LUYỆN TẬP VIẾT ĐOẠN VĂN TỰ SỰ CÓ SỬ DỤNG YẾU TỐ NGHỊ LUẬN

A. YÊU CẦU

Luyện cách viết các đoạn văn tự sự có sử dụng yếu tố nghị luận.

B. GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI, BÀI TẬP

THỰC HÀNH TÌM HIỂU YẾU TỐ NGHỊ LUẬN TRONG ĐOẠN VĂN TỰ SỰ

Bài tập 1. Đọc đoạn văn Lỗi lầm và sự biết ơn(SGK). Trả lời câu hỏi:

Trong đoạn văn trên, yếu tố nghị luận thể hiện ở những câu văn nào? Chỉ ra vai trò của các yếu tố ấy trong việc làm nổi bật nội dung của đoạn văn.

Gợi ý

- Yếu tố nghị luận trong đoạn văn Lỗi lầm và sự biết ơn thể hiện ở câu trả lời của nhân vật được cứu: “Những điều viết lên cát sẽ mau chóng xoá nhoà theo thời gian, nhưng không ai có thể xoá được những điều tốt đẹp đã được ghi tạc trên đá, trong lòng người”, và câu nhắn nhủ của tác giả: “Vậy mỗi chúng ta hãy học cách viết những nỗi đau buồn, thù hận lên cát và khắc ghi những ân nghĩa lên đá”.

- Những yếu tố nghị luận này làm cho câu chuyện thêm sâu sắc.

THỰC HÀNH VIẾT ĐOẠN VĂN TỰ SỰ CÓ SỬ DỤNG YẾU TỐ NGHỊ LUẬN

Bài tập 1. Viết một đoạn văn kể lại buổi sinh hoạt lớp. Trong buổi sinh hoạt đó, em đã phát biểu ý kiến để chứng minh Nam là một người bạn rất tốt.

Gợi ý

Em hãy đưa ra một giả định: buổi sinh hoạt lớp có nói về trường hợp của bạn Nam. Có bạn hiểu lầm hoặc cố ý đặt điều để nói xấu Nam. Ví dụ: Nam giúp đỡ một bạn trong lớp để học tốt hơn môn Toán, nhưng có bạn lại cho rằng Nam làm như thế chỉ vì muốn thể hiện năng lực học tập của mình. Em hãy đưa ra lí lẽ và dẫn chứng của mình để bảo vệ Nam.

Bài tập 2. Viết một đoạn văn kể về những việc làm hoặc những lời dạy bảo giản dị mà sâu sắc của người bà kính yêu đã làm cho em cảm động (trong đoạn văn có sử dụng yếu tố nghị luận).

Gợi ý

Viết đoạn văn, em cần chú ý:

- Đoạn văn kể chuyện về bà, có thể đó là câu chuyện, là sự việc nói về tính cách của bà hoặc tình cảm của bà đối với con, cháu.

- Xen kẽ câu chuyện, sự việc hoặc khi kết thúc đoạn văn em cần sử dụng yếu tố nghị luận. Yếu tố ấy có thể là lời bình luận của em hoặc của mọi người về bà.