Thuở nhỏ, tôi thường được nghe mẹ tôi kể cho nghe cảnh địa ngục trong các chuyện Phạm Công Cúc Hoa, Bồ Tát Mục Kiền Liên hoặc chỉ cho xem cảnh giới Thập Điện Diêm Vương trên vách các ngôi chùa và trên tranh dân gian... Tôi không biết mẹ tôi có tin như vậy không, nhưng chính bà đã xây dựng được cho tôi niềm tin rằng địa ngục có thật, và tôi rất sợ địa ngục. Lớn lên, những ý tưởng về địa ngục dần dần chuyển biến trong tôi thành niềm tin vào thiên lý, giúp tôi tránh được những điều ác; mà nếu chỉ sợ tòa án hoặc công an thì có thể tôi vẫn cứ làm, bởi chắc chắn rằng ngoài tôi ra không ai bắt quả tang được việc làm kín nhẹm của tôi (như ăn hối lộ chẳng hạn). Thế nghĩa là nỗi sợ địa ngục đã ẩn sâu vào bản ngã, sẽ tạo được điều kỳ diệu gọi là “lương tâm”.
Chùa Thủ Huồng (hoặc chùa Chúc Thị) ở Cù lao Phố - Biên Hòa được lập nên do một ông phú hộ biết sợ địa ngục tên là Võ Thủ Hoằng, người trong vùng. Sự tích Thủ Huồng được ghi lại trong nhiều sách (có cả sách Gia Định Thành thông chí của Trịnh Hoài Đức) rất ly kỳ khó tin, nhưng lại có nhiều thực chứng, tôi xin lược thuật để tham khảo. Thủ Huồng làm nha môn suốt hai mươi năm, nhờ vơ vét đục khoét trở thành triệu phú, bèn xin nghỉ việc sống thong dong trên đống của phù vân ăn suốt đời không hết. Một hôm ông ta tìm đến chợ Mãnh Ma ở Phan Rang để tìm gặp người vợ yêu quý đã chết cách mười năm (môtíp chợ âm – dương này có rất nhiều ở nông thôn ta, như đã thấy trong phim “Bao giờ cho đến tháng Mười”). Thủ Huồng được vợ đưa đi xem âm phủ, nhìn thấy tận mắt những cực hình dành cho những kẻ phạm nhiều tội ác khi còn sống. Đến một kho đựng gông cùm, Thủ Huồng chỉ một cái gông to, hỏi dành cho ai. Cai ngục giở sổ đọc đúng tên “Võ Thủ Hoằng huyện Phước Chánh, phủ Gia Định, Đại Nam”. Tội trạng ghi rõ: “lúc làm nha môn gây ra không biết bao nhiêu việc oan ức, bất công để cướp đoạt của dân. Cụ thể như năm Ất Sửu, hắn sửa chữ “Ngộ sát” thành “Cố sát” làm hai mẹ con họ Nhàn bị chết oan, để người anh họ chiếm lấy gia tài; việc này Thủ Hoằng nhận được 10 nén vàng, 10 nén bạc và 100 quan tiền. Cũng năm đó, Thủ Hoằng làm cho ông Ngô Lại ở thôn Bình Ca bị hai năm tội đồ để đoạt lấy 12 mẫu ruộng...”. (Lịch sử Phật giáo Đàng Trong; NXB Thành phố Hồ Chí Minh). Tự biết tất cả đều là việc thật, Thủ Huồng thất kinh, quyết tâm trở về ăn năn để giải bớt nghiệp ác sau khi chết. Thủ Huồng đem toàn bộ tài sản dùng vào việc bố thí, xây dựng những công trình phúc lợi cho dân, nay vẫn còn ở địa phương; chùa Thủ Huồng, rạch Thủ Huồng, cầu đá ở xã Bửu Hòa v,v... đặc biệt là làm nhà để giúp dân nghèo dừng chờ nước triều ở ngã ba sông. Sách Đại Nam nhất thống chí chép việc này: “Lúc ấy dân cư thưa thớt lại xa xôi. Đò xa thuyền nhỏ, hành khách thường khổ sở về chuyện ăn uống. Có người nhà giàu ở tổng Tân Chánh là Võ Thủ Hoằng bó tre làm bè ở ngã ba, trên bè dựng nhà, sắm đủ các đồ dùng nấu nướng để hành khách tự ý lấy dùng, không phải trả tiền. Sau đó người buôn bán cũng đóng bè, bán thức ăn, nhiều đến hai ba chục bè. Họp thành chợ sông, vì thế chỗ này gọi là “Nhà Bè”.
Những nhà bè nay không còn, nhưng cái tên Nhà Bè còn mãi trên bản đồ Thành phố Hồ Chí Minh.
Chuyện cũ lưu truyền không rõ hư thực đến đâu. Tôi chỉ quan tâm một điều, rằng cái gì đã phát động một kẻ sâu dân mọt nước như Thủ Huồng dám đem hết tài sản cống hiến vào sự nghiệp từ thiện lớn lao như vậy (Thủ Huồng không có con cái), nếu đó không phải là nỗi sợ địa ngục?