Theo các nhà động vật học, mèo là động vật bốn chân, xếp vào loài có vú, gần gũi với cọp. Mèo là một bộ máy kỳ lạ, tuyệt diệu. Ban ngày cũng như ban đêm, mắt của nó có thể nhìn rõ mọi sự vật, lại có một cơ cấu hướng dẫn truy tầm rất chính xác, hiệu quả như rađa. Một số nhà bác học cho rằng cặp mắt của mèo là cặp lỗ tai thứ hai của nó. Trong nhãn cầu của nó có những tế bào thần kinh mà ở loài thú khác thì chỉ có trong lỗ tai. Thính giác của nó cỡ như người, kém hơn loài chó, nhưng thị giác thì hơn chúng ta những sáu lần. Mèo có thể nhìn thẳng vào mặt trời không nháy mắt vì nó đã “phát minh” ra màng trập trước các nhà nhiếp ảnh, tùy theo cường độ ánh sáng nó điều chỉnh cái kẽ ở đồng tử. Khi mở rộng mắt nó có thể bắt được thứ ánh sáng mà con người dù tỏ mắt đến đâu cũng phải đi quờ quạng. Tuy nhiên, cũng như loại máy ảnh hảo hạng, khi không còn chút ánh sáng nào, nó cũng không thể thấy được vật gì trong bóng tối dày đặc.

Hai con mắt của nó khi nhìn vào một mục tiêu tạo được cái góc 130, trong khi ở con người chỉ có 125°.

Khác hẳn loài chó – mối liên hệ giữa con này với người chủ là liên hệ “chủ tớ” – con mèo thì xử sự theo lối ngang vai ngang vế. Bác sĩ Pommery có nêu nhận xét: Mèo là người bạn đồng tịch đồng sáng chứ không phải là một nô lệ. Nó không chịu lệ thuộc vì nó sống không cần đến sự giúp đỡ của loài người. Trái với phần đông loài thú khác đành cam phận nô lệ vì háu ăn, riêng loài mèo chúng có thể chịu đựng cơn đói lâu dài.

Sống giữa xã hội của nó, mèo thường hành động rất kỳ lạ. Theo bác sĩ Pommery sở dĩ nó có tập tính khác thường là do thói chiếm giữ “giang sơn” riêng. Dù sống trong nhà hay ngoài đồng, luôn luôn nó tự qui định cho nó ba lãnh địa. Thứ nhất là sào huyệt, thường là hộc tủ, ngăn kéo, giỏ chứa giẻ, ghế bành, bọng cây, hố... là chỗ nghỉ ngơi, chỗ để phóng tầm mắt quan sát. Thứ hai là vùng săn mồi để sinh sống. Thứ ba, thường ít khi vượt qua 800m là vùng để đi dạo, các chú mèo khác có thể lai vãng trong vùng này không ngại xảy ra sự xung đột.

Nhà bác học Thomas R.Kane đã thu vào một cuốn phim cho tổ chức NASA cách chuyển mình dễ dàng, tự nhiên của con mèo lúc rơi từ trên cao xuống. Cuộc khảo sát ấy nhằm khám phá bí quyết giữ thăng bằng trong không khí. Qua phim ấy mới thấy rõ đuôi của mèo quay ngược chiều với thân mình của nó, đó là lối hãm bớt trớn trong khi óc của nó chưa tính toán kịp một chỗ đáp an toàn. Nói cách khác, cái đuôi ấy dùng để lập thể quân bình trong lúc mất thăng bằng. Và khám phá này được áp dụng cho các phi hành gia.