Bài 26. TỔNG KẾT PHẦN VĂN BẢN NHẬT DỤNG

A. MỤC TIÊU CẦN ĐẠT

1. HS hệ thống hoá được chủ đề của các văn bản nhật dụng trong chương trình Ngữ văn Trung học cơ sở, nắm được một số đặc điểm cần lưu ý của văn bản nhật dụng và cách viết văn bản nhật dụng.

2. Rèn luyện kĩ năng hệ thống hoá, kĩ năng viết các văn bản nhật dụng.

B. HƯỚNG DẪN HỌC BÀI

I. Khái niệm, nội dung và hình thức của văn bản nhật dụng

1. Khái niệm

HS đọc kĩ khái niệm văn bản trong SGK. Lưu ý:

- Văn bản nhật dụng không phải là một kiểu loại riêng (như miêu tả, tự sự, biểu cảm,...) mà gồm nhiều kiểu văn bản. Thông thường, nó bao gồm: đơn, thư, nhật kí, biên bản, ghi chép cá nhân,...

- Văn bản nhật dụng có tính cập nhật: kịp thời đáp ứng đòi hỏi của cuộc sống hằng ngày; giúp HS hoà nhập với cộng đồng xã hội; đảm bảo được tính thiết thực trong dạy học Ngữ văn.

2. Nội dung các văn bản đã học

- Di tích lịch sử: Cầu Long Biên - chứng nhân lịch sử.

- Danh lam thắng cảnh: Động Phong Nha.

- Quan hệ giữa tự nhiên và con người: Bức thư của thủ lĩnh da đỏ.

- Giáo dục về vai trò của người phụ nữ: Cổng trường mở ra, Mẹ tôi, Cuộc chia tay... búp bê.

- Văn hoá: Ca Huế trên sông Hương.

- Môi trường: Thông tin về ngày trái đất năm 2000.

- Tệ nạn ma tuý, thuốc lá: Ôn dịch thuốc lá.

- Dân số và tương lai loài người: Bài toán dân số.

- Quyền sống của con người: Tuyên bố thế giới...về trẻ em.

- Bảo vệ hoà bình, chống chiến tranh: Đấu tranh cho một thế giới hoà bình.

- Hội nhập với thế giới và giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc: Phong cách Hồ Chí Minh.

Chú ý: Tuy có tính cập nhật song những văn bản trên đều viết về những vấn đề xã hội có ý nghĩa lâu dài.

3. Hình thức văn bản nhật dụng

3.1. Trình bày dưới những hình thức văn bản đa dạng:

+ Tác phẩm văn chương có ít nhiều hư cấu.

+ Thư.

+ Bút kí, hồi kí.

+ Thông báo, công bố, xã luận.

3.2. Một số văn bản có sự kết hợp khá nhuần nhuyễn các phương thức biểu đạt:

+ Tự sự với miêu tả.

+ Thuyết minh với miêu tả.

+ Tự sự, miêu tả với biểu cảm.

+ Nghị luận với biểu cảm.

+ Thuyết minh, nghị luận với biểu cảm.

+ Bài mang tính hành chính có nhiều yếu tố nghị luận.

(HS dựa vào SGK và các bài đã học, điền tên các bài học vào mỗi tiêu mục trên và suy nghĩ, kiểm nghiệm về đặc điểm của mỗi tác phẩm và đặc trưng của văn bản nhật dụng).

II. PHƯƠNG PHÁP HỌC VĂN BẢN NHẬT DỤNG

Đọc các mục 1 - 5 trong SGK.

Lưu ý: Muốn học tốt văn bản nhật dụng, cần ghi nhớ các hình thức và thể thức của nó, đồng thời luyện tập tốt để tạo thành thói quen.