Hai lần ra Hà Nội, cả hai lần ấy tôi chỉ là cô bé con còn vướng vít chân mẹ. Hà Nội đọng trong tâm thức chẳng có gì ngoài Hồ Gươm xanh thẳm và hàng liễu run run trong sương chiều xuống sớm. Sẽ là hơn hai cái làng ấy nếu không phải tôi rời mảnh đất có kinh đô Hoa Lư theo cha mẹ vào Nam lập nghiệp. Hai mươi hai năm cho hai lần là quá ít, nhưng không khác được.
Không sinh ra, lớn lên, không sống ở đấy, nhưng tôi vẫn có một Hà Nội ở trong lòng bên cạnh một chút Ninh Bình nơi chôn nhau cắt rốn, một chút Nha Trang và một chút Sài Gòn. Mỗi một chút ấy là cái tình của một tấm lòng, không phải để dành cho mà nhận. Tôi nhận vào mình tình yêu Hà Nội. Và tôi bắt gặp tình yêu ấy phảng phất đâu đây: trong những câu thơ bùi ngùi của Thái Thăng Long, trong giọng nói ngọt ngào của bạn học, trong những câu hát tha thiết của Phú Quang. Dường như những bài hát viết về Hà Nội bao giờ cũng hay hơn và trong hơn thì phải. Mỗi một thứ, tôi như thấy có một chút mình trong đó. Mà Hà Nội có bao nhiêu thứ để nhớ, để mơ và để tưởng. Bỗng dưng tôi lại bùi ngùi nhớ đến bài hát Mơ về nơi xa lắm của Phú Quang phổ thơ Thái Thăng Long: "Ta mơ thấy em ở nơi kia xa lắm. Một Hà Nội ngây ngất nắng, một Hà Nội run run heo may...” Lại thêm một người nhớ về Hà Nội và Hà Nội lại rưng rưng thêm trong lòng người xa xứ: Tự dưng cũng thấy quay quắt theo nỗi nhớ ấy. Trong cái xót xa cũng đôi khi có được hạnh phúc. Nhớ được một điều gì đó đã là hạnh phúc lắm rồi, và khi đó cái nỗi nhớ ấy đã ăn sâu trong máu thịt; chỉ là không đủ nhớ mà thôi.
Lại nhắc về Hà Nội có bao nhiêu thứ để mơ để nhớ. Người chưa một lần đặt chân đến Hà Nội đã cồn cào nhớ rồi, người đã từng đến Hà Nội lại cồn cào nhớ hơn. Chỉ nghe Nhớ mùa thu Hà Nội của Trịnh Công Sơn thì nỗi nhớ ấy đã nôn nao rồi. Mùa thu với hương thơm ngọt ngào của hoa sứ và cốm Vòng, mùa thu của những tán bàng cháy đỏ... Chả biết ông Trịnh Công Sơn đã đặt chân đến xứ rồng thiêng này bao nhiêu lần, thế nhưng ông sẽ chẳng thế nào viết được một bài hát hay như thế nếu không nặng lòng với Hà Nội, ca từ cứ như thể máu thịt bật ra vậy. Bỗng ước gì mình là người Hà Nội, để được cháy đỏ trong màu hoa lộc vừng, để được là cái nồng nàn của mùi hương hoa sữa và mùi thơm cốm mới, để được xuýt xoa trong vị chua của sấu... Còn bao nhiêu cái được như thế nữa. Mà để được những thứ này chỉ có thể bằng thương nhớ và bằng giấc mơ thôi, không sao cắt nghĩa được, cũng đại loại như “thương nhớ mười hai” của Vũ Bằng: “Thương không biết bao nhiêu, nhớ không biết ngần nào... Nhớ quá, bất cứ cái gì của Hà Nội cũng nhớ...”
Lại lục trong trí nhớ, vẫn chẳng có gì ngoài Tháp Rùa và hàng liễu rũ xuống mặt hồ. Bao nỗi nhớ còn lại đều là vay của người khác cả. Nhưng cái hương vay ấy cũng hôi hổi tựa của mình vậy. Hà Nội trong tôi là như thế, rất mơ hồ nhưng cũng rất thật. Mà hình như cũng như bao nhiêu người khác, tôi thích nghĩ về mùa thu Hà Nội hơn cả; không chỉ bởi cái nồng nàn của hương hoa sữa và cốm Vòng, mà bởi sắc “vàng lay” mời gọi như Trịnh Công Sơn đã từng nghĩ. Vàng của nắng, của lá, hay như một câu thơ của Bích Khê “vàng rơi, vàng rơi thu mênh mông”. Có lúc tôi thầm hỏi mình có bao giờ như Thái Thăng Long ngồi đếm “tình yêu Hà Nội” không nhỉ, rồi lại bùi ngùi tự nhủ không biết mình có đủ nhớ để mà đếm. Câu hát Phú Quang lại chợt vọng về: “Ta mơ thấy em ở nơi kia xa lắm (...) trong nỗi khát khao em chầm chậm quay về...”.
Ừ thì quay về, không bằng xương bằng thịt mà bằng nỗi nhớ – nỗi nhớ riêng Hà Nội.