ÁNH TRĂNG

A. YÊU CẦU

HS cảm nhận được:

- Bài thơ gợi lại những năm tháng gian lao đã qua của cuộc đời lính gắn bó với thiên nhiên, đất nước bình dị, hiền hậu. Bài thơ còn là lời tự nhắc nhở của tác giả, là tâm sự của tác giả muốn gửi gắm: phải luôn nhớ về nguồn cội, phải biết sống thuỷ chung.

- Bài thơ có giọng điệu tâm tình, tự nhiên, hình ảnh giàu tính biểu cảm.

B. GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI, BÀI TẬP

I - Phần bài học

Câu hỏi 1. Em có nhận xét gì về bố cục của bài thơ?

Ánh trăng có sự kết hợp giữa tự sự với trữ tình. Trong dòng diễn biến của thời gian, sự việc, đâu là bước ngoặt để tác giả từ đó bộc lộ cảm xúc, thể hiện chủ đề của tác phẩm?

Gợi ý

- Bài thơ có thể chia làm ba phần:

+ Phần 1 (hai khổ đầu): Những kỉ niệm gắn bó với vầng trăng.

+ Phần 2 (hai khổ tiếp): Sự lãng quên vầng trăng khi sống trong môi trường mới và bất ngờ gặp lại vầng trăng khi đột ngột mất điện.

+ Phần 3 (hai khổ cuối): Sự đối diện với vầng trăng và suy ngẫm về những ngày đã sống cùng vầng trăng.

Bố cục của bài thơ như là một câu chuyện được kể lại theo trình tự thời gian.

- Bước ngoặt để tác giả bộc lộ cảm xúc là khi đã coi vầng trăng “như người dưng qua đường”, thì bỗng mất điện, “gặp lại vầng trăng tròn”. Con người vô tình còn trăng vẫn thuỷ chung. Tác giả gặp lại vầng trăng như gặp lại người tri kỉ. Vầng trăng không trách móc, con người tự sám hối, giật mình nhìn lại. Cái giật mình chợt nhận ra là sự tự vấn lương tâm, sự tự trách. Đó chính là chỗ để thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm.

Câu hỏi 2. Hình ảnh vầng trăng trong bài thơ mang nhiều tầng ý nghĩa. Hãy phân tích điều ấy. Khổ thơ nào trong bài thể hiện tập trung nhất ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh vầng trăng, chiều sâu tư tưởng mang tính triết lí của tác phẩm?

Gợi ý

Hình ảnh vầng trăng trong bài thơ mang nhiều tầng ý nghĩa. Vầng trăng là người bạn tri kỉ gắn bó với con người trong những lúc gian khổ. Trăng là biểu tượng của quá khứ hồn nhiên, tươi đẹp. Trăng cũng là phần trong sáng, tốt đẹp của con người. Trăng là vẻ đẹp giản dị và vĩnh hằng của cuộc sống.

Khổ cuối của bài thơ thể hiện tập trung nhất ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh vầng trăng, chiều sâu tư tưởng mang tính triết lí của tác phẩm. Vầng trăng không lời, trăng cứ im phăng phắc, cứ tròn vành vạnh. Trăng để cho con người vô tình tự soi lại mình, tự nhận ra sự vô tình của mình để sống tốt hơn, thuỷ chung hơn.

Câu hỏi 3*. Nhận xét về kết cấu, về giọng điệu của bài thơ. Những yếu tố ấy có tác dụng gì đối với việc thể hiện chủ đề và tạo nên sức truyền cảm của tác phẩm?

Gợi ý

Bài thơ kết cấu như một câu chuyện nhỏ phát triển theo thời gian. Quá khứ hồn nhiên, gắn bó thân thiết với vầng trăng. Hiện tại sống với các tiện nghi hiện đại, đủ đầy, vầng trăng bị con người lãng quên, bị coi như là người dưng qua đường. Nhờ mất điện mà gặp lại vầng trăng, giật mình về thái độ sống “vô tình” của mình. Chính sự giật mình là một yếu tố quan trọng. Nó là sự thức tỉnh của con người, con người soi lại bản thân, xem lại cách sống vô tình, dửng dưng, quay lưng lại với quá khứ tốt đẹp, nghĩa tình.

Giọng điệu bài thơ như là lời tâm tình, suy tư, cảm động.

Câu hỏi 4. Xác định thời điểm ra đời của bài thơ Ánh trăng, liên hệ với cuộc đời Nguyễn Duy để phát biểu chủ đề bài thơ. Theo cảm nhận của em, chủ đề ấy có liên quan gì đến đạo lí, lẽ sống của dân tộc Việt Nam ta?

Gợi ý

Bài thơ Ánh trăng được Nguyễn Duy sáng tác vào năm 1978, tức là ba năm sau ngày đất nước hoà bình thống nhất. Nguyễn Duy là người lính, cũng như bao nhiêu người lính, người kháng chiến khác, từng có một thời gian khổ sống và chiến đấu nơi rừng núi nay trở về thành phố sống một cuộc sống mới trong thời bình. Cuộc sống mới có phương tiện sống đủ đầy, tiện nghi hơn thời chiến tranh. Điều kiện sống mới đã khiến một số người chỉ say sưa hưởng thụ, lo vun vén cá nhân, quên đi quá khứ một thời. Tình bạn bè, đồng chí thân thiết, đằm thắm, nghĩa tình giờ đây chỉ còn là sự lãng quên, dửng dưng, vô tình, xa lạ.

Bài thơ của Nguyễn Duy như là một lời tự nhắc, tự thức tỉnh, đồng thời cũng là lời nhắc nhở mọi người cần có thái độ sống thuỷ chung, trân trọng quá khứ, đó cũng là truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Bài thơ có ý nghĩa với cả một thế hệ những người từng trải qua những năm tháng gian khổ của chiến tranh, từng gắn bó với thiên nhiên, với nhân dân tình nghĩa thuỷ chung, nay được sống trong cuộc sống hoà bình với cuộc sống đủ đầy, nhiều tiện nghi hiện đại.

II - Phần luyện tập

Bài tập 1. Đọc diễn cảm bài thơ.

Gợi ý

Bài thơ như là một lời tâm sự. Cần chú ý giọng điệu bài thơ.

Bài tập 2. Tưởng tượng mình là nhân vật trữ tình trong Ánh trăng, em hãy diễn tả dòng cảm nghĩ trong bài thơ thành một bài tâm sự ngắn.

Gợi ý

Nhân vật trữ tình trong bài thơ chính là tác giả. Em tự đặt mình là tác giả để viết bài tâm sự. Cần chú ý tâm trạng của nhà thơ (nhân vật trữ tình) trước vầng trăng xuất hiện đột ngột và cái “giật mình” của nhà thơ.