Tuổi thơ của tôi là một bầu trời đầy chim chóc. Đó là bầu trời của một vùng đồng ruộng còn chưa hết dấu vết hoang sơ của thời khai khẩn, nằm giữa hai cánh rừng tít cùng đất nước về phương Nam: rừng tràm U Minh và rừng đước Năm Căn.

Trận đòn đầu tiên trong đời mà tôi còn nhớ, cũng bắt đầu từ chim. Một cây dừa lão trong vườn nhà ngoại tôi có cái hốc rỗng khoét sâu giữa thân cây, một ngày kia tôi phát hiện có cặp sáo nghệ tha rơm vào cái hốc này làm tổ. Năm đó tôi bắt đầu biết leo trèo. Cái mỏ sáo có viền vàng và những cọng rơm ấy chập chờn theo tôi vào cả trong giấc ngủ. Từ bữa đó, tôi cứ thập thò quanh quẩn bên gốc cây dừa ấy. Cho đến một ngày, khi sáo mẹ, sáo cha không còn tha rơm nữa mà mỗi khi bay về tổ, tôi thấy mỏ chúng luôn ngậm một con cào cào. Không cưỡng lại được tiếng sáo con kêu choe chóe đòi ăn, cũng không lượng được sức mình, tôi leo lên, leo mãi, sức đuổi dần mà tiếng chim thì vẫn ở trên cao. Bỗng tôi nghe tiếng của cậu Ba tôi từ dưới gốc dừa. Ông nói trong tổ sáo có con rắn lục mè rất độc, đừng leo lên nữa mà hãy từ từ tuột xuống. Nhưng cuộc trở xuống của tôi không còn từ từ được nữa. Thế là tôi tuột một phát, nằm bài tải tại gốc dừa, bụng và ngực trầy xước rướm máu. Chẳng những thế, tôi còn bị đánh cho một trận đòn nên thân.

Nhưng kể từ đó, mỗi lần đi đồng bắt cá cạn hay bẫy chim, cậu tôi thường dắt tôi theo. Bây giờ nhớ lại, đó là những năm tháng đẹp nhất của đời tôi. Những năm ấy ba tôi đi kháng chiến xa nhà, tuổi thơ tôi gắn bó nhiều nhất với cậu Ba. Cậu Ba tôi là một người mê mải và rành rẽ về chim chóc. Cậu có cả một bộ sưu tập những chiếc nạng giàn thun bằng sừng trâu và đủ loại gỗ với những màu sắc, kiểu dáng khác nhau. Khi cậu quyết định gài bẫy ở đâu, nhất định cần bẫy ấy phải dính chim. Cậu định rằng cần bẫy ấy phải dính loại chim gì thì y như rằng nó dính dáng những con chim ấy...

Quê tôi vào những năm ấy, trước mùa sa mưa là mùa đốt đồng. Những cánh đồng ngập rạ và cỏ khô của mùa trước được đốt cháy cho mùa sau nhẹ đi trong việc phát cỏ canh tác. Và sau những đám mưa đầu mùa, không biết từ đâu bay về, rợp cả bầu trời trên đồng là những cánh nhạn đất. Những cánh nhạn màu nâu sẫm bay loạn cả không trung, đám bổ từ trên cao thẳng xuống mặt đồng, nhưng khi sắp chạm đất thì đôi cánh chúng lại xòe ra, lướt dài theo mặt đồng và lại cất cao lên bầu trời mút mắt, thành những cái chấm nhỏ. Có nhiều buổi chiều tôi đứng ngẩn ngơ trên đồng, hồi hộp nhìn theo từng cánh nhạn vì lo chúng sẽ va vào nhau hay rơi thẳng xuống mặt đất, thế nhưng điều ấy chưa một lần xảy ra. Mỗi sớm mai, khi hơi nước còn phả mờ trên mặt tro như khói, thì cánh đồng trở nên hấp dẫn lạ thường: tôi rón bước và chăm chú nhìn vào từng lõm tro động dưới hốc đất chân rạ, không biết cơ man nào là trứng nhạn, những cái trứng màu xám tro điểm nâu lấm chấm, lượm lên tay nghe còn ấm nóng. Có hôm tôi cởi trần để bọc trứng nhạn đầy hai ống tay áo. Và cậu Ba tôi lại hiện ra trước mặt như từ đất vừa mọc lên. Cậu bảo tôi chỉ giữ một ít đủ để luộc ăn thôi, phải vùi bớt trứng nhạn trở lại những hốc tro để chúng còn nở ra nhạn con cho mùa sau. Những cái trứng nhạn đất ấy có sức sống thật kỳ lạ, qua vài đám mưa, đồng xăm xắp nước, ta chỉ còn gặp những cái vỏ trứng bẹp dúm, còn thế hệ nhạn con thì không biết đã đi về đâu, để rồi năm sau đúng sau mùa đốt đồng, chúng lại trở về bay rợp trời.

Tôi lớn lên, sớm xa quê đi biền biệt cho đến bây giờ. Bây giờ thì những cánh đồng quê tôi đã tràn mặn quanh năm, vì chúng đã thành những cánh đồng nuôi tôm. Những con nhạn đất cũng không còn trở về vì đã không còn mùa đốt đồng nữa. Những chiếc lồng chim tinh xảo của cậu Ba tôi giờ cũng chỉ còn đôi cái trống rỗng treo trên giàn bếp như là một hoài niệm, dù đêm đêm trên đồng thỉnh thoảng vẫn còn nghe tiếng quốc, tiếng trích, nhưng chúng lại được phát ra từ... những chiếc cátxét của dân lưới chim.

Dù thế, nhiều đêm tôi vẫn còn gặp lại trong mơ những cái mỏ sáo viền vàng và những hốc tro trên đồng vùi đầy trứng nhạn.