Giờ đây, không sống nơi quê nhà, tôi vẫn luôn nhớ hình ảnh cha mẹ một nắng hai sương quanh năm tay bùn chân lấm bàn chân trên đồng cạn, dưới đầm sâu thấm đẫm đất chua phèn. Đến mùa vụ, ngày hai buổi gặt lúa trên đồng, bàn chân mẹ túa máu vì rạ cắt in sâu trên bờ ruộng ướt sũng, chông chênh, “mặt bừng đỏ thắm mồ hôi ướt” gánh lúa oằn vai.

Hết ngày mùa, bàn chân mẹ tôi lại thoăn thoắt trên dặm tường tần tảo mua bán. Cứ chân đất, mẹ bôn ba làm lụng từ năm này sang năm khác, bàn chân mẹ chai sạm và nứt nẻ.

Cha cũng vậy - Người đã quá quen với chân đất, mỗi lần có “chuyện trọng đại” chị em tôi nài ép cha mang đôi dép, cha dãy nảy như đỉa mắc phải vôi. Có lần chị Cả đánh động “Cha mà đi đám cưới bằng đôi chân trần thì mặn mùi nhà quê lắm! Người ta chê cho coi”

Nể tình chị em tôi, cha mang đôi dép đi dự đám, đến khi mãn tiệc, cha về bằng đôi chân không, chị em tôi cười ra nước mắt. Còn mẹ thì họa hoằn mới mang dép, mỗi lần mang dép thì mẹ lại tìm dây nhợ cột làm quai sau. Thấy chị em tôi ôm bụng cười, mẹ ngượng ngập, bảng lảng: “Cột dép như vậy khỏi sợ bỏ quên ở nhà người ta”. Riêng ông nội, chúng tôi có thuyết phục đủ mọi cách ông cũng không bao giờ mang dép. Đã vậy ông còn chê chúng tôi: “Mấy đứa giống như công tử bột ấy, lúc nào cũng dép với guốc! Xem bàn chân ông đây này! Nó có dây bằng mấy lần dép, cả đời ông, ông đi bộ bằng đôi bàn chân này có sao đâu! Các cháu không biết đó chớ đi chân đất khỏe khoắn, thoải mái hơn mang dép nhiều lắm!”

Thuở bé tôi cũng từng chăn bò, cắm câu, thả diều trên cánh đồng chang chang nắng bằng đôi chân đất. Có lần tôi dậm gai tre, gai bàn chân rỉ máu, đi cà nhắc về nhà. Mẹ trông thấy đau lòng lắm. Mẹ lấn bấn đi tìm áo cũ lau chân cho tôi, tìm cách gỡ gai và thoa dầu cẩn thận. Tôi được nước nhõng nhẽo với mẹ để được mẹ ấp yêu cưng chiều.

Rồi có những lần chân đất kéo co với lũ trẻ hàng xóm. Những đôi chân trần bé xíu bám chặt vào mặt đất, cày lên thành vệt dài. Cả hai phe ăn - thua đều ngã nhoài về một phía ròn rã tiếng cười. Và biết bao lần tôi với mấy thằng em - con chú Bẩy đợi mọi người yên giấc ngủ trưa rón rén vào vườn nhà bác Ba Lên hái trộm ổi chua. Những đôi chân trần của chúng tôi leo cây nhuần nhuyễn như dân xiếc chính cống.

Một lần, bác Ba Lên phát hiện chúng tôi hái trộm ổi, ông xách cái doi cày dài ngoằn bước ra vườn gào lên “Mấy thằng hái trộm ổi từ từ bước xuống từng đứa một! Đứa nào cả gan nhảy xuống, thì tao đánh chết!”. Chúng tôi sợ xanh hồn, vãi đái ra quần, tuân theo lời bác Ba một nước. Bác Ba làm hung dữ chứ không hề đánh chúng tôi roi nào. Sở dĩ bác hô to trèo xuống từng đứa một là vì bác sợ chúng tôi té ngã.

Tưởng đâu yên ổn, đứa nào cũng mừng ra mặt, vậy mà buổi chiều hôm ấy, sau khi ăn cơm xong, cha tôi trải chiếc chiếu trên thềm nhà, rút cái doi mót dắt trên mé rui “dần” tôi một trận nên thân. Mẹ đứng ngoài nhìn tôi bị đánh mà rưng rưng nước mắt chứ không dám xin cha tôi nửa lời.

Tôi lớn lên bằng đôi chân đất của những tháng năm thơ trẻ với bao kỉ niệm vui buồn. Ngày tôi được mẹ mua cho đôi dép để cắp sách đến trường cứ đi được một quãng đường, tôi lại nhờ chị cả xách hộ đôi dép. Sự gò bó của đôi dép nhựa dần dà thành quen. Sau này cứ đến ngày tết là mẹ bán cải, bán dưa chắt chiu mua cho tôi đôi dép rọ làm bằng nhựa trắng. Đó là một món quà rất quý giá đối với chúng tôi. Và tôi không bao giờ quên hình ảnh cha mẹ tôi, những người dân quê lam lũ quanh năm với đôi chân đất phóng túng đã nuôi chúng tôi khôn lớn nên người.