiêu
Thì vót cho sắc thật nhiều chông tre
Hố chông đào sẵn bốn bề
Tao đố thằng giặc dám về làng tao
Chuồng gà chuồng lợn mày vào
Mày ngã bổ nhào xuống cái hầm chông
...
Này anh em ơi!
Gió đưa cành trúc la đà
Rủ nhau đến gốc tre già vót chông
Giăng lên trắng cả cánh đồng
Nửa đêm làng xóm vót chống rửa thù”
Những người du kích đã trả thù cho anh, đã sáng tạo ra chống bàn, chống quay, chống củ ấu. Liên khu 5 còn làm chùy chông để ném; trong trận chúng đổ bộ Quy Nhơn trước Giơ-ne-vơ, năm trăm đứa đã sa thụt cả xuống hầm chông. Kẻ thù sợ bàn chông, sợ anh, không dám nghênh ngang ồ ạt vào làng, chúng buộc gạy ngang người, bước lò dò, vừa lom khom vừa giật mình. Cái mặt quân thù đã tàn ác đáng ghét, nay lại càng lố bịch và bần tiện. Những cái chông tre còn tua tủa cắm ngang trời như những que nhựa bắt chim. Sau trận nó nhảy dù Việt Bắc 47, nhiều nơi chống nhảy dù đã vót chông dài cắm trên các bãi rộng và đóng cọc lên bãi tàu bay đế quốc. Cọc tre ngửa cái đầu vót nhọn nhìn trời như thách nó. Thời gian vừa qua vừa ủng hộ chúng ta. Những cọc tre cắm xuống đất ấy đã bắt rễ, đã nảy mầm đã vươn cành. Mỗi tuần mỗi tháng mỗi năm, tre đã ra thêm lá xanh như nhắc nhủ chúng ta là cố gắng nữa đi, thắng lợi cuối cùng sẽ về ta. Đêm trăng mờ, công tác qua trường bay cũ, thấy tre trên trường bay đã kín bụi, gió rì rào, tưởng như qua một cái trại lẻ ngoài đồng. Cuộc sống chiến đấu ở đồng bằng đã gian khổ. Nhưng cuộc sống chiến đấu ở núi rừng Việt Bắc còn gian khổ ở nhiều mặt khác. Cùng một huyết thống với anh, cũng nhiều khả năng xây dựng và chống giặc như anh, cây nứa cây mai ở Việt Bắc đã luôn luôn có mặt cùng với nhân dân ở hậu phương và quân đội ở khắp chiến trường. Từ năm 1940, anh đã dự vào cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn cùng với du kích miền núi. Anh đã là những trái bom nữa có thành tích phá lô-cốt La Hiên, anh là những ống mìn tre của du kích Võ Nhai đánh phục kích trên đường rừng.
Việt Bắc là cơ sở cách mạng. Việt Bắc xây dựng căn cứ kháng chiến. Tre, nứa, mai đã trở nên những cái gì mật thiết hằng ngày với cơ quan, với xí nghiệp, với đơn vị, với mọi người. Ở đây, thay cho rơm rạ vùng xuôi, cây nứa đã thành ra ngói lợp nhà, mái nứa nhấp nhánh ẩn hiện bên lối rừng. Cây nứa đã thành cái bát ăn, thành cái nồi đốt cơm lam, thành cái đèn dầu soi sáng hội nghị, cái bàn, cái giường, cái ghế trong đời sống tập thể. Cái tiếng tre tiếng nứa của những guồng nước quay trên suối lớn thúc giục những người tăng gia sản xuất. Trong những ngày khó khăn tiếp tế, nứa và mai đã là những món ăn trường kỳ. Quên sao được cái vị đạm bạc của măng mai chấm với muối than nứa đốt cháy. Đoàn trâu thồ và những con ngựa giao thông hỏa tốc buộc dưới bóng của rừng, thong thả ăn lá tre. Hình như thực dân cũng đã gán cho cây tre cái tội kìm hãm sự phát triển những cánh đồng cỏ để chăn nuôi, vì trâu bò dê ngựa đều ăn lá tre cả! Quên sao được những ngày sốt mỏi, ba-lô đẫm nước trên đường đèo, dừng chân vào quán vắng, vắt nước lá tre chữa cơn say nắng, đun nước lá tre xông cho tan cơn sốt. Nhớ ơn anh bạn đã là một người cấp dưỡng dễ dàng, lại còn là một ông thầy thuốc cấp cứu. Quân y Nam Bộ ướp măng tre để cây thuốc theo phương pháp Phi-la-tốp.
Giúp vào cái sinh hoạt của chiến khu, anh bạn còn là những bó đuốc soi đêm bùn đêm mưa, tàn rụng xèo xèo trên suối lạnh. Ban ngày, tàu bay nó không ngớt dòm ngó, những rừng an toàn khu và kiểm soát các đường chính. Cái bóng xanh dày muôn thuở của lũy tre đã ôm ấp cơ sở miền xuôi thì ở đồi núi dây, rừng nứa lại càng bảo vệ cho căn cứ, che mắt quân thù. Nứa rừng đã được cắm hàng trên lối đi mới mở, trên mái gối mới lợp, trước mặt hàng các phố quán chân đèo lưng đèo. Lá nứa rung rinh trên mũ nón, trên ba-lô, trên xe đạp, trên mui do những bóng hình lưu động. Thành tích của anh bạn truyền từ các nơi về căn cứ. Du kích làng Yến Cù (Sơn Tây) đã dùng tên nỏ bắn chết quan Hai tây. Lão du kích tỉnh Sơn La, cụ Triệu Văn Khin, đã dùng nỏ Dao bắn chết năm thằng và đánh lui một trăm đứa đeo tên ở lưng áo mà chạy. Đến như những cái cần trúc cong cong lả lướt dùng uống rượu cần ấy cũng lập được công lớn. Trong trận chống càn ở tỉnh Hòa Bình ngày 25 tháng mười 1948, du kích Mường ở Yên Lương đã phục rượu cần cho chúng say và kết quả tính mạng bảy mươi hai thằng giặc ác.
Từ căn cứ, chủ lực chúng ta xuất phát đi các chiến dịch. Lẽ tất nhiên, trong hàng quân, vẫn có cây tre. Cây tre đã là cái gậy hành quân của pháo binh khiêng súng nặng. Tre là cái áo bọc bom bay, bọc trái phá, là cái rổ đựng lựu đạn, tre là những sọt đất công sự của trọng pháo. Trong rừng chờ giờ khai hỏa, tre là cái điếu cày giúp cho chiến sĩ thêm mắt thêm tai; tre là cái bình nước thiên tạo, chỉ cần lấy mũi dao chích khẽ vào dốt nửa là có nước giải khát thơm lành. Lệnh đánh vừa truyền xuống. Cùng với xung kích, anh tiến lên như vũ bão, anh là cái cán mác búp đa, anh là cái thang phên đan đầy đè sấn lên dây thép gai nó, lên hàng rào lông dím đồn dịch. Tre là cái cáng chuyển những chiến sĩ anh dũng về trạm quân y. Ba quân ầm ầm tiến vào đánh tung thâm, anh nổi lửa rừng, cả rừng nứa nổ rền như pháo đốt mừng chiến thắng. Những lúc về tổng kết chiến dịch ở các đơn vị mở hội mừng công, có những buổi ca nhạc dùng đến hai ba chục cây sáo trúc, mỗi cây sáo là mười một lỗ, tiếng sáo nghe thăm thẳm cao vút. Tre còn đi sát bước với anh chị em dân công tải gạo đang đi phục vụ chiến trường. Tre đã là cái mũ của bộ đội, tre còn là những cái mo tre ghép ở vành mũ người dân công. Tre là cái cọc thồ, là cái tay ngai ở chiếc xe đạp thồ hàng ra trận. Tre hiện hình thành những cái kho muối, cái bịch thóc quân lương. Phục vụ khắp các tuyến trong chiến dịch lớn Điện Biên Phủ, cây tre nằm sát xuống mặt bùn; trên đường lầy hố bom sũng nước, anh là những tấm phên đỡ cho cơ giới đêm đêm tiến không ngừng vào trận địa.
Giơ-ne-vơ thắng lợi, cây tre đã được giao trả lại cái công tác ngụy trang đã đảm nhiệm trong chín năm rất là đắc lực. Lá xanh trên lưng người, trên mui xe, mui đò, trên các mái nhà ào ào trút hết xuống nền đất, anh đã đứng thẳng dậy trên các đường cái lớn, mình cắm đầy quốc kỳ. Anh đã thành những cổng chào vươn mình trên dòng người chiến thắng tầng tầng lớp lớp từ khắp nơi đổ về. Anh đã thành những cái sân khấu liên hoan lộ thiên giữa các bãi quang rộng không cần ngụy trang như trước. Điệu múa sạp trong các đại đội mừng công của các đơn vị rồn rập cái tiếng nhạc tre. Tiếng nhạc của tre đòn ấm nhịp nhàng răm rắp như đông người đang bước lên vui sướng. Tiếng súng trận đã ngừng, nông thôn và các đô thị giải phóng mỗi ngày mỗi vang dội thêm những tiếng sáo trúc những nhịp tre sạp. Mọi người khắp nơi lại hàn gắn lại cuộc sống, đặt lại từng viên gạch, trồng lại từng cây tre làng ở những vùng mới giải phóng. Tết Hòa bình này, cái con chim bồ câu trắng lại đậu trên cây nêu xóm làng. Xe trúc lại hiền lành cắm vào các vò rượu cần những buổi liên hoan miền núi. In lên nền lũy tre xanh mướt, giữa những bãi chợ làng, giữa các khu rộng ngoại thành, anh lại trở lại cái hình dáng sinh động đáng yêu của chiếc đu bay, nói lên cái phấn khởi của phụ nữ của trai làng được trở về cái sống bình thường mà đẩy mạnh sản xuất. Tết này, sợi lạt tre gói bánh chưng nhuộm lại màu cánh sen cổ truyền của dân tộc.
Dân tộc đang đặt lại những con đường sắt ở miền Bắc. Đá tảng lớn và xi-măng đang chuyển dần đến công trường, để gắn xây lại những đập dẫn nước tưới ruộng đồng mênh mông. Cuộc kiến thiết từ đây sẽ dùng đến sắt, gỗ, đá. Nhà cửa rồi là ngói gạch nhiều. Có người thắc mắc cho anh bạn cũ. Trong điều kiện xây dựng mới, thời đại của tre nứa rồi hết dần. Anh bạn rồi trở nên một cái gì thừa: bất tài, vô dụng, như là cái cảnh “địch quốc phá, mưu thần vong”? Có thể nào như thế được không, anh bạn cây tre?
Hình như trước đây, trước cái ngày trỗi dậy lớn lao của dân tộc làm Cách mạng tháng Tám, thực dân cũng đã từng nêu câu chuyện cây tre cản trở bước tiến hóa Việt Nam. Chuyên môn viên và kỹ thuật viên đế quốc đã xuyên tạc và đánh giá sai về anh. Họ cũng công nhận một số đức tính của anh. Nhưng họ đã nói xấu cây tre, buộc cho anh cái tội làm cho con người Việt Nam lười biếng. Người Việt Nam lười biếng, ít sử dụng được kỹ thuật mới, vì cây tre đã giải quyết nhiều vấn đề cụ thể trong đời sống người nông dân Việt Nam!
Họ đánh giá văn minh của chúng ta đang còn ở giai đoạn thô lậu, ở trình độ của thời đại tre pheo thủ công. Đó là một sự bất công, đó là những lời vu cáo. Sự trưởng thành của dân tộc ta trong cuộc chiến đấu chống xâm lăng có máy có súng tối tân, đã chứng tỏ trình độ nền văn hóa chúng ta, trong ấy anh có phần dự. Riêng về anh, ai cũng phải nhận rằng anh nhiều đức tính, những cái đức tính riêng biệt của những quý vật sống trong một nước nông nghiệp. Anh rất cứng rắn, thẳng thắn, đồng thời lại cũng rất bền bỉ dẻo dai. Lúc thắng thì làm một cái hình ảnh người quân tử, thì làm một cái mũi tên. Vừa cứng rắn, vừa mềm mại, cái sào tre đực đã thắng được những dòng nước ngược, lúc chống đẩy những chiếc phà chở hàng tấn hàng trên nước lũ. Lúc vòng cong thì thành một cái cạp thuyền. Lúc mềm dẻo làm một sợi dây, thì “lạt mềm buộc chặt”. Anh rất tinh tế nhưng cũng rất giản dị. Tiếng nhạc gió sáo trúc véo von xoáy vít vào không khí mà đi xa; tiếng nhạc tre gõ sạp, trầm hùng vui lành; tế nhị là như thế, nhưng tách riêng ra, cắm vào đất nào cũng sống. Anh rất êm lành, nhưng lúc chống thú dữ, chống giặc, thì bạo tợn vô cùng. Đối với cuộc sống, anh góp phần rất nhiều, lúc còn xanh tươi cũng như lúc đã vàng khô. Cây tre rộng rãi quen với cuộc sống, có nhiều lúc lại ra hoa, ra hột. Hột tre, đồng bào Nam Bộ xay giã ăn như hạt gạo. Nhưng bao giờ cũng thế, ra hoa ra hột rồi, tức là cây tre chết luôn. Anh rộng lượng, cung ứng khả năng mình một cách vô điều kiện, nhưng anh cũng rất nhũn nhặn, ít đòi hỏi. Những cái đức tính quý báu ấy, có nhiều điểm cũng giống như tính tình con người nông thôn Việt Nam.
Đó là sự ngẫu nhiên hay là có sắp xếp, mà cuộc sống đặt cây tre vào bên người nông dân Việt Nam để cùng kết nghĩa bạn đường với nhau lâu dài? Cây tre và con người Việt Nam sống bên nhau đã lâu đời. Trong những cái buồn, cái vui, cái lo nghĩ của con người Việt Nam, trong cái sống bình thường, trong cái sống chiến tranh, trong cái sống xây dựng trước mắt, trong sự tồn vong của dân tộc qua các giai đoạn, cây tre đều có mặt. Đây là một người bạn đoàn kết lâu dài. Kiến thiết ngày nay dùng đến đá, gỗ, sắt. Nhưng còn lâu lắm nữa, mới bỏ được tre và nứa. Mà bỏ thế nào được. Có bao giờ mà tất cả xóm làng Việt Nam lại không còn một chút bóng tre xanh nào, có bao giờ mà măng lại không mọc nữa ở rừng Việt Bắc, ở làng xóm miền Nam! Có bao giờ mà lại có cái việc không thể có được ấy!
Ngày nay, trong các công trình kiến thiết, nứa và tre vẫn có mặt không ngừng ở khắp công trường. Ở những công trường đường sắt, anh đang là cái bè nứa xuôi bao nhiêu tấn sắt cũ trên dòng sông. Ở Thái Nguyên và Thanh Hóa dừng lại dập nông giang, bên cạnh đá, gỗ, sắt ngổn ngang, các anh đang là những cái gióng cao vút, những cái giàn thẳng nét cho những người thợ chuyên môn đứng thẳng lên làm việc.
Xây dựng nhà cửa lâu dài, dựng nền đào móng mà là chỗ ẩm ướt, thì lúc đóng móng, vẫn là những cọc tre đực, thịt dẻo quánh và bền chắc không mục, chấp được sự phá hoại của đất ẩm. Trong những yêu cầu mới của kiến trúc, đừng ai đòi hỏi cây tre phải giải quyết mọi việc một cách tuyệt đối. Đây chỉ là cây tre phối hợp với những nguyên liệu khác. Cứ nhìn kỹ mà xem, trong trang trí nhà ở, đồ vật bằng tre dễ gây thân mật. Bên những cái nặng nề của gỗ, của xi-măng, đồ vật bằng tre vẫn nói được lên một cái gì thanh tao nhẹ nhõm. Cuộc sống rồi thêm thứ này thứ khác, nhưng hễ cứ có hình ảnh tre lồng vào, bao giờ cũng làm cho mọi người ở trên đất này yêu cuộc sống ấy hơn, và thấy gần gũi hơn với nó.
Trong những khó khăn mới và những phấn khởi mới, anh bạn cây tre hãy cứ yên tâm. Anh hãy cứ là cái bóng mát nơi xóm làng, anh hãy cứ là cái nón bốn mùa trên đồng ruộng. Anh hãy cứ là cái cây lành, những buổi chiều quê có hàng trăm con cò trắng đậu trên cành, trông xa như một bụi hoa lạ chưa có tên gọi. Anh hãy cứ là những tiếng sáo mà hát theo nhân dân lao động. Anh hãy nhìn những em thiếu nhi Việt Nam dân này. Phù hiệu của các em thêu một cái măng mọc. Trên đất nước yêu quý này. Tre già, nhưng măng mọc và cây tre còn xanh bóng lâu đời.