CÁCH LÀM BÀI NGHỊ LUẬN VỀ MỘT VẤN ĐỀ TƯ TƯỞNG, ĐẠO LÍ

A. YÊU CẦU

- HS vận dụng sáng tạo phương pháp làm một bài nghị luận nói chung để làm một bài nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí cụ thể.

- Chú ý các thao tác lập luận, giải thích, chứng minh.

- Phải có suy nghĩ, thái độ riêng của mình trước một vấn đề đưa ra bàn luận.

B. GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI, BÀI TẬP

1- Phần bài học

ĐỀ BÀI NGHỊ LUẬN VỀ MỘT VẤN ĐỀ TƯ TƯỞNG, ĐẠO LÍ

Đọc các đề bài sau và trả lời câu hỏi (10 đề văn trong SGK).

Câu hỏi a. Các đề bài trên có điểm gì giống nhau? Chỉ ra sự giống nhau đó.

Gợi ý

Các đề bài trên giống nhau ở chỗ: đều đề cập đến một vấn đề thuộc tư tưởng, đạo lí của con người; đề diễn đạt ngắn gọn; chỉ nêu lên một tư tưởng đạo lí và ngầm đòi hỏi người viết lấy tư tưởng, đạo lí ấy làm vấn đề để viết một bài nghị luận.

Câu hỏi b. Mỗi em tự nghĩ ra một đề tương tự.

Gợi ý

Chẳng hạn:

- Tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái.

- Tinh thần vượt khó vươn lên.

- Bệnh lười biếng.

II - Phần luyện tập

Lập dàn bài cho đề 7 ở mục I. Lưu ý: đọc kĩ đề, tìm ý.

Gợi ý

- Học là hoạt động thu nhận kiến thức và hình thành kỹ năng, kĩ xảo, thói quen, thái độ, tình cảm,... Học có nhiều cách: học thầy, học bạn, tự học.

- Tự học là tự bản thân mình tìm hiểu, khám phá nội dung tri thức hay rèn luyện kĩ năng cần thiết tuỳ theo từng bài học, môn học.

- Nêu cao tinh thần tự học, không lệ thuộc quá nhiều vào thầy cô, bạn bè. Cần rèn luyện đức tính kiên trì, độc lập.

- Chỉ có nêu cao tinh thần tự học mới có thể nâng cao chất lượng học tập của mỗi người.

- Nêu một số tấm gương tự học.