Khi tôi còn nhỏ, ba tôi gắn một máy điện thoại để thuận tiện cho việc làm ăn của ông. Đó là cái điện thoại đầu tiên trong xóm tôi. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in cái ống nghe bóng loáng gác lên hộp điện thoại màu đen treo trên tường. Hồi đó tôi còn thấp lắm nên không với tới. Tuy nhiên, tôi vẫn bị mê hoặc khi nghe ba tôi dùng nó để nói chuyện với bạn bè của ông.
Cho đến một hôm, tôi khám phá ra rằng đâu đó trong cái máy tuyệt vời kia có một nhân vật kỳ diệu. Tôi gọi nhân vật ấy là “cô”. Cô biết tất cả mọi thứ trên đời, từ việc cung cấp số điện thoại của mọi người đến việc kể những câu chuyện cổ tích đầy sức cám dỗ. Hôm đó mẹ tôi đi vắng. Tôi lấy đinh và búa để chơi trò thợ mộc. Thay vì đóng búa vào đinh, tôi lại đập một phát đau điếng vào ngón tay của mình. Nhưng tôi vẫn cố không khóc vì nhìn quanh thấy chẳng có ai để chia sẻ nỗi đau “trời giáng” ấy. Tôi chạy quanh nhà, cũng chẳng biết để làm gì. Và kia rồi! Cái điện thoại. Nhanh như cắt, tôi bắc ghế trèo lên và quay số. “Xin vui lòng cho cháu biết...” - tôi nói lí nhí trong miệng. Một giọng nói rõ ràng và nhỏ nhẹ vang lên:
- Cháu cần gì?
- Ngón tay cháu bị đau – tôi bắt đầu rên rỉ. Những giọt nước mắt bị dồn nén khi nãy bây giờ có dịp trào tuôn.
- Có mẹ cháu ở nhà không? – vẫn giọng nói êm đềm ấy.
- Không có ai ở nhà cả, chỉ một mình cháu thôi – tôi thổn thức.
- Cháu có bị chảy máu không?
- Dạ không – tôi trả lời – cháu bị cây búa đập vào ngón tay, đau quá.
- Cháu có thể tự lấy nước đá trong tủ lạnh được chứ? - cô hỏi và tôi nói được.
- Cháu đắp vài cục lên chỗ ngón tay đau - cô nói tiếp – một lúc sau sẽ khỏi ngay thôi.
Kể từ đó, tôi luôn gọi cho cô để nhờ cô giúp đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Nào là nhờ cô giúp tôi học địa lý, nào là hỏi có cách giải bài tập toán, nào là...
Một hôm, con chim hoàng yến của tôi bị chết, tôi buồn đến mất ăn mất ngủ. Tôi bèn gọi tới cô để chia sẻ nỗi buồn. Cô lắng nghe và an ủi tôi. Nhưng tôi vẫn còn buồn lung lắm. Tôi hỏi cô:
- Tại sao những con chim hót hay và mang lại niềm vui cho mọi gia đình lại phải chết cô đơn trong chiếc lồng chật hẹp vậy hở cô?
- Không, nó không chết đâu cháu. Nó chỉ bay sang một thế giới khác để ca hát làm vui lòng những gia đình bên đó.
Chẳng biết sao khi nghe thế, nỗi buồn trong tôi chợt vơi đi rất nhiều.
Một bữa khác, tôi gọi cho cô chỉ để hỏi 24 + 15 bằng mấy. Sau đó tôi nghĩ chắc cô bực mình tôi lắm vì cứ hỏi có những chuyện không đâu.
Tuổi thơ tôi cứ êm đềm trôi đi. Cho đến khi lên chín tuổi, gia đình tôi chuyển về sống ở thành phố. Tôi nhớ cô lắm. Mỗi lần nhớ về ngôi nhà thuở nhỏ là hình ảnh cái máy điện thoại treo trên tường cứ hiện lên trong tâm trí tôi. Với tôi, đó là hình ảnh cô tiên hiền lành thường đến trò chuyện buổi ấu thơ.
Sau này khi lớn lên, kỷ niệm về những cuộc chuyện trò ấy chưa một lần phai mờ trong ký ức. Tôi biết ơn sự nhẫn nại, niềm thông cảm và lòng tử tế mà cô đã dành cho một đứa trẻ như tôi thuở đó. Một hôm chợt nhớ đến cô, trên đường về nhà tôi ghé vào bưu điện và gọi cho cô. Tôi nhấc ống nghe lên và quay số. Lòng tôi bỗng rộn ràng khó tả. Và kỳ diệu thay, vẫn giọng nói ấy, nhỏ nhẹ và rõ ràng vang lên trong tai tôi.
- Cô vui lòng chỉ cho cháu 24 + 15 bằng mấy – tôi hỏi.
Một thoáng im lặng phía đầu dây bên kia. Và rồi hơi ấm quen thuộc lại về với tôi:
- Bây giờ chắc ngón tay của cháu đã lành hẳn rồi phải không?
Tôi cười sung sướng vì cô vẫn nhận ra tôi sau ngần ấy năm.
- Cô có biết rằng hồi đó cô có ý nghĩa với cháu biết bao không?
Ngập ngừng một lát, cô thổ lộ:
- Thuở đó, tôi chờ điện thoại của cháu hằng ngày. Tôi không có con, vì thế cháu là cả nguồn vui.
Bỗng nhiên tôi bật khóc. Tôi thương cô quá. Tôi đâu có biết đó là lần cuối cùng tôi còn được nghe giọng nói của cô.
Ba tháng sau, tôi quay số và chờ đợi. Một giọng nói thật lạ trả lời tôi. Đột nhiên, tôi linh cảm có điều chẳng lành. Tôi hỏi thăm tin tức về cô và được biết cô đã mất năm tuần trước đó. Người điện thoại viên nói trước khi ra đi cô có để lại cho tôi vài dòng tin nhắn. Rồi cô điện thoại viên đọc cho tôi nghe: “Cháu yêu, có lần tôi nói chim hoàng yến không chết. Nó chỉ bay sang một thế giới khác để ca hát làm vui lòng những gia đình bên đó. Bây giờ tôi cũng vậy”.
Tôi bàng hoàng gác máy điện thoại xuống. Và như thuở nào, những giọt nước mắt cứ trào tuôn. Chỉ khác là lần này tôi không có cô bên cạnh để sẻ chia.