Đã từ lâu, sao la sinh sống ở những vùng núi thấp của dải bắc Trường Sơn, kéo dài dọc theo biên giới Việt - Lào, từ Nghệ An đến nam Thừa Thiên – Huế. Tháng 5 năm 1992, tại khu bảo tồn thiên nhiên Vũ Quang (Hà Tĩnh), lần đầu tiên người ta đã bắt gặp sao la đang gặm lá cây rừng.
Mới đây, một số bà con dân tộc Cơ Tu lại phát hiện tại khu rừng đầu nguồn sông Hương (thuộc địa phận khe La Vân, Tà Lai, Mụ Nụ, huyện vùng cao A Lưới) có một đàn sao la 25 con đang sinh sống tại đây.
Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn - trưởng nhóm bảo tồn động vật hoang dã quý hiếm của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế xác nhận tin này là chính xác. Đây là lần đầu tiên sao la được phát hiện với số lượng lớn như vậy. Sao la là một loài động vật rất quý hiếm, vừa được ghi tên vào trong sách đỏ thế giới và Việt Nam.
Sao la được các nhà khoa học đặt cho một cái tên khoa học là Pseudoryx ngheinhesis. Để nhận ra sao la trong muôn loài thú rừng khác, chẳng khó. Lông của chúng rất mềm và mượt, có màu nâu xám, hai bên sườn điểm các vệt trắng mờ. Trên lưng sao la có một dải lông đen tuyền hẹp, chạy dài về phía đuôi. Trên cổ, mặt có những đốm trắng nổi bật trên nền lông nâu xám. Chân của sao la màu đen nhạt, trên móng guốc có vòng trắng, còn đuôi thì có một túm lông den dài khoảng 5-7cm. Sao la có cặp sừng màu đen bóng, dài khoảng 40-50cm, gần như thẳng, đó là “vũ khí tự vệ” của sao la mỗi khi gặp hiểm nguy. Sao la nặng hơn một tạ..
Sao la ăn tạp, chúng có thể ăn hàng trăm loại lá rừng khác nhau, nhưng sao la thích ăn nhất vẫn là các loài cây thuộc họ Ráy. Với hệ thực vật phong phú ở rừng nhiệt đới Việt Nam, các nhà khoa học nước ta và thế giới đều dự đoán sẽ là nơi sinh sống và cư trú của sao la.
Sao la là mục tiêu của bọn săn bắn trộm động vật quý hiếm. Bọn này còn chặt phá rừng bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, khiến môi sinh của muôn loài ngày một bị thu hẹp, đẩy sao la vào chỗ tuyệt chủng.
Các nhà khoa học đã kịp thời đưa sao la vào danh sách những loài thú cần được bảo vệ nghiêm ngặt nhất trong số các loài đã được biết, được chiếm vị trí ưu tiên trong công tác bảo tồn. Và không thể không kể đến bà con các dân tộc miền núi – những người rất tích cực trong việc bảo vệ môi trường sinh thái. Nhờ đó, sao la có thể sinh tồn, phát triển đóng góp xứng đáng vào việc giữ nguyên vẹn cảnh quan thiên nhiên và phục vụ nghiên cứu khoa học.