ÔN TẬP PHẦN TẬP LÀM VĂN

A. YÊU CẦU

- Hệ thống hoá các kiến thức và kĩ năng về làm văn đã học trong học kì 1, lớp 9.

- Chuẩn bị làm bài Tập làm văn trên lớp.

B. GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI, BÀI TẬP

Câu hỏi 1. Phần Tập làm văn trong Ngữ văn 9, tập 1 có những nội dung lớn nào? Những nội dung nào là trọng tâm cần chú ý?

Gợi ý

- Phần Tập làm văn trong Ngữ văn 9, tập 1 có những nội dung lớn:

+ Sử dụng các biện pháp nghệ thuật kết hợp miêu tả trong bài văn thuyết minh.

+ Kết hợp tự sự với biểu cảm và miêu tả nội tâm, tự sự với nghị luận; đối thoại và độc thoại; vai trò của người kể chuyện,... trong văn tự sự.

- Nội dung văn tự sự là trọng tâm cần chú ý.

Câu hỏi 2. Vai trò, vị trí, tác dụng của các biện pháp nghệ thuật và yếu tố miêu tả trong văn bản thuyết minh như thế nào? Cho một ví dụ cụ thể.

Gợi ý

Các biện pháp nghệ thuật và yếu tố miêu tả chỉ giữ vai trò thứ yếu trong bài văn thuyết minh. Chúng có tác dụng làm cụ thể hơn, sinh động hơn cho bài văn thuyết minh.

Ví dụ, khi thuyết minh về một di tích lịch sử nào đấy, chúng ta có thể sử dụng các biện pháp nghệ thuật như so sánh, nhân hoá, liên tưởng, yếu tố miêu tả để làm cho di tích ấy rõ hơn, sinh động hơn.

Câu hỏi 3. Văn bản thuyết minh có yếu tố miêu tả, tự sự giống và khác với văn bản miêu tả, tự sự ở điểm nào?

Gợi ý

- Cả hai loại văn bản có thể cùng một đối tượng, một đề tài.

- Văn thuyết minh phải trung thành với đặc điểm của đối tượng; ít dùng tưởng tượng, so sánh,...; dùng nhiều số liệu chi tiết, chính xác; bảo đảm tính khách quan, khoa học; sử dụng nhiều kiến thức về văn hoá, khoa học,...; thường đơn nghĩa.

Văn miêu tả dùng nhiều hình ảnh, cảm xúc; ít dùng số liệu cụ thể, chi tiết; dùng nhiều trong sáng tác văn chương, nghệ thuật; ít có khuôn mẫu và thường đa nghĩa.

Câu hỏi 4. Sách Ngữ văn 9, tập 1 nêu lên những nội dung gì về văn bản tự sự? Vai trò, vị trí và tác dụng của các yếu tố miêu tả nội tâm và nghị luận trong văn bản tự sự như thế nào? Hãy cho ví dụ một đoạn văn tự sự trong đó có sử dụng yếu tố miêu tả nội tâm; một đoạn văn tự sự có sử dụng yếu tố nghị luận và một đoạn văn tự sự có sử dụng cả yếu tố miêu tả nội tâm và nghị luận. (Có thể lấy trong các tác phẩm văn học đã học, đã đọc hoặc trong các bài văn tham khảo của bạn cũng như của mình,...).

Gợi ý

- Sách Ngữ văn 9, tập 1 nêu lên những nội dung về văn bản tự sự: kết hợp miêu tả với nghị luận, đối thoại và độc thoại, người kể và ngôi kể.

- Vai trò, vị trí và tác dụng của các yếu tố miêu tả nội tâm và nghị luận trong văn bản tự sự: miêu tả nội tâm giúp cho người viết đi sâu phân tích, trình bày những diễn biến tâm lí, cảm xúc, ý nghĩ,... của nhân vật; nghị luận giúp người viết trình bày dễ dàng những vấn đề về triết lí sống, nhân sinh,...

- Có thể lấy ví dụ ở những văn bản tự sự đã học có sử dụng yếu tố miêu tả nội tâm như: Lão Hạc, Làng (nhân vật ông Hai), Thuý Kiều ở lầu Ngưng Bích (nhân vật Thuý Kiều)...; yếu tố nghị luận trong văn bản tự sự: Thuý Kiều báo ân báo oán (lời Hoạn Thư), Lão Hạc (nhận xét của ông giáo), Lặng lẽ Sa Pa (lời ông hoạ sĩ, lời tác giả - người dẫn truyện),... (Em tự tìm những câu trong văn bản có sử dụng các yếu tố miêu tả và nghị luận.)

Câu hỏi 5. Thế nào là đối thoại, độc thoại và độc thoại nội tâm? Vai trò, tác dụng và hình thức thể hiện của các yếu tố này trong văn bản tự sự như thế nào? Tìm các ví dụ về đoạn văn tự sự có sử dụng các yếu tố đối thoại, độc thoại và độc thoại nội tâm.

Gợi ý

- Đối thoại là cuộc trò chuyện, đối đáp giữa hai hay nhiều nhân vật. Độc thoại là lời nhân vật tự nói với mình. Độc thoại nội tâm là độc thoại diễn ra trong tâm trí nhân vật.

- Đối thoại, độc thoại và độc thoại nội tâm là những hình thức quan trọng để khắc hoạ nhân vật; miêu tả tính cách, nội tâm nhân vật. Đối thoại và độc thoại thành lời được thể hiện bằng cách gạch đầu dòng cho mỗi lượt lời; còn độc thoại nội tâm thì không có gạch đầu dòng.

Câu hỏi 6. Tìm hai đoạn văn tự sự, trong đó một đoạn người kể chuyện kể theo ngôi thứ nhất, một đoạn kể theo ngôi thứ ba. Nhận xét vai trò của mỗi loại người kể chuyện đã nêu.

Gợi ý

Có thể em tìm hai đoạn văn trong hai văn bản sau:

- Chiếc lược ngà: Người kể là người bạn của ông Hai kể chuyện theo ngôi thứ nhất. Cách chọn vai kể này làm cho câu chuyện chân thực, thể hiện được sự đồng cảm của người kể với các nhân vật khác trong truyện.

- Lặng lẽ Sa Pa: Người kể là tác giả - người dẫn truyện, ngôi thứ ba. Cách chọn vai kể này tạo thuận lợi trong việc miêu tả, kể chuyện ở nhiều góc nhìn khác nhau. Với vai kể này, câu chuyện sẽ rõ ràng, cụ thể, sinh động hơn; người kể như hiểu được suy nghĩ, cảm xúc của từng nhân vật.