MIÊU TẢ NỘI TÂM TRONG VĂN BẢN TỰ SỰ
A. YÊU CẦU
Nắm được:
- Miêu tả trong văn tự sự gồm miêu tả bên ngoài và miêu tả nội tâm. Miêu tả nội tâm là tái hiện những ý nghĩ, cảm xúc và diễn biến tâm trạng của nhân vật. Đó là biện pháp quan trọng để xây dựng nhân vật, làm cho nhân vật sinh động.
- Có thể miêu tả nội tâm trực tiếp bằng cách diễn tả những ý nghĩ, cảm xúc, tình cảm của nhân vật; cũng có thể miêu tả gián tiếp bằng cách miêu tả cảnh vật, nét mặt, cử chỉ, trang phục... của nhân vật.
B. GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI, BÀI TẬP
I- Phần bài học
TÌM HIỂU YẾU TỐ MIÊU TẢ NỘI TÂM TRONG VĂN BẢN TỰ SỰ
Bài tập 1. Đọc lại đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích, tr. 93 - 94 và thực hiện các yêu cầu sau:
a) Tìm những câu thơ tả cảnh và những câu thơ miêu tả tâm trạng của Thuý Kiều.
b) Những câu thơ tả cảnh có mối quan hệ như thế nào với việc thể hiện nội tâm nhân vật?
c) Miêu tả nội tâm có tác dụng như thế nào đối với việc khắc hoạ nhân vật trong văn bản tự sự?
Gợi ý
a) Những câu thơ tả cảnh trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích:
- Trước lầu Ngưng Bích khoá xuân
- Bốn bề bát ngát xa trông,
Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia.
Những câu thơ miêu tả tâm trạng:
- Bẽ bàng mây sớm đèn khuya,
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng.
- Xót người tựa cửa hôm mai,
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?
- Tưởng người dưới nguyệt chén đồng,
Tin sương luống những rày trông mai chờ.
Những câu thơ tả cảnh vật (qua tâm trạng buồn chán):
- Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung.
- Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.
b) Những câu thơ miêu tả cảnh có mối quan hệ mật thiết với việc miêu tả nội tâm nhân vật. Cảnh rộng, xa tạo nên sự mênh mang, vẻ trống vắng, đối lập với sự lẻ loi, tâm trạng cô đơn của nhân vật. Cảnh cánh buồm thấp thoáng, ngọn nước sa, hoa trôi, xanh xanh nội cỏ, gió cuốn, ầm ầm tiếng sóng thể hiện tâm trạng buồn chán, thân phận vô định, mịt mờ của nhân vật.
c) Miêu tả nội tâm trong văn bản tự sự có tác dụng khắc hoạ sinh động, chân thật hình tượng nhân vật, làm cho nội dung tác phẩm có chiều sâu.
II - Phần luyện tập
Bài tập 1. Thuật lại đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều, tr. 97 - 98 bằng văn xuôi, chú ý miêu tả nội tâm của nàng Kiều.
Gợi ý
- Đoạn văn xuôi thuật lại đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều cần phải đảm bảo được các chi tiết:
Mã Giám Sinh xuất hiện với ngoại hình “mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao” cùng với bọn đầy tớ láo nháo và được bà mối đưa vào lầu trong. Vào trong, Mã Giám Sinh “ngồi tót sỗ sàng”. Kiều được bà mối đưa ra giới thiệu với Mã Giám Sinh, Kiều trở thành món hàng khiến nàng rất đau đớn, tủi hổ. Mã Giám Sinh xem “hàng” và sự cò kè ngã giá.
- Em có thể chú ý đến những câu thơ miêu tả ngoại hình của Mã Giám Sinh:
+ Quá niên trạc ngoại tứ tuần,
Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao.
+ Ghế trên ngồi tót sỗ sàng
Những câu thơ tả nội tâm Thuý Kiều:
+ Nỗi mình thêm tức nỗi nhà,
Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng!
+ Ngại ngùng dợn gió e sương,
Ngừng hoa bóng thẹn, trông gương mặt dày.
Bài tập 2. Hãy đóng vai nàng Kiều viết đoạn văn kể lại việc báo ân báo oán, trong đó bộc lộ trực tiếp tâm trạng của Kiều lúc gặp lại Hoạn Thư.
Gợi ý
- Em cần đọc lại đoạn trích Thuý Kiều báo ân báo oán để nắm lại nội dung. Đặc biệt phần Kiều gặp Hoạn Thư.
- Ngôi thứ nhất trong đoạn văn là Kiều. Với vai Kiều, em kể lại việc mình báo oán Hoạn Thư như thế nào.
Bài tập 3. Ghi lại tâm trạng của em sau khi để xảy ra một chuyện có lỗi đối với bạn.
Gợi ý
- Chọn một chuyện có thật hoặc tự sáng tạo một chuyện mình có lỗi với bạn.
- Ghi lại tâm trạng của mình. Tâm trạng ấy có thể được thể hiện trực tiếp: buồn, hối hận,..., cũng có thể tâm trạng ấy được thể hiện gián tiếp thông qua miêu tả cảnh vật.