ÔN TẬP VỀ THƠ

A. YÊU CẦU

- Hệ thống hoá kiến thức cơ bản về các tác phẩm thơ hiện đại Việt Nam đã học trong chương trình Ngữ văn 9. Củng cố những tri thức về thơ trữ tình đã học trong chương trình Ngữ văn 9 và các lớp dưới. Bước đầu hình thành những hiểu biết sơ lược về đặc điểm và thành tựu thơ Việt Nam từ sau Cách mạng tháng Tám 1945.

- Rèn kĩ năng phân tích thơ.

B. GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI, BÀI TẬP

Bài tập 1. Lập bảng thống kê các tác phẩm thơ hiện đại Việt Nam đã học trong sách Ngữ văn 9 (cả hai tập) theo mẫu và theo Lưu ý trong SGK tập 2, trang 89.

Gợi ý

TT Tên bài thơ Tác giả Năm sáng tác Thể thơ Tóm tắt nội dung Đặc sắc nghệ thuật
1 Đồng chí Chính Hữu 1948 Tự do Tình đồng chí của những người lính dựa trên cơ sở cùng chung cảnh ngộ và lí tưởng chiến đấu, được thể hiện thật tự nhiên, bình dị mà sâu sắc trong mọi hoàn cảnh; nó góp phần quan trọng tạo nên sức mạnh và vẻ đẹp tinh thần của người lính cách mạng. Chi tiết, hình ảnh, ngôn ngữ giản dị, chân thực, cô đọng và giàu sức biểu cảm.
2 Bài thơ về tiểu đội xe không kính Phạm Tiến Duật 1969 Tự do Qua hình ảnh độc đáo - những chiếc xe không kính, bài thơ khắc hoạ nổi bật hình ảnh những người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn trong thời kì kháng chiến chống Mĩ với tư thế hiên ngang, tinh thần dũng cảm và ý chí chiến đấu ngoan cường. Chất liệu hiện thực sinh động, hình ảnh độc đáo, giọng điệu tự nhiên, khoẻ khoắn, giàu tính khẩu ngữ.
3 Đoàn thuyền đánh cá Huy Cận 1958 Bảy chữ Những bức tranh đẹp, rộng lớn, tráng lệ về thiên nhiên, vũ trụ và người lao động trên biển cả theo hành trình ra khơi đánh cá của đoàn thuyền. Qua đó thể hiện cảm xúc về thiên nhiên và lao động, niềm vui trong cuộc sống mới. Nhiều hình ảnh đẹp, rộng lớn, được sáng tạo bằng liên tưởng và tưởng tượng; âm hưởng khoẻ khoắn,lạc quan.
4 Bếp lửa Bằng Việt 1963 Kết hợp bảy chữ và tám chữ Những kỉ niệm đầy xúc động về tình bà cháu; thể hiện lòng kính yêu trân trọng và biết ơn của cháu đối với bà và cũng là đối với gia đình, quê hương, đất nước. Kết hợp giữa biểu cảm với miêu tả và bình luận; sáng tạo hình ảnh bếp lửa gắn liền với hình ảnh người bà.
5 Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ Nguyễn Khoa Điềm 1971 Chủ yếu tám chữ Thể hiện tình yêu thương con của người mẹ dân tộc Tà-ôi gắn liền với lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu và khát vọng về tương lai. Khai thác điệu ru ngọt ngào, trìu mến.
6 Ánh trăng Nguyễn Duy

1978

Năm chữ Từ hình ảnh ánh trăng trong thành phố, gợi lại những năm tháng đã qua của cuộc đời người lính gắn bó với thiên nhiên, đất nước bình dị, nhắc nhở thái độ sống tình nghĩa, thuỷ chung. Hình ảnh bình dị mà giàu ý nghĩa biểu tượng; giọng điệu chân thành, nhỏ nhẹ mà thấm sâu.
7 Con cò Chế Lan Viên 1962 Tự do Từ hình tượng con cò trong những lời hát ru, bài thơ ngợi ca tình mẹ; và ý nghĩa của lời ru đối với đời sống của mỗi con người. Vận dụng sáng tạo hình ảnh và giọng điệu ca dao.
8 Mùa xuân nho nhỏ Thanh Hải 1980 Năm chữ Cảm xúc trước mùa xuân của thiên nhiên và đất nước, thể hiện ước nguyện chân thành góp mùa xuân nhỏ của đời mình vào cuộc đời chung. Nhạc điệu trong sáng, tha thiết, gần với dân ca; hình ảnh đẹp giản dị; những so sánh, ẩn dụ sáng tạo.
9 Viếng lăng Bác Viễn Phương 1976 Tám chữ Lòng thành kính và niềm xúc động sâu sắc của nhà thơ đối với Bác Hồ trong một lần từ miền Nam ra viếng lăng Bác. Giọng điệu trang trọng và tha thiết, nhiều hình ảnh ẩn dụ đẹp và gợi cảm; ngôn ngữ bình dị, cô đúc.
10 Sang thu Hữu Thỉnh Sau 1975 Năm chữ Biến chuyển của thiên nhiên lúc giao mùa từ hạ sang thu qua sự cảm nhận tinh tế của nhà thơ. Hình ảnh thiên nhiên được gợi tả bằng nhiều cảm giác tinh nhạy; ngôn ngữ chính xác, gợi cảm.
11 Nói với con Y Phương Sau 1975 Tự do Bằng lời trò chuyện với con, bài thơ thể hiện sự gắn bó, niềm tự hào về quê hương và đạo lí của dân tộc. Cách nói giàu hình ảnh, vừa cụ thể, gợi cảm vừa gợi ý nghĩa sâu xa.
12 Mây và sóng Ta-go 1909 Tự do (bản dịch) Qua lời trò chuyện của em bé với người mẹ, bài thơ thể hiện lòng kính yêu mẹ vô hạn của người con, ca ngợi tình mẫu tử. Lời thơ mang giọng điệu và ngôn ngữ hồn nhiên của trẻ thơ, nhiều hình ảnh đẹp, giàu sức tưởng tượng và gợi cảm.

Bài tập 2. (SGK tập 2, trang 89)

Gợi ý

- Các tác phẩm thơ thống kê ở trên đều là thơ Việt Nam từ sau cách mạng tháng Tám 1945:

a) Giai đoạn kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954): Đồng chí.

b) Giai đoạn hoà bình sau cuộc kháng chiến chống Pháp (1954 - 1964): Đoàn thuyền đánh cá, Bếp lửa, Con cò.

c) Giai đoạn kháng chiến chống Mĩ (1964 - 1975): Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ.

d) Giai đoạn từ sau năm 1975: Ánh trăng, Mùa xuân nho nhỏ, Viếng lăng Bác, Nói với con, Sang thu.

- Các tác phẩm thơ nêu ở trên đã thể hiện hiện thực về cuộc sống đất nước trong giai đoạn này. Đó là hiện thực về một đất nước và dân tộc nhiều gian khổ, hi sinh và vô cùng anh dũng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ; hiện thực về những con người Việt Nam trong công cuộc lao động, xây dựng đất nước với truyền thống cần cù và tinh thần làm chủ đất nước.

Những tác phẩm thơ cũng đã thể hiện được nét đẹp về tâm hồn, tình cảm, tư tưởng của con người Việt Nam trong một thời kì lịch sử có nhiều biến động lớn lao, nhiều đổi thay sâu sắc. Đó là: tình yêu quê hương, tình đồng chí, sự gắn bó với cách mạng, lòng kính yêu Bác Hồ, tình mẹ con, bà cháu trong sự thống nhất với tình cảm chung rộng lớn.

Bài tập 3. Nhận xét về những điểm chung và nét riêng trong nội dung và cách biểu hiện tình mẹ con trong các bài thơ: Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ, Con cò, Mây và sóng.

Gợi ý

- Ba bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ, Con cò, Mây và sóng đều có điểm chung là đề cập đến tình mẹ con, đều ngợi ca tình mẹ con thắm thiết, thiêng liêng. Nhưng nội dung tình cảm, cảm xúc ở mỗi bài lại mang nét riêng biệt:

+ Bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ thể hiện sự thống nhất của tình yêu con với lòng yêu nước, gắn bó với cách mạng của người mẹ dân tộc Tà-ôi trong hoàn cảnh hết sức gian khổ ở chiến khu miền tây Thừa Thiên trong thời kì kháng chiến chống Mĩ.

+ Bài thơ Con cò: từ hình tượng con cò trong ca dao, tác giả ca ngợi tình mẹ. Ý nghĩa của bài thơ vì thế mà được nâng lên cao hơn, sâu sắc hơn.

+ Bài thơ Mây và sóng hoá thân vào lời trò chuyện hồn nhiên, ngây thơ của em bé với mẹ để thể hiện tình yêu mẹ thắm thiết của em bé. Mẹ đối với em bé là vẻ đẹp, niềm vui, sự hấp dẫn lớn nhất, sâu xa và vô tận hơn tất cả những điều hấp dẫn khác trong vũ trụ, trên cuộc đời này.

- Cách thể hiện ở ba bài thơ cũng có điểm gần gũi đó là dùng điệu ru, lời ru của người mẹ hoặc lời của em bé nói với mẹ.

Bài tập 4. Nhận xét về hình ảnh người lính và tình đồng đội của họ trong các bài thơ: Đồng chí, Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Ánh trăng.

Gợi ý

Cả ba bài thơ: Đồng chí, Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Ánh trăng đều viết về vẻ đẹp tâm hồn và tính cách của người lính cách mạng, nhưng mỗi bài lại khai thác những phẩm chất đáng yêu này trong những hoàn cảnh khác nhau.

- Bài thơ Đồng chí: Nói về người lính trong thời kì đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Họ xuất thân là nông dân, từ những làng quê nghèo khó, tình nguyện và hăng hái đi chiến đấu. Tình đồng chí giữa họ dựa trên cơ sở cùng chung cảnh ngộ, cùng chia sẻ những gian lao, thiếu thốn và cùng lí tưởng chiến đấu. Bài thơ tập trung thể hiện vẻ đẹp và sức mạnh của tình đồng chí ở những người lính cách mạng.

- Bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính: Nhà thơ khắc hoạ hình ảnh những chiến sĩ lái xe trên tuyến đường Trường Sơn. Họ là những người lính tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Bài thơ làm nổi bật tinh thần dũng cảm, niềm lạc quan yêu đời và ý chí chiến đấu giải phóng miền Nam của họ.

- Bài thơ Ánh trăng là tâm sự của người lính đã đi qua cuộc chiến tranh, nay sống giữa thành phố, trong hoà bình. Bài thơ nhắc nhở về đạo lí nghĩa tình, thuỷ chung bằng cách gợi lại những kỉ niệm gắn bó của người lính với đất nước, với đồng đội trong những năm tháng gian lao của thời chiến tranh.

Bài tập 5. Nhận xét bút pháp xây dựng hình ảnh thơ trong các bài: Đoàn thuyền đánh cá (Huy Cận), Ánh trăng (Nguyễn Duy), Mùa xuân nho nhỏ (Thanh Hải), Con cò (Chế Lan Viên).

Gợi ý

Bút pháp xây dựng hình ảnh thơ ở một số bài thơ:

- Bài Đồng chí sử dụng bút pháp tả thực, tác giả đưa vào bài thơ những chi tiết có thực của đời sống người lính (nước mặn đồng chua, đất cày lên sỏi đá, đêm rét chung chăn, áo rách, quần tôi có vài mảnh vá, chân không giày,..).

Hình ảnh "đầu súng trăng treo" ở cuối bài thơ là một hình ảnh đẹp và giàu ý nghĩa biểu trưng, nhưng cũng rất thực.

- Bài Đoàn thuyền đánh cá lại chủ yếu dùng bút pháp tượng trưng, phóng đại với nhiều liên tưởng, tưởng tượng, so sánh mới mẻ, độc đáo (mặt trời xuống biển như hòn lửa, sóng cài then, đệm sập cửa, thuyền ta lái gió, buồm trăng,...).

- Bài thơ về tiểu đội xe không kính sử dụng bút pháp hiện thực, miêu tả rất cụ thể, chi tiết từ hình dáng chiếc xe không kính đến cảm giác và sinh hoạt của người lái xe.

- Bài ánh trăng có những hình ảnh, chi tiết rất thực và bình dị, nhưng chủ yếu dùng bút pháp gợi tả, không đi vào chi tiết mà hướng tới ý nghĩa khái quát và biểu tượng của hình ảnh.

Tóm lại, mỗi bút pháp xây dựng hình ảnh thơ của các bài thơ trên đều có giá trị riêng và phù hợp với tư tưởng cảm xúc của mỗi bài và phong cách từng tác giả.