Tôi định hôm nào về xóm Chẹt ghé lại nhà quen, uống một ngụm nước mưa đã đời, xong rồi nằm chò co chỗ bộ vạc đẳng trước nhà ngủ một giấc đẳng thật sâu. Rồi nghĩ, chắc là không ngủ được, vì nhớ...

Tôi chắc dù đất xóm Chẹt có thay đổi cỡ nào, tôi có già cốc thùng thiết đi, mình vẫn nhận ra ngôi nhà ấy, ngôi nhà của một bà già hiền như bà nội, bà ngoại mình. Tôi không nhớ rõ khuôn mặt của bà, có thể mặt bà đầy những nếp nhăn, có thể lưng bà còng, có thể bà cũng nhai trầu mỏm mẻm như bao bà má quê khác. Cái tôi mường tượng rõ nhất là đằng trước ngôi nhà bà, chỗ sát hàng ba, lúc nào cũng có cái lu nước mưa với bộ vạc cao và hai cái đôn sứ hình con voi đã bị gãy mất vòi.

Hồi đó, lần nào đi học ngang tôi cũng ghé lại. Uống một gáo nước mát dạ lúc khát khô, ngồi nghỉ chân cho đỡ mỏi vì đường xa, đụt mưa, trời nắng. Đã bao nhiêu năm bao lượt người ghé lại, đám học trò nhỏ ngày xưa đã sắp bạc tóc dài râu, qua nhà lại nhớ bà, già mà thiệt thính tai, nghe chúng tôi khỏa gáo đã biết nước dựt tới đâu, mau mau hối con cháu châm đầy cho tụi nhỏ dễ múc. Cái nắp lu bằng sành bà sợ nặng, ngồi tỉ mỉ chằm lá để đậy, nên nước trong lu mát tới tận óc, ngọt ngào, lại thơm thoang thoảng mùi cà bắp của đám dừa nước ven sông. Cái gáo đen mịt cúi đầu chổng mông lên cây trúc cặm kế bên cũng thơm ngây ngây mùi gỗ đã ngâm nước lâu ngày.

Bộ vạc đằng trước đã thay nhiều xác cau. Có bữa đụt mưa đám học trò chúng tôi buồn tình ngồi vẽ trâu, vẽ sáo, ghi chi chít “con út Cò Hương + thằng bầu = 2 vợ chồng...” Vạc cũ dỡ ra bà biểu con gái đem chụm củi hết rồi, từ bấy đến nay con út Cò Hương có lấy thằng Bầu không nữa?

Nhà bà đã một lần bị bom, một lần bị bão, mấy đận mới cất, mấy lượt mới sửa sang, như có thay đổi mấy bà vẫn nhắc con giữ nguyên cái lu bộ vạc. Và một ngọn đèn, thêm một ngọn đèn chong...

Đèn chỉ tắt những đêm tối trời, trăng sáng rồi thì cháy đỏ một tháng hai mươi mấy ngày. Hồi đó, đồn Chẹt đóng kế bên nhà, hễ chạng vạng là đám lính thấy bà đem cái đèn (loại dùng để đặt đó) ra treo ngoài hàng ba. Bọn giặc sợ, theo tra hỏi hoài, “làm ám hiệu gì cho Việt Cộng vậy bà già, hay soi đèn cho tụi nó bắn tỉa tôi?”. Bà cười ung dung: “Ám hiệu ám hiếc gì đâu, tui treo đèn là để mấy đứa nhỏ đi đêm khỏi sợ”. Đèn nhỏ, ngọn lửa chỉ le lói nhưng lạ lùng, đêm càng tối đèn càng sáng lung linh. Cái vầng sáng đó hắt ra tới tận bờ lá, nhuộm hồng cả một khúc đường. Tối nào, má tôi sai đi mua dầu hội nước mắm ở quán chú Sồi, tôi cắm đầu chạy đến đây thì dừng lại thở, nhìn cái đèn với một lòng biết ơn mênh mông. Tôi thắc mắc tại sao ai cũng cần ánh sáng mà lính đồn Chẹt thì không?

Hàng ba nhà bà, không chỉ một mình tôi nhớ. Nhiều lắm những người khách bộ hành xuôi ngược. Người buôn ve chai lông vịt, người đi bán tranh thờ, bán chiếu... Những thợ gặt xuôi về xứ khi lúa hết mùa... Những người đàn bà tan buổi chợ trưa... Người ta nhớ hoài, thương hoài cái hàng ba thơm thảo đó.

Phải đợi lớn lên, tôi mới nhận ra, bà dành cho những người qua đường, chúng tôi không chỉ lu nước mưa, cái vạc cau và cây đèn chong. Cái không gian nhỏ nhoi dưới mái hiên đó giống như tổ ấm của một người với đầy đủ nhu cầu tối thiểu, có thức uống, có chỗ nghỉ ngơi, có ánh sáng... Phải đợi về sống nơi phố thị, tôi mới nhận ra, cứ bước chân ra khỏi nhà – công sự của mình (dù có khi chỉ để đi... nhậu) là lòng lại thấy chẫng hẫng, chơ vơ, không hiểu vì nỗi gì! Nhìn những hàng rào cao ngất, kín bưng bọc lấy những ngôi nhà ở hai bên đường, bỗng thèm được đi qua xóm cũ, ghé tạt vào cái hàng ba quen thuộc, uống một ngụm nước mưa giữa mùa, ý trời, nó mát thì thôi đi chớ...

Có khi bỏ nón đi đâu không nhớ, bỏ tiền túi nào không nhớ, mà lại nhớ mấy chuyện cũ bên trời này, ngặt thiệt.