Giữa hạ, khoảng tháng sáu âm lịch, mùa gió nam cồ về đúng hẹn. Ban đầu là nam non, sau nữa là cứ lồng lộng, ràn rạt khô cong tàu lá chuối, se rám làn môi con gái. Mùa gió nam cồ mọi năm chỉ vài bữa, còn năm nay đã chục ngày rồi, thổi lại hung hơn, ngồi đâu cũng thấy gió. Gió thị xã mà gió cứ như là ngoài đồng bãi, cát bụi cứ xoay tít mù lên mặt, lắm lúc thật dễ gây tai nạn giao thông. Cái xứ này, đến gió cũng vật vã. Dù sao cũng là thiên nhiên, cái chung chiêng của cây lá cũng làm vạn vật thêm phần xáo động. Dù con người ở đây cũng quá trình nhuần nhị và chân chất; cái sự đối phó với nhau vẫn là điều khá xa xỉ. Đó cũng là một đặc sản của tỉnh lẻ còn sót lại.
Cái gió nam cồ này thật khó chịu với những ai tiếp xúc với đất đai, ví như người ở phố. Còn dân quê tôi thì cứ như là chuyện đến bữa phải ăn, quan tâm chỉ đến đồ ăn ngon hay dở. Mà nghĩ, dân cực nam Trung bộ thật dễ sống, sống hết mình với những gì có được, chẳng hề nghĩ chuyện phải như thế này, phải như thế nọ. Tôi nghĩ, ấy là đặc tính tốt nhưng cũng hơi yếm thế. Mấy anh bạn quê đi lập nghiệp chốn xa có nói với tôi, mầy thì cứ cho là quê mình là nhất. Đúng là ở tỉnh lẻ thường xuyên thiếu thông tin, chuyện này phải năng học và tiếp xúc thôi; thời internet rồi, đâu khó!
Ồ, gió nam cồ xóc ngược mái tranh, lại dễ gây hỏa hoạn, làm khó cho người nghèo. Có bề gì, họ lặng lẽ đi hợp lại, lay lắt vài hôm rồi cố dựng lại nếp nhà, dân quê rất ngại đi ở ké, ở thuê; sau đó ít hôm vẫn thấy họ cười; có hề gì, năm nào chẳng thế. Người nhà quê thường lạc quan và an phận. Lẽ thường, tuổi thơ thì hồn nhiên, lớn lên bon chen khẳng định về già phải trồng hoa, đuổi gà. Nếu một đời là vậy thì người quê trẻ thật lâu và cũng già thật lâu. Cốt lõi lối sống là vậy nhưng gió bụi thương trường đã thổi đều từng ngóc ngách ngõ thôn, mọi chuyện đã có nhiều giá trị để so đo... .
Sau một tuần mệt nhọc, sáng thứ bảy tôi lại leo lên núi Nhạn giữa mùa gió. Nói là núi cũng đúng nhưng thực ra gọi là đồi cao thì chính xác hơn; núi Nhạn nằm ngay giữa lòng thị xã nên càng được tôn thêm giá trị. Ngửa mình trên thảm cỏ đỉnh núi, chợt thấy mình yêu quê hương đất nước, nó gần gũi và cụ thể như những đoạn văn trong sách giáo khoa ấu thời mà theo suốt đường trần. Mây trắng bên trời kia cũng đâu còn là chuyện xa xôi, cứ vởn quanh mung minh như gió nam cồ. Buổi chiều, tôi đi về phía biển, gió nam cồ vấn vít hàng dương bờ cát. Người ta đổ ra biển nhiều hơn trong những ngày này, biển những lúc này như tha thiết hơn; người ta đón chứ đâu có tránh gió nam cồ. Bỗng nhớ trong cuộc sống, chuyện gì mà ta chủ động đón nhận thì cái phiền não nó giảm đi nhiều phần, đôi khi lại có một chút ý vị...
Ấn tượng của thiên nhiên thật đeo đẳng trong mỗi người, hơn cả mối tinh đầu, hơn cả mối tình cuối. Lòng chợt rưng rưng khi gió nam cồ da diết đi về. Năm nào cũng gió sao mỗi lần đến chất chứa thêm nhiều vậy? Một tấm tình quê cứ thông thống tứ bề...