Cúc quì, loài cây có sức sống can trường cùng mưa nắng, mỗi năm một bận dắt nắng về cao nguyên sau những tháng ngày mưa gió sụt sùi. Cứ hễ hoa quì nở là con người mách bảo rằng: cần phải chuẩn bị thêm chiếc áo ấm, cho dù mùa có nắng lên sẽ kéo dài đến năm, bảy tháng, chỉ có nắng và nắng mà vẫn lạnh đến nhói xương...

Đã sống ở cao nguyên thì dù ở tuổi nào cũng không thể tránh khỏi nỗi rạo rực khi hoa quì về vàng rực. Hoa quì không chỉ là “hàn thử biểu” của thiên nhiên mà còn là cái đồng hồ đo sự nhạy cảm của con người với đất trời. Trên đường về Cầu Đất, một vùng ven xa trung tâm Đà Lạt, có những người chăm chăm nhìn xuống cái thung lũng vàng rực hoa cúc quì dưới kia. Người ta rủ nhau đi ngắm hoa quì chăng? Một thiếu phụ nói với tôi là giờ đây muốn ngắm hoa quì cho thỏa lòng chỉ có thể đi đến những vùng ven thật xa thành phố, bởi nơi đó mới còn những thung lũng vàng rực cúc quì.

Cao nguyên Lang Bian là cả một cao nguyên của hoa quì, vậy mà giờ đây nhiều người Đà Lạt sống giữa phố đã mang nỗi nhớ hoa quì. Mà nhớ cũng phải thôi, vì ngay như con đường Phù Đổng Thiên Vương đâm qua làng sinh viên mới dạo nào hễ mùa lạnh về hãy còn ken dày với những rặng quì vàng rực, vậy mà một ngày nọ cúc quì bỗng dưng biến mất bên đường, thay vào đó là màu bê tông trắng lạnh lùng, là những lầu cao và khách sạn. Còn ở cửa ngõ vào Đà Lạt, 10 năm trước cũng thời điểm này chỉ có cúc quì ngự trị, nay người ta đang phân lô những đồi cao, hay thung lũng cuối cùng. Mỗi mảnh đất xưa chỉ dành cho những bụi quì hoang dã, nên thơ giờ được tính bằng “cây”. Những thung lũng hoang vắng dần biến mất, những ngọn đồi thơ mộng không còn nên những bụi quì nhỏ nhoi cũng bị đẩy đến các làng mạc, nhà vườn nghèo hay những cánh rừng xa xa.

Chị bảo những đồi cao vàng cháy dã quì của chị nay đã không còn tìm thấy, nhưng thiệt thòi hơn là những đứa con của chị, được tiếng sinh ra lớn lên ở đây nhưng chẳng còn cơ hội thưởng thức một nét đẹp lung linh của cao nguyên. Không còn nữa những rặng dã quì trên những con đường quanh co của “phố trong rừng, rừng trong phố”. Biết rằng không thể giữ được tất cả trước những đổi thay nhưng sao người sống ở đây, và cả lữ khách nữa, vẫn thấy tiêng tiếc như đang mất một điều gì thật quí giá. Phải rồi, chất dinh dưỡng cần thiết cho con người không chỉ là thịt, sữa, rau xanh...mà còn là linh hồn của một thành phố đôi khi chỉ thể hiện bằng một sắc hoa hoang dại.