Thật tôi không thể ngờ hôm nay tôi phải đọc lời vĩnh biệt trước linh cữu của Anh. Mới ba tuần trước đây thôi, một đêm mưa Anh, Khưu Bạch Tuyết, Sơn Nam và tôi còn quấn quýt bên nhau, trong mái lá, nói với nhau bao chuyện cuộc đời. Anh vẫn tươi và hăm hở. Hóm hỉnh và chân tình.
Anh ra đi vội vã thế ư? Anh còn muốn được biết làng tôi, một làng núi phương Nam, và nghe tôi kể nhiều điều về đạo giáo ở An Giang. Tôi chưa đưa Anh được về quê và cũng chưa kể Anh nghe những điều anh muốn biết. Ở cái tuổi sắp “cổ lai hy” Anh vẫn chưa chịu an nhiên, Anh còn muốn lăn vào cuộc sống thực, dễ hiểu con người thực ở miền cực Tây đất nước. Chưa thỏa nguyện, Anh đã đi rồi! Dẫu biết, đời người có mấy ai toại nguyện, tôi vẫn thương Anh.
Người xưa thường nói: “Người ra đi là đến chỗ yên nghỉ cuối cùng của người đời khi đã mỏi mòn thế sự”. Thế sự, đối với anh chưa mỏi mòn, Anh còn quá yêu cuộc sống hôm nay, Anh còn nỗi đau nhân thế. Như Anh đã nói trong đêm mưa rả rích mấy tuần qua. Anh còn tin cuộc đời không phải lem nhem mãi. Đêm ấy Anh nói khá nhiều, không giấu nổi bực bội trước những hiện tượng xấu xa, phi nhân văn. Nhưng anh cũng rất vui khi thấy “anh em ta” đã nhận ra bao điều lầm lỗi, và đang dốc tâm chữa lỗi, làm cho cuộc sống hay hơn, đẹp hơn thời kỳ bê bối đã qua. Đêm mưa khá lạnh, Anh đã truyền lửa ấm sang chúng tôi một cách tự nhiên và trung thực. Tôi càng thêm quý Anh.
Rõ là Thép Mới, một chất thép đã luyện qua hai lò lửa chiến tranh ái quốc. Quý hiếm xiết bao. Kháng chiến chống Pháp, Anh lặn lội khắp chiến khu Việt Bắc, Tây Bắc điệp điệp trùng trùng. Kháng chiến chống Mỹ, Anh lại ba lô, dép lốp, làm người lính già tham gia sự nghiệp giải phóng miền Nam.
Nhớ Anh, làm sao tôi không nhớ đến những thiên ký sự rực lửa của Anh. “Điện Biên, chiếc cầu vàng và cái ca rỗng”. Nhớ Anh, làm sao tôi quên được “Đà Nẵng, thanh gươm kề cổ giặc”. Niềm tin của Anh không phải tín điều, mà là một thực tiễn, có khoa học, chứ không phải tin suông. Anh thấy rõ sức mạnh của nhân dân, sự dũng cảm phi thường của những người cầm súng giải phóng miền Nam, tôi càng yêu thích hai thiên ký sự khói lửa, chiến trường, Anh viết ra trong tiếng bom và pháo giặc.
Tác phẩm của Anh không chỉ có bao nhiêu đó. Anh để lại cho đời cả một gánh trí tuệ và sức sống của Anh. Tôi nhớ lại hai thiên ký sự ấy, là vì nó mang tính dự báo về số phận kẻ thù và tâm huyết của Anh. Cái chất nghệ sĩ, cái hồn người và sự mẫn cảm của anh toát ra trên từng trang ký sự.
Một đời người trút cả tuổi trẻ và nghị lực của mình vào cuộc chiến tranh yêu nước, cùng cực gian nan. Chiến đấu trên cả hai chiến trường Nam Bắc. Không phải ai cũng có thể có niềm vinh dự và điều kiện như Anh. Trước nhất là tấm lòng và dũng khí của nhà văn.
Anh ra đi hết sức đột ngột. Nhìn Anh nằm yên trong cỗ quan tài – qua lớp kính - nét mặt bình thản, có ai nghĩ rằng trong vầng trán rộng kia còn chứa bao nỗi ưu tư. Đất nước đang trở mình trong hoàn cảnh thật khó khăn. Thế giới bè bạn đang rối tung. Anh biết khá nhiều và nói nhiều điều thú vị. Giọng hăm hở vang to. Anh tin ta đủ thông minh, biết tránh vết xe đã đổ, biết lèo lái trong thời điểm mưa giông. Nhưng anh cũng không giấu nỗi lo, đường ta đi còn nhiều ghềnh thác. Lớp người đi trước đã cao tuổi, lớp sau còn đang bỡ ngỡ. Nguồn suối trong còn đó, nhưng không ít cỏ dại lấp ngăn. Anh nói đến phương thức khơi nguồn dọn lối. Chọn cho mình một lối đi sáng rộng, tránh bớt vấp ngã dọc đường... Những điều này Anh tâm sự với chúng tôi trong đêm mưa. Hôm sau tôi tuột xuống An Giang. Bởi dạo này quê tôi đang mùa nước lũ, người nông dân đang cật lực chạy đua với nước giành giật vụ lúa hè thu.
Ba tuần sau tôi trở lại Sài Gòn, định chạy đến báo Anh vui rằng: An Giang đã thu hoạch xong lúa hè thu trước cơn lũ dữ dằn rằm tháng Tám. Thế mà chẳng kịp gặp Anh! Hai hôm nay tôi bàng hoàng nghĩ mãi, phải chăng những điều anh nói trong đêm mưa là lời trối cuối cùng?
Vĩnh biệt Anh! Dù rằng những điều anh nói trong đêm mưa, có điều nói rõ, có điều lấp lửng nửa chừng. Tôi vẫn ghi sâu câu đáng nhớ của anh: “Chúng mình giờ đây như thể người lính già kể chuyện Nguyễn Phong”.
Anh Thép Mười thân yêu! Không những thế, mà những người "lính già” sẽ không bao giờ quên mình là người lính chiến. Cả cuộc đời của họ đã đầu tư vào sự nghiệp lớn lao của dân tộc, tạo ra một quá khứ bi tráng, vẻ vang. Họ còn tiếp tục kể chuyện Nguyễn Phong. Đó cũng là một cách “về nguồn”, như Anh nói. Ấy là sự nghiệp của toàn dân mà người đặt viên gạch đầu tiên là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Anh hãy yên lòng.