Một ngày mùa đông Hà Nội như được bao phủ trong một màn tơ sương, thành phố trở nên quyến rũ và huyễn hoặc lạ kỳ. Mùa đông, những cây bàng lại bắt đầu thay lá. Lá đỏ chấp chóa các vỉa hè phố cũ cũng như phố mới. Còn ngước mắt lên, trong màn mờ sương ảo ấy, những cành bàng khẳng khiu tựa như muôn ngàn những bàn tay xòa ra cô độc trên nền trời. Tôi nhớ bài hát nào đó, hình như của nhạc sĩ Phú Quang có viết: Cây bàng mồ côi mùa đông... Góc phố mồ côi mùa đông... mảnh trăng mồ côi mùa đông... Ôi mới buồn làm sao. Ồ, nhưng nắng đã lên tưng bừng lắm. Nắng xiên xiên, chênh chếch vào những tán sấu đường Trần Hưng Đạo. Nắng làm phai bớt màu đục của màn tơ sương. Nắng báo hiệu đang hết một buổi sớm mùa đông buốt giá.

Buổi trưa đã đến, trời bắt đầu trong và xanh hơn. Những đám mây trắng như bông đang tô vẽ cho nền trời bằng những hình thù lạ mắt. Nền trời chẳng thể nào xanh như mùa hạ nhưng cũng đã không còn thấy lớp sương mù đâu nữa. Nắng trong vắt như pha lê, rắc đều ran ran trên phố đấy nhưng vẫn thấy đâu đó những cơn gió lùa qua áo khiến người đi đường cảm thấy đúng là mùa đông. Màu nắng ấy trải đều trên các ngọn cây, từ những cây đa cổ thụ, tán hoa sữa, hoàng lan... cao lêu đêu như những cô người mẫu chân dài trên sàn catwalk đến những tán cây thâm thấp như bằng lăng, sấu, hay dãy hoa ban Tây Bắc trên đường Cổ Ngư - gần mép nước Hồ Tây. Nắng xiên qua tán cây gỗ tếch ở vườn hoa phố Nguyên Cao, rọi xuống và chạy lung tung quanh cái bàn ăn trưa của bốn cụ già đang hoài niệm về một Hà Nội cổ xưa với những địa chỉ ăn uống của những con phố mà đến hôm nay đã trở thành quá khứ dĩ vãng. Nắng làm lung linh khúc sông trong vườn Bách Thảo bởi bóng của những tán cây, lùm cây cổ thụ. Người lạc quan nhìn vào đây thấy trưa mùa đông Hà Nội sao yên lặng quá, đẹp và lãng mạn không kém mấy so với những vườn hoa trên thế giới. Và nó còn làm người ta liên tưởng tới những bức tranh phong cảnh thiên nhiên của các họa sĩ thiên tài.

Qua trưa là đến ngay chiều. Nắng bắt đầu dịu đi. Bà Tuệ với quán cóc bán “đặc sản chè chén” ở góc phố Lê Thánh Tông bắt đầu xếp lại những chiếc ghế nhựa lẫn ghế gỗ nâu xỉn mà các công chức Hà thành vừa rời đây trở lại văn phòng làm việc sau một thôi nhâm nhi trà nóc. Ở cái đất này, ngồi uống trà nóng là cái thú của nhiều người, chả cứ riêng gì với giới viên chức, và người ta uống trà suốt bốn mùa, nhung riêng mùa đông thì cầm chén trà nóng trên tay để còn được xuýt xoa hít hà hương trà thơm nồng hơi ấm. Bên chén trà, mọi người bàn đủ thứ chuyện. Từ chuyện chính trường quốc tế đến cả việc SEA Games 22 vừa khai mạc, rồi những tâm tư sâu kín trong từng ngõ ngách gia đình. Bà chủ quán “đặc sản nước chè” của tôi cũng đã quen lắm với những câu chuyện như thế, và bà còn biết được tính cách và sở thích uống nước của từng vị khách để phục vụ.

Chiều đang ngả dần về tối. Mới 5 giờ đã thấy mặt trời khuất rạng và khí trời nặng nặng. Chợt nhớ lại câu nói của các cụ ngày xưa: “Trời tháng Mười chưa cười đã tối” để chỉ cái ngắn ngủi của một ngày chớm đông. Chúng tôi đi lòng vòng quanh Hồ Gươm và phố cổ. Chập tối hơi lạnh từ mặt nước Hồ Gươm vẫn thoáng len lỏi lùa vào giác quan của khách qua đường. Trên phố cổ Hà Nội cũng còn những “nét quê” rất thật mà nhiều người Hà Nội hoặc mới đến Hà Nội vì vội vã vì bận rộn nên đã không nhận thấy. Như cái ngõ Hàng Chai nho nhỏ xinh xinh này đây, ban ngày thì cô lẻ vậy nhưng đêm bỗng lại rộn rã tiếng người. Không quá chật để phải lấn phải chen, cũng chẳng có gì là ồn ào náo nhiệt, chỉ có một góc hàng của một chị bán quanh năm trong cái ngõ đa phần là khách quen chủ này. Quầy “hàng xén” của chị ngoài món ngô luộc mềm ngọt suốt bốn mùa còn có thêm món cá chỉ vàng, mực nướng và nem chua nướng. Khách ngồi vây quanh quầy hàng những đêm mùa đông để vừa ăn vừa hít hà hơi ấm, hoặc cũng có thể kê ghế nhựa thấp dọc ra hai bên mép ngõ mà ngồi nhâm nhi, trò chuyện. Tôi thích ngồi trong cái “góc quê” giữa lòng phố cổ này để nhớ về những phiên chợ quê đích thực đã từng gắn với thời ấu thơ trong trẻo.

Đêm Hà Nội đã trùm vào phố cổ. Cái “góc quê” của tôi với chị chủ không phải là cô hàng xén răng đen như trong thơ của thi sĩ Hoàng Cầm nhưng có cách nói làm vừa lòng thực khách cũng đã đến lúc phải dọn hàng. Tạm biệt nhé một ngày mùa đông Hà Nội. Và tôi biết, trên đường về nhà, khi đến ngã tư phố Phan Huy Chú - Trần Hưng Đạo, thế nào tôi cũng còn được ấm lòng với mùi hoa dạ hương thoảng ra từ một góc vườn biệt thự cũ...