Trước đây đá quí chỉ được chế tác thành các món đồ trang sức như mặt nhẫn, mặt dây chuyền. Giờ đây đá quí và nửa quí đã được đôi tay khéo léo của nghệ nhân đưa vào tranh.

Được gợi ý từ những bức tranh Thái Lan dát đá quí cỡ bằng hạt gạo, cắt mỏng dán ghép như khảm xà cừ, bà Mai Thanh Bình - giám đốc công ty Bảo Gia Lợi (Q. Bình Thạnh, TP.HCM) - đã nghĩ ra cách làm tranh bằng nguyên cả hạt đá hoặc đá vụn, tận dụng những hạt đá quí bị hỏng trong khi cắt gọt làm đồ trang sức để “vẽ” tranh.

Để có chất liệu làm tranh, bà Bình lùng mua đá quí tận Thái Nguyên, Yên Bái. Từ những bức tranh nổi tiếng của các danh họa phương Tây hoặc tranh dân gian Đông Hồ, bà Bình tìm cách phối màu đá quí sao cho tạo ra bức tranh cẩn đá hài hòa sắc màu, không bị “phô”. Trên nền tranh bằng nhựa hoặc gỗ, bà Bình sử dụng một loại keo đặc biệt để đắp đá lên. “Cọ vẽ” chính là những ngón tay tạo hình bằng cách ghép công phu từng hạt đá to hoặc nhỏ. Ví dụ như bức tranh hoa cúc, mỗi cánh hoa được “vẽ” hẳn bằng một viên đá quí cỡ nửa đầu ngón tay.

Thoạt nhìn những viên đá quí to nhỏ đủ cỡ quyện vào nhau trên nền tranh, tưởng chừng có sự pha trộn của đá với màu vẽ để tạo thành những mảng khối màu sắc, nhưng không hề có sự can thiệp nào của màu vẽ cả. “Các mảng màu của tranh ngọc hoàn toàn là màu tự nhiên của đá”, bà Bình nói với tất cả niềm đam mê đặt vào tranh ngọc. Những sắc màu lóng lánh của đá quí phải qua nhiều nghìn năm dưới lòng đất mới có được để vào tranh, từ làn da trắng mịn, mái tóc đen huyền của nàng thiếu nữ tắm bên bờ suối đến màu xanh thẳm của rừng, màu hoàng hôn tím ngát...

Giá trị của tranh đá quí cũng chính là giá trị những viên đá được đặt thành những mảng khối của tranh. Càng có nhiều màu của các loại đá cứng (saphia, cẩm thạch) tranh càng cao giá. Còn những bức làm từ đá thạch anh giá mềm hơn. Trong bức Cô gái bên bờ suối, hoa lá rừng được thể hiện bằng màu xanh của saphia và màu đỏ của rubi, còn trong bức chàng trai và bầy tiên nữ có màu của cẩm thạch trên những cánh lá sen xanh mượt mà bao quanh các tiên nữ...

Tranh lộng ngọc đã được đem đi chào hàng ở những hội chợ tổ chức tại Dubai (Saudi Arabia), một số bức đã được bán cho các doanh nhân Mỹ, Saudi Arabia... Đặc biệt du khách Nhật thích mua những bức tranh ngọc “vẽ” thôn nữ, phong cảnh VN... “Chúng tôi sẽ mở shop bán tranh ngọc trên mạng, vận chuyển tranh bằng đường hàng không và đường biên đến tận nơi người mua tranh trên mạng khi có đông khách đặt hàng” - bà Bình nói đầy tự tin.