BÀI THƠ VỀ TIỂU ĐỘI XE KHÔNG KÍNH

A. YÊU CẦU

HS cảm nhận được:

- Qua hình ảnh những chiếc xe không kính ngộ nghĩnh, độc đáo giữa tuyến đường Trường Sơn ác liệt trong thời kì chống Mỹ cứu nước, tác giả khắc hoạ hình ảnh những người lính lái xe hiên ngang, dũng cảm, trẻ trung, lạc quan yêu đời.

- Bài thơ đã thể hiện một cách sinh động và hiện thực cuộc sống chiến trường, ngôn ngữ và giọng điệu giàu tính khẩu ngữ, tự nhiên, khoẻ khoắn.

B. GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI, BÀI TẬP

I- Phần bài học

Câu hỏi 1. Nhan đề bài thơ có gì khác lạ? Một hình ảnh nổi bật trong bài thơ là những chiếc xe không kính. Vì sao có thể nói hình ảnh ấy là độc đáo?

Gợi ý

Nhan đề của bài thơ có hai điểm khác lạ: “tiểu đội xe không kính” và “bài thơ”. Đưa vào thơ những chiếc xe không kính là một sự khác lạ. Từ “bài thơ” có vẻ như thừa nhưng thực ra đây là một chủ định của tác giả. Tác giả muốn tạo nên sự liên kết giữa thơ và cái chẳng có gì nên thơ: xe không có kính. Chất thơ hiện lên từ những gì trần trụi, khô khan, từ hiện thực gian khổ, ác liệt của chiến trường. Hình ảnh tiểu đội xe không kính là hình ảnh độc đáo của bài thơ.

Câu hỏi 2. Những chiếc xe không kính đã làm nổi bật hình ảnh người lái xe trên tuyến đường Trường Sơn. Em hãy phân tích hình ảnh người lính lái xe trong bài thơ (chú ý: tư thế hiên ngang, tinh thần dũng cảm bất chấp khó khăn, nguy hiểm, niềm vui sôi nổi của tuổi trẻ trong tình đồng đội, ý chí chiến đấu vì miền Nam).

Gợi ý

Hình ảnh những chiếc xe của tiểu đội hiện lên chân thật, bom đạn chiến trường làm cho kính xe bị vỡ, xe không còn đèn, không còn mui, thùng xe bị xước,... Xe vào trận cùng sẻ chia với người lính những mất mát, hi sinh. Những người lính lái xe với tư thế rất đàng hoàng, hiên ngang:

Ung dung buồng lái ta ngồi,

Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.

Họ lái xe với tinh thần dũng cảm, không ngại khó khăn, vượt qua bom rơi lửa đạn, không sợ hi sinh:

- Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa

- Những chiếc xe từ trong bom rơi

- Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng

- Bụi phun tóc trắng như người già

- Không có kính, ừ thì ướt áo

Mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời

Họ là những chàng trai trẻ tinh nghịch, lạc quan yêu đời, tình đồng chí, đồng đội thắm thiết:

- Thấy sao trời và đột ngột cánh chim

Như sa như ùa vào buồng lái

- Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc

Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha.

- Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới

Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi.

- Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy

Họ là những thanh niên tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kì chống Mỹ cứu nước, chiến đấu vì miền Nam ruột thịt:

Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:

Chỉ cần trong xe có một trái tim.

Câu hỏi 3. Em có nhận xét gì về ngôn ngữ, giọng điệu của bài thơ này? Những yếu tố đó đã góp phần như thế nào trong việc khắc hoạ hình ảnh những người lính lái xe Trường Sơn?

Gợi ý

Ngôn ngữ của bài thơ giản dị, giọng điệu thơ pha chút ngang tàng, tinh nghịch của tuổi trẻ qua những khẩu ngữ như: ừ thì, chưa cần rửa, chưa cần thay, phì phèo châm điếu thuốc,... Đó là nét trẻ trung, hồn nhiên của các chiến sĩ. Giọng điệu thơ phản ánh tinh thần lạc quan yêu đời của chiến sĩ lái xe. Chính tinh thần lạc quan đó đã làm cho họ có thể ung dung, bình tĩnh vượt qua mọi khó khăn, gian khổ vượt qua những trận bom giật, bom rung để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ chi viện cho miền Nam.

Câu hỏi 4. Cảm nghĩ của em về thế hệ trẻ thời kháng chiến chống Mĩ qua hình ảnh người lính trong bài thơ? So sánh hình ảnh người lính ở bài thơ này và ở bài Đồng chí.

Gợi ý

- Thế hệ trẻ thời kháng chiến chống Mĩ là một thế hệ của những người anh hùng, sống có lí tưởng cao đẹp. Họ là những lớp thanh niên trẻ, khoẻ, đem tuổi thanh xuân của mình dâng hiến cho đất nước. Họ chiến đấu với tinh thần dũng cảm, không sợ hi sinh, lúc nào cũng phơi phới yêu đời. Dù bất cứ hoàn cảnh nào họ cũng đều nêu cao tinh thần đồng đội.

- Hình ảnh người lính trong bài Đồng chí và hình ảnh người lính trong bài thơ tiểu đội xe không kính là sự tiếp nối phẩm chất anh hùng của các thế hệ bộ đội cụ Hồ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ. Họ đều có chung một điều kiện sống, chiến đấu khó khăn, thiếu thốn nhưng đều có tinh thần vượt khó, không sợ hi sinh gian khổ, luôn lạc quan yêu đời, sống có lí tưởng cách mạng. Trong khó khăn gian khổ, đồng đội, đồng chí sát cánh, gắn bó bên nhau để hoàn thành nhiệm vụ.

II - Phần luyện tập

Bài tập 2. Những cảm giác, ấn tượng của người lái xe trong chiếc xe không kính trên đường ra trận đã được tác giả diễn tả rất sinh động, cụ thể. Em hãy phân tích khổ thơ thứ hai để thấy rõ điều ấy.

Gợi ý

Khổ thơ thứ hai:

Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng

Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim

Thấy sao trời và đột ngột cánh chim

Như sa như ùa vào buồng lái.

Khổ thơ miêu tả cụ thể, chính xác hình ảnh người lính lái xe trên chiếc xe không có kính. Không có kính thì gió sẽ làm cho “mắt đắng”, không có kính thì con đường phía trước như “chạy thẳng vào tim”, và không có vật chắn nên sao trời, cánh chim “như sa như ùa vào buồng lái”. Đó là cảm giác thật, ấn tượng thật của người lái ngồi trên xe khi chiếc xe đang chạy với tốc độ cao. Những khó khăn, phiền toái khi chiếc xe không có kính được trình bày qua tinh thần lạc quan của người lính. Có vẻ như xe không có kính lại là một thuận lợi, một điều hay, một cơ hội để người lính khám phá vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời,...