Chùa nằm trên núi La Hơi, Truyền rằng, gặp khi hạn hán hoặc lũ lụt, có tiếng “ồ... ồ...” từ phía núi phát ra là báo hiệu trời sắp có mưa hoặc nắng. La Hơi được xem như “Đài khí tượng thủy văn” – ân huệ của Tạo Hóa ban phát cho dân xứ này.

Đường lên chùa Hang không dốc, dễ đi. Từ chân núi lên có các bậc tam cấp bằng đá; trẻ em, người già đều có thể tới được.

Trước chùa có một khoảng đất bằng phẳng, rộng chừng vài trăm thước vuông, cây cao bóng rợp, là nơi nghỉ chân của Phật tử trước khi vào chùa niệm Phật, nơi khách lạ viếng chùa chiêm ngưỡng cảnh vật ngoạn mục của cả xứ La Hơi, Đá Bạc...

Gần chùa còn có suối nước chữa bệnh nổi tiếng với y pháp của thầy Võ Trứ mà xưa kia chuyên trị các con bệnh “tứ chứng nan y”, khắp vùng ai ai cũng biết.

Chùa Hang nằm trong một tảng đá cực lớn hình mai rùa, cửa hướng về Đông. Chùa rộng 7m, dài 20m, vòm mái dài từ 2-3m. Điều kỳ lạ theo các bậc cao niên ở gần chùa nói là vài chục năm trở lại đây tảng đá ấy cứ lớn dần...

Dưới nền chùa có hang ăn sâu vào núi, chạy dài từ Đông sang Tây. Người xưa thám hiểm đốt cả gánh đèn cầy vẫn chưa đi hết hang, bèn thả trái bưởi (có đánh dấu) vào khe nước trong hang, sau gặp trái bưởi đó ở cửa biển Hà Ra. Hang này mới bị lấp trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, bài vị trong chùa cũng bị thất lạc, hư hại nhiều do bom đạn, chiến tranh. Hiện chuông chùa còn nguyên vẹn nặng gần 1 tạ.

Tương truyền, chùa Hang xuất hiện khoảng cuối thế kỷ XVI (một số tư liệu ở địa phương còn khẳng định cụ thể là năm 1572), nhưng là ngôi chùa của dân gian, không có sư sãi, dân quanh vùng tự đến thắp hương niệm Phật mãi đến năm 1908 mới thấy có sư trụ trì. Sư trụ trì đầu tiên là ông Nguyễn Lương, sau là ông Tư Hồ. Năm 1960, ông Tư Hồ chết. Hiện nay có hai sư coi chùa (do ông Tư Hồ đưa về trước năm 1960).

Từ thế kỷ XIX, chùa Hang còn gắn đến nhiều tình tiết lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc: năm 1866, Trần Cao Vân đội lốt nhà sư ở Cổ Long tự, về chùa Hang giảng đạo, dạy học nhưng thực chất là tìm người cùng chí hướng, chiêu hiền nạp sĩ; tháng 9/1886, nghĩa quân của Mai Xuân Thưởng do tướng Bùi Điền sau khi đột kích Sa Huỳnh bất thành, rút về căn cứ chùa Hang dựa vào thế núi Mũi Sóng, Chóp Chải cầm cự với quân địch. Sau khi ông bị Nguyễn Thận bắt rồi chém tại đây (hiện vẫn còn dấu tích bãi đất cây Chay là nơi tập ngựa của nghĩa quân Mai Xuân Thưởng); trong kháng chiến chống Pháp, nhiều năm chùa Hang là cơ sở hoạt động bí mật của Đảng. Sau năm 1954, tại gò Vàng, 136 người tham gia hoạt động cách mạng bị thảm sát, mồ mả còn nằm đây, đến kháng chiến chống Mỹ, có tám anh bộ đội đã hy sinh tại chùa Hang này...

Chùa Hang, một nét đẹp của cảnh quan văn hóa Việt Nam, là nhân chứng của nhiều biến cố lịch sử đáng được ghi nhận, còn tiềm ẩn bao điều kỳ bí, là khát vọng tâm linh của hàng ngàn người dân trong vùng... vẫn chưa được nhà nước, tổ chức tôn giáo, công luận rộng rãi trong nước quan tâm thích đáng. Vậy nên đến nay chùa Hang vẫn còn là một ẩn tích.