CÁCH LÀM BÀI NGHỊ LUẬN VỀ MỘT ĐOẠN THƠ, BÀI THƠ

A. YÊU CẦU

- Biết cách viết một bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ theo quy định của bố cục, thể hiện được cảm nhận, cảm thụ của bản thân về cái hay, cái đẹp của đoạn thơ, bài thơ; lời văn phải tự nhiên, giàu cảm xúc.

- Rèn kĩ năng thực hiện các bước khi làm một bài nghị luận loại này.

B. GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI, BÀI TẬP

I- Phần bài học

ĐỀ BÀI NGHỊ LUẬN VỀ MỘT ĐOẠN THƠ, BÀI THƠ

Đọc các đề bài sau và trả lời câu hỏi (8 đề, SGK tập 2, tr. 79, 80).

Câu hỏi a. Các đề bài trên được cấu tạo như thế nào?

Gợi ý

Các đề bài trên có cấu tạo phong phú, đa dạng nhưng đều là một kiểu bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ (nghị luận văn học). Có những đề đã định hướng tương đối rõ. Có những đề đòi hỏi người làm bài phải tự xác định để tập trung vào hướng nào, vào phương diện nào đáng chú ý nhất của đối tượng (như đề 4, đề 7).

Dù sao để làm tốt bài nghị luận này, chúng ta cần có các cảm nhận, suy nghĩ của riêng mình và diễn giải, chứng minh các cảm nhận, ý kiến ấy một cách có căn cứ qua việc cảm thụ đúng và sâu sắc tác phẩm.

Câu hỏi b. Các từ trong đề bài như phân tích, cảm nhận và suy nghĩ (hoặc có khi đề bài không có lệnh) biểu thị những yêu cầu gì đối với bài làm?

Gợi ý

Từ phân tích chỉ định về phương pháp, từ cảm nhận lưu ý đến ấn tượng, cảm thụ của người viết, từ suy nghĩ nhấn mạnh tới nhận định, phân tích của người làm bài. Trường hợp không có lệnh, người viết bày tỏ ý kiến của mình về vấn để được nêu ra trong đề bài. Sự khác biệt trên chỉ ở sắc thái, không phải là kiểu bài khác nhau.

CÁCH LÀM BÀI NGHỊ LUẬN VỀ MỘT ĐOẠN THƠ, BÀI THƠ

Đọc văn bản Quê hương trong tình thương, nỗi nhớ (SGK tập 2, tr. 81, 82, 83) và trả lời câu hỏi.

Câu hỏi a. Trong văn bản trên, đâu là phần Thân bài, ở phần này người viết đã trình bày những nhận xét gì về tình yêu quê hương trong bài thơ Quê hương? Những suy nghĩ, ý kiến ấy được dẫn dắt, khẳng định bằng cách nào, được liên kết với phần Mở bài và Kết bài ra sao?

Gợi ý

- Phần Thân bài trong văn bản trên bắt đầu từ đoạn "Nhà thơ đã viết Quê hương bằng tất cả tình yêu tha thiết, trong sáng..." đến "... cho ta rõ thêm tâm hồn thiết tha, thành thực của Tế Hanh" (tức là chừa đoạn văn đầu và cuối).

- Phần này trình bày cảm nhận về cảm xúc lúc nồng nàn, mạnh mẽ, lúc lắng sâu, tinh tế của Tế Hanh khi ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên, cuộc sống lao động của quê hương, về hình ảnh, nhịp điệu đặc sắc của bài thơ.

- Những suy nghĩ, ý kiến ấy được dẫn dắt, khẳng định bằng bố cục mạch lạc, chặt chẽ, sự liên kết đoạn, liên kết giữa các phần.

Phần Thân bài được nối kết với phần Mở bài một cách chặt chẽ, tự nhiên. Đó chính là sự phân tích, chứng minh làm sáng tỏ nhận xét bao quát đã nêu ở phần Mở bài.

Phần Kết bài khẳng định lại một lần nữa sức hấp dẫn của bài thơ Quê hương đã được trình bày ở phần Thân bài, nêu lên ý nghĩa bồi đắp tâm hồn người đọc của bài thơ.

Câu hỏi b. Văn bản có tính thuyết phục, sức hấp dẫn không? Vì sao? Từ đó có thể rút ra bài học gì qua cách làm bài nghị luận văn học này?

Gợi ý

- Văn bản trên có sức hấp dẫn và tính thuyết phục cao. Các nguyên nhân chính làm nên tính thuyết phục, sức hấp dẫn của văn bản là:

+ Văn bản ngắn tập trung trình bày nhận xét, đánh giá về các giá trị đặc sắc nổi bật nhất về nội dung cảm xúc và nghệ thuật của bài thơ Quê hương. Khi nói về các trạng thái cảm xúc phong phú của Tế Hanh, người viết phân tích, bình giảng ngay sự đặc sắc của các hình ảnh, nhịp điệu thơ tương ứng. Điều ấy chứng tỏ người viết đã nắm vững đặc trưng của tác phẩm văn học, nhất là tác phẩm thơ trữ tình và đã rút ra luận điểm từ các luận cứ cụ thể, rõ ràng.

+ Bố cục của văn bản mạch lạc, sáng rõ.

- Qua văn bản trên, có thể thấy người viết đã trình bày cảm nghĩ, ý kiến bằng cả lòng yêu mến, rung cảm thiết tha đối với bài thơ Quê hương. Đây là một yêu cầu cơ bản để làm tốt bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ.

II - Phần luyện tập

Phân tích khổ thơ đầu bài Sang thu của Hữu Thỉnh.

Gợi ý

- Nội dung cảm xúc của khổ thơ này là gì? Cảm xúc của nhà thơ được gợi lên từ hương vị, đặc điểm gì của thiên nhiên? Hình ảnh, ngôn từ trong khổ thơ đặc sắc như thế nào?

- Lập dàn ý chi tiết theo các phần Mở bài, Thân bài, Kết bài.