Bài 12 KHÚC HÁT RU NHỮNG EM BÉ LỚN TRÊN LƯNG MẸ

A. YÊU CẦU

HS cảm nhận được:

- Bài thơ thể hiện tình yêu thương con gắn với lòng yêu nước, với tinh thần chiến đấu và những ước mong chân thành của một người mẹ Tà-ôi miền tây Thừa Thiên.

- Bài thơ có âm điệu ngọt ngào, thiết tha. Bài thơ có bố cục chặt chẽ, đặc sắc.

B. GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI, BÀI TẬP

1- Phần bài học

Câu hỏi 1. Bài thơ là lời hát ru những em bé dân tộc Tà-ôi “lớn trên lưng mẹ” ở vùng chiến khu Trị - Thiên khi cuộc kháng chiến chống Mĩ đang diễn ra ác liệt. Lời hát ru có ba khúc, mỗi khúc có hai khổ và đều mở đầu bằng hai câu: “Em cu Tai... đừng rời lưng mẹ” rồi kết thúc bằng lời ru trực tiếp của người mẹ: “Ngủ ngoan a-kay ơi...” (bốn câu). Từng lời ru trực tiếp của người mẹ được ngắt nhịp đều đặn ở giữa dòng thơ. Theo em, cách lặp đi lặp lại, cách ngắt nhịp như thế có tác dụng tạo nhịp điệu như thế nào cho lời ru, có liên quan gì đến nội dung tình cảm của bài thơ?

Gợi ý

Bài thơ là lời hát ru những em bé dân tộc Tà-ôi “lớn trên lưng mẹ” ở vùng chiến khu Trị - Thiên khi cuộc kháng chiến chống Mĩ đang diễn ra ác liệt. Lời hát ru có ba khúc, mỗi khúc có hai khổ và đều mở đầu bằng hai câu: “Em cu Tai... đừng rời lưng mẹ” rồi kết thúc bằng lời ru trực tiếp của người mẹ: “Ngủ ngoan a-kay ơi...” (bốn câu). Từng lời ru trực tiếp của người mẹ được ngắt nhịp đều đặn ở giữa dòng thơ. Cách lặp đi lặp lại, cách ngắt nhịp như thế có tác dụng tạo được nhịp đều đặn, nhịp nhàng, sự tha thiết của lời ru. Tuy mỗi khúc ru có sự lặp lại nhưng cũng có sự phát triển. Lời ru của tác giả, lời ru của mẹ, hai lời ru quấn quýt, thể hiện tình cảm của mẹ, của mọi người đối với em, thể hiện lòng mong ước cho em lớn khôn, khoẻ mạnh, thành công dân tự do của nước nhà độc lập, thống nhất.

Câu hỏi 2. Phân tích hình ảnh người mẹ Tà ôi trong bài thơ. (Gợi ý: Qua từng đoạn thơ, người mẹ được miêu tả trong những công việc gì, hoàn cảnh nào? Tìm những chi tiết, hình ảnh thể hiện sự vất vả, gian khổ của người mẹ ở chiến khu.)

Gợi ý

Người mẹ Tà-ôi ru con ngủ, nhưng đồng thời mẹ cũng làm công việc của kháng chiến, của cách mạng: mẹ giã gạo, tỉa bắp góp phần nuôi bộ đội, mẹ chuyển lán, đạp rừng và mẹ cùng các anh trai, chị gái tham gia kháng chiến chống giặc Mĩ.

Tình thương con của người mẹ luôn gắn liền với tình thương bộ đội, thương dân làng và lòng yêu nước, khát khao độc lập, tự do.

Câu hỏi 3. Em hiểu như thế nào về hai câu thơ: “Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi / Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng”? Phân tích tình cảm của người mẹ đối với con ở câu thơ thứ hai.

Gợi ý

“Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi” - mặt trời của bắp là mặt trời tự nhiên đem ánh sáng, sức sống đến cho cây cối. “Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng” - em cu Tai là mặt trời của mẹ, em cũng đem cho mẹ ánh sáng hi vọng và niềm tin vào tương lai tươi sáng.

Em cu Tai, mặt trời của mẹ gần gũi ngay trên lưng mẹ. Câu thơ thể hiện tình yêu con tha thiết của người mẹ.

Câu hỏi 4. Qua các khúc ru, em cảm nhận tình cảm của người mẹ đối với con như thế nào? Nhận xét về mối liên hệ giữa lời ru trực tiếp của người mẹ với hoàn cảnh công việc mà mẹ đang làm ở từng đoạn thơ, về sự phát triển của tình cảm và ước vọng của người mẹ qua ba khúc ru.

Gợi ý

Khúc ru thể hiện tình cảm yêu thương con tha thiết và niềm ước mong của người mẹ đối với con. Tình cảm ấy gắn liền với tình yêu thương bộ đội, dân làng, quê hương, đất nước và niềm khát vọng độc lập, thống nhất đất nước.

Mối quan hệ giữa lời ru trực tiếp của người mẹ với hoàn cảnh, công việc mà mẹ đang làm là mối quan hệ tự nhiên, hợp lí. Ước mong của một người lao động, người chiến sĩ luôn gắn bó với ước mong của một người mẹ: mẹ giã gạo, mẹ mong “hạt gạo trắng ngần” và mong “mai sau con lớn vung chày lún sân”; mẹ tỉa bắp, mẹ mong “hạt bắp lên đều” và mong “mai sau con lớn phát mười Ka-lưi”; mẹ địu con cùng đi đánh giặc và mẹ mong “mẹ được thấy Bác Hồ” và mong “con lớn làm người Tự do”.

Tình yêu thương con rất riêng của người mẹ được đẩy lên mức cao hơn, lớn hơn, chung hơn, đó là tình yêu nước “Mẹ thương a-kay, mẹ thương đất nước”. Tình cảm của người mẹ lúc này là tình cảm của một người dân yêu nước.

Câu hỏi 5. Em thấy tình yêu thương con của người mẹ gắn với những tình cảm gì? Em hiểu như thế nào về những ước mong, ý chí của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mĩ được thể hiện trong các khúc ru?

Gợi ý

Tình yêu thương con của người mẹ gắn với tình yêu bộ đội, yêu quê hương, đất nước, thương đất nước gian khổ trong chiến tranh.

Khúc hát ru thể hiện ý chí, khát vọng của người Việt Nam yêu nước. Đó là ý chí chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, là khát vọng tự do, độc lập, thống nhất nước nhà.

II - Phần luyện tập

Bài tập. Nhận xét về ý nghĩa của yếu tố tự sự trong bài thơ đối với việc thể hiện cuộc sống của người dân ở chiến khu Trị - Thiên thời chống Mĩ.

Gợi ý

Bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ là một bài thơ trữ tình có những yếu tố tự sự. Những yếu tố tự sự miêu tả chân thực cuộc sống của người dân ở chiến khu miền tây Thừa Thiên trong thời kháng chiến chống Mĩ. Trước hết đó là cuộc sống mang nét đặc trưng của đồng bào dân tộc Tà-ôi: địu con, làm nương rẫy... Đấy cũng là một cuộc sống nhiều khó khăn, gian khổ của đồng bào ở chiến khu này. Đó là nỗi vất vả: “Mẹ đang chuyển lán, mẹ đi đạp rừng”, là sự thiếu thốn: “Từ trong đói khổ em vào Trường Sơn”, “mẹ thương làng đói”,... Tuy nhiên, đồng bào vẫn luôn hướng về Bác, về Đảng, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để đánh giặc giành lại cuộc sống tự do, độc lập.