1. Mỗi nhà thơ tự làm một cuộc hành trình cho mình. Họ bước lang thang giữa cuộc đời bên bờ thời gian thăm thẳm. Họ đi qua cuộc đời không như chúng ta đã đi một cách vô tư. Trên những chặng đường của cuộc hành trình vốn ngắn ngủi, nhà thơ biết dừng lại bên một lá mòn, một canh khuya, hay một buổi mai nào đó và lắng nghe tiếng thời gian xuôi chảy. Có thể nói nhà thơ là những con người ý thức về thời gian một cách da diết, bởi đối với họ thời gian đi ngược lại với cái khát khao vươn tới, đạt tới sự hoàn thiện trong sáng tạo nghệ thuật.

2. Với Chế Lan Viên, cảm giác về sự qua đi của thời gian dâng ngập những trang thơ, nhất là những trang thơ cuối đời của ông. Chế Lan Viên nghe mùi hoa bưởi giữa đêm vắng lặng, nghe giọt sương rơi, một tiếng gà, hay tiếng sông trôi... đều cảm thấy như nghe tiếng thời gian đang cạn vơi đi. Chống chọi lại với thời gian nước xiết, chống chọi với bệnh tật buồn đau cuối đời, là viết. Lao vào mà viết. Viết, để ngăn con đê thời gian ùa vỡ. Viết, để không đồng lõa với thời gian hủy diệt chính mình. Viết, đồng nghĩa với còn tồn tại: “Số ngày còn lại cho anh trên trái đất / đếm rồi/ như thóc giống đếm từng hạt một /chỉ còn chừng ấy hạt thôi anh phải tạo ra mùa /chỉ chừng ấy ngày/ chừng ấy tháng /chừng ấy năm/ chưa kể bất thình lình đổ ập/ cày đi! bừa đi! gieo đi! sao còn phải chần chừ?”. Nhưng dù có hì hục, cần mẫn đến cỡ nào nhà thơ vẫn thấy mình “tài năng chưa đầy nửa giọt / có hộc tốc chạy đến hết chân trời cũng là đồ bất lực”. Nhà thơ “nhìn trang giấy biết mình hữu hạn”, có “chạy ngút hơi về trang giấy /về đến nơi, nó đã hóa chân trời”. Chạy tiếp ư? Nhà thơ không ngần ngại, dẫu trang giấy trắng vẫn “như con đường hun hút về vô tận”. Cái trò đuổi bắt này như nhà thơ suốt đời “xâu sợi chỉ vào cây kim ngay trước mặt / chỉ sắp lọt rồi/ kim bỗng lùi xa”, nhà thơ “bước lên một bước / kim lùi thêm một bước”. Nhà thơ chạy một đời không ngừng nghỉ, vắt kiệt sức lực, mà vẫn toi công. Nhà thơ có hóa thành chim gõ kiến “gõ vào thời gian /gõ vào số phận../ gõ vào trang giấy /vào câu thơ gầy guộc... chả ra được con kiến thơ nào”, hay có làm chim bói cá tìm đến hồ, “cái mặt hồ phẳng lặng /từng soi bóng luôn đời thi sĩ ấy /khi anh đến thì hồ biến thành ra bể /ầm ầm / ĩ ĩ /anh chỉ bói ra bèo bọt qua bờ”. Hỡi ôi! Đời người, đời thơ có hạn, mà đỉnh cao của nghệ thuật cứ lửng lơ phía vô cùng, mà thời gian không đợi, mà tài năng không gặp: “Tài năng ở đâu? Tài năng đâu? / cho tôi với! /trên trời cao hay dưới bể sâu?/ chỉ cho tôi để tôi tiến tới / khốn nỗi /nó ở bên kia bể thời gian không ai chờ đợi.”

3. Cảm giác lực bất tòng tâm của tài năng hữu hạn trước chân trời nghệ thuật không cùng của đời người ngắn ngủi trước vô tận thời gian, lại là cảm giác mang ý nghĩa tích cực. Nó không làm cho nhà thơ bỏ bút giữa chừng chán nản, mà ngược lại thôi thúc họ sáng tạo, sáng tạo mãnh liệt hơn. Nhà thơ vẫn khát khao vươn tới hoàn thiện, khát khao vô cùng, khát khao đến gần như tuyệt vọng, và Chế Lan Viên gọi đó là nỗi đau và hạnh phúc: “Mỗi con trai nhả ngọc một lần thôi/ viên ngọc đầu tiên cũng là viên sau chót /không như ta sau viên ngọc sau cùng làm viên thứ nhất /đây là nỗi đau và hạnh phúc của con người”. Một nhà nghiên cứu đã nói đó là niềm khao khát không bao giờ nguôi của một hồn thơ không bao giờ tự thỏa mãn mà luôn luôn tự đòi hỏi, để đi tìm một tầm cao mới, tiến gần hơn đến sự viên mãn, sự tuyệt đối, tuy không bao giờ có thể đạt tới, nhưng nếu không có nó thì cũng sẽ không bao giờ có sự sáng tạo thật sự. Chế Lan Viên cho đó là ngôi sao xa khuya khoắt định hướng cho thơ, là con sông Ngân Hà mà nhà thơ phải đi dọc theo mãi để tìm thơ, chứ không phải như Ngưu Lang chỉ cần sang ngang là tìm ra Chức Nữ: “Ngưu Lang chỉ cần một cái bến con, anh cần có dải Ngân Hà /anh đi dọc nó tìm thơ chứ không phải bơi ngang tìm Chức Nữ/ thời hạn đi tìm của anh hết rồi, mà bờ bến tít mù xa /song dừng lại, anh đâu còn anh nữa...”