Bài 15. CHIẾC LƯỢC NGÀ (Trích)

A. YÊU CẦU

HS cảm nhận được:

- Đoạn truyện Chiếc lược ngà thể hiện cảm động tình cha con sâu nặng và cao đẹp trong cảnh ngộ éo le của chiến tranh.

- Truyện thành công trong việc sáng tạo tình huống, bất ngờ, tự nhiên, hợp lí trong việc miêu tả tâm lí, tính cách nhân vật, đặc biệt là nhân vật bé Thu.

B. GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI, BÀI TẬP

I - Phần bài học

Câu hỏi 1. Em hãy kể tóm tắt cốt truyện của đoạn trích. Tình huống nào đã bộc lộ sâu sắc và cảm động tình cha con của ông Sáu và bé Thu?

Gợi ý

- Tóm tắt đoạn trích cần phải chú ý các tình tiết chính sau đây:

+ Ông Sáu đi kháng chiến, khi có dịp trở lại thăm nhà thì con gái đã lên tám tuổi. Bé Thu không nhận ra cha vì vết sẹo trên má làm ông Sáu không giống như trong bức ảnh chụp chung với má mà bé Thu đã biết.

+ Đến khi bé Thu nhận ra cha thì cũng là lúc ông Sáu phải ra đi.

+ Vào khu căn cứ, nhớ lời con, ông Sáu đã làm được một chiếc lược bằng ngà voi để tặng con.

+ Ông Sáu đã hi sinh trong một trận càn. Trước khi nhắm mắt, ông chỉ còn kịp trao cây lược cho một người bạn.

- Tình huống bộc lộ sâu sắc và cảm động tình cha con của ông Sáu và bé Thu:

+ Cuộc gặp của hai cha con sau tám năm xa cách, nhưng bé Thu không nhận ra cha mình, khi bé nhận ra và biểu lộ tình cảm thắm thiết với cha thì ông Sáu lại phải ra đi.

+ Ở khu căn cứ, ông Sáu dồn hết tình cảm cho con vào việc làm chiếc lược ngà để tặng con, nhưng chưa kịp tặng thì ông đã hi sinh.

Câu hỏi 2. Tìm hiểu và phân tích diễn biến tâm lí, hành động của bé Thu trong lần gặp cha cuối cùng, khi ông Sáu được về phép. Qua đó hãy nhận xét về tính cách của nhân vật bé Thu và nghệ thuật miêu tả tâm lí của tác giả.

Gợi ý

Diễn biến tâm lí của bé Thu trong lần cuối cùng gặp cha:

- Lúc đầu, vì không nhận ra cha mình, không thừa nhận ông Sáu là cha nên bé Thu lạnh nhạt, không chịu gọi “ba”, khước từ sự chăm sóc của ông. Ông Sáu càng mừng vui, vồ vập thì bé Thu càng ngờ vực, lảng tránh. Đó là phản ứng tâm lí tự nhiên, bởi bé Thu không nhận ra ông Sáu là cha mình và niềm kiêu hãnh về một người cha “khác” - người chụp ảnh chung với má mình.

- Khi nhận ra và tin ông Sáu là cha, tình cảm, thái độ của bé Thu đột ngột thay đổi: bé cất tiếng kêu thét lên: “ba...a...a...ba!”, “vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc”, “Nó hôn ba nó cùng khắp. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài bên má của ba nó nữa”, “hai tay nó siết chặt lấy cổ, chắc nó nghĩ hai tay không thể giữ được ba nó, nó dang cả hai chân rồi câu chặt lấy ba nó, và đôi vai nhỏ bé của nó run run”. Giờ phút chia tay, tình yêu, nỗi mong nhớ ba dồn nén bấy lâu và cả sự hối hận nữa đã được bé Thu thể hiện thật mạnh mẽ, nồng nhiệt.

Qua biểu hiện tâm lí và hành động của bé Thu đối với người cha, tác giả thể hiện rõ tính cách của bé: cứng cỏi đến mức ương ngạnh, nhưng dứt khoát, rạch ròi, mạnh mẽ và sâu sắc. Tuy nhiên, bé Thu vẫn có nét hồn nhiên, ngây thơ của con trẻ.

Câu hỏi 3. Tình cảm sâu nặng và cao đẹp của ông Sáu đối với con đã được thể hiện qua những chi tiết, sự việc nào? Điều đó đã bộc lộ thêm nét đẹp gì trong tâm hồn của người cán bộ cách mạng ấy?

Gợi ý

Tình cảm sâu nặng và cao đẹp của ông Sáu đối với con đã được thể hiện qua các chi tiết, sự việc sau:

- Biết con chưa nhận ra mình, “khổ tâm đến không khóc được” nhưng ông Sáu kiên nhẫn chờ đợi.

- Khóc khi chia tay với con.

- Ông day dứt, ân hận vì đã lỡ đánh con.

- Ông đã vui mừng khi kiếm được khúc ngà, dồn hết tâm trí vào làm cây lược và tẩn mẩn khắc từng nét; “yêu nhớ tặng Thu con của ba”.

- Lấy lược ra ngắm cho đỡ nhớ con.

- Nghe được lời hứa của người bạn hứa thay mình trao chiếc lược cho con mới chịu nhắm mắt.

Câu 4. Truyện được kể theo lời trần thuật của nhân vật nào? Cách chọn vai kể như vậy có tác dụng gì trong việc xây dựng nhân vật và thể hiện nội dung tư tưởng của truyện?

Gợi ý

Truyện được kể theo lời trần thuật của người bạn thân của ông Sáu. Cách chọn vai kể là người chứng kiến sự việc một cách khách quan có tác dụng tăng thêm tính chân thực của câu chuyện, dễ bày tỏ nhận xét, sự đồng cảm của người khác đối với các nhân vật trong truyện. Đồng thời đó cũng là cách thể hiện tốt nội dung tư tưởng của truyện.

II - Phần luyện tập

Bài tập 1. Thái độ và hành động của bé Thu đối với ba rất trái ngược trong những ngày đầu khi ông Sáu về thăm nhà và lúc ông sắp ra đi, nhưng vẫn nhất quán trong tính cách của nhân vật. Em hãy giải thích điều đó.

Gợi ý

Lúc đầu bé Thu xa lánh, lạnh lùng với cha, không chịu gọi “ba” vì bé chưa nhận ra cha mình. Khi đã nhận ra cha mình, bé Thu đã bộc lộ tình cảm với cha một cách mạnh mẽ, nồng nhiệt. Thái độ và hành động của bé trái ngược nhưng lại nhất quán trong tính cách: Thu là một cô bé rất yêu cha và khao khát có cha bên cạnh. Tình cảm của bé Thu được thể hiện một cách ngây thơ, hồn nhiên theo kiểu con trẻ.

Bài tập 2. Em hãy viết lại đoạn truyện kể về cuộc gặp gỡ cuối cùng của hai cha con ông Sáu theo lời hồi tưởng của một nhân vật khác (ông Sáu hoặc bé Thu).

Gợi ý

Lời kể của nhân vật nào (ông Sáu hoặc bé Thu) cũng đều phải thể hiện được tình cảm, sự xúc động của người trong cuộc.

Nếu theo hồi tưởng của ông Sáu, cần phải thể hiện được tình cảm của một người cha sau nhiều năm xa cách muốn gặp lại đứa con của mình, nôn nao, hồi hộp chờ đợi giây phút gặp gỡ đó. Khi gặp con nhưng con không nhận ra mình, không chịu nhận cha thì thèm được nghe con gọi một tiếng “ba”.

Nếu theo hồi tưởng của bé Thu, cần thể hiện diễn biến tâm trạng của bé từ sự lạnh nhạt, ương ngạnh, xét nét đến sự mạnh mẽ, nồng nhiệt, xúc động trào dâng lẫn với nỗi ân hận khi có những suy nghĩ, lời nói, hành động làm cho không vui.