Bài 10. ĐỒNG CHÍ

A. YÊU CẦU

HS cảm nhận được:

- Bài thơ nói về tình đồng chí của những người lính cách mạng trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp gian khổ, nhiều khó khăn, thiếu thốn. Đó là tình đồng đội gắn bó thắm thiết của những người nông dân mặc áo lính, cùng chung lí tưởng chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Tình cảm ấy đã tạo nên sức mạnh và vẻ đẹp tinh thần của người lính.

- Hình tượng người lính cách mạng và sự gắn bó keo sơn của họ đã được thể hiện qua các chi tiết, hình ảnh, ngôn ngữ giản dị, chân thực, cô đọng và giàu sức biểu cảm.

B. GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI, BÀI TẬP

I- Phần bài học

Câu hỏi 1. Dòng thứ bảy của bài thơ có gì đặc biệt? Mạch cảm xúc và suy nghĩ trong bài thơ được triển khai như thế nào trước và sau dòng thơ đó?

Gợi ý

Dòng thứ bảy của bài thơ chỉ có một từ “Đồng chí!” gây ấn tượng khác biệt so với các dòng thơ khác. Trước và sau dòng thơ này, mạch cảm xúc và suy nghĩ trong bài thơ được triển khai theo chiều từ cái riêng (“anh”, “tôi”) đến cái chung, sự gắn bó (“thành đôi tri kỉ”, “thương nhau”). Bài thơ có thể chia thành hai phần:

- Phần đầu (17 câu): Cơ sở hình thành và phát triển của tình đồng chí.

- Phần cuối (còn lại): Vẻ đẹp của người chiến sĩ trong tình đồng chí chiến đấu vì hoà bình.

Câu hỏi 2. Sáu dòng đầu bài thơ đã nói về cơ sở hình thành tình đồng chí của những người lính cách mạng. Cơ sở ấy là gì?

Gợi ý

Cơ sở để hình thành tình đồng chí của người lính cách mạng là cùng xuất thân từ làng quê nghèo khó, cùng chung giai cấp (họ đều là những người nông dân mặc áo lính), cùng chung lòng yêu nước, chung lí tưởng chiến đấu, cùng chung sự thiếu thốn, gian khổ của người lính trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp.

Câu hỏi 3. Hãy tìm trong bài thơ những chi tiết, hình ảnh biểu hiện tình đồng chí, đồng đội làm nên sức mạnh tinh thần của những người lính cách mạng. Phân tích ý nghĩa, giá trị của những chi tiết, hình ảnh đó.

Gợi ý

Những hình ảnh, chi tiết thể hiện tình đồng chí, đồng đội của những người lính một cách cụ thể:

- Súng bên súng, đầu sát bên đầu,

Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ.

- Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh

Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi.

- Thương nhau tay nắm lấy bàn tay.

- Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới.

Những câu thơ đối ứng nhau, những hình ảnh sóng đôi: “anh với tôi”, “đầu sát bên đầu”, “tay nắm lấy bàn tay”, “cạnh bên nhau”,... thể hiện sự gắn bó keo sơn, tình cảm thắm thiết, thương yêu nhau của những người lính cách mạng.

Những người lính “chân đất áo nâu” ấy cũng có tinh thần yêu nước, có lí tưởng cách mạng, họ chung nhau, sẻ chia với nhau những khó khăn, thiếu thốn, giúp nhau những lúc ốm đau và cả những nguy hiểm khi đánh giặc. Đó là tình cảm thiêng liêng, cao đẹp, tạo nên sức mạnh chiến thắng kẻ thù.

Câu hỏi 4.

Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo.

Những câu thơ trên gợi cho em suy nghĩ gì về người lính và cuộc chiến đấu?

Hãy phân tích vẻ đẹp và ý nghĩa của hình ảnh trong những câu thơ ấy.

Gợi ý

Hình ảnh: đêm, rừng hoang sương muối, người lính, khẩu súng và vầng trăng tạo nên bức tranh vừa hiện thực vừa lãng mạn. Hiện thực về những gian khổ, thiếu thốn của cuộc kháng chiến, của đời sống người lính. Chất lãng mạn được thể hiện trong câu thơ “Đầu súng trăng treo” - hình ảnh này mang tính chất tượng trưng: người chiến sĩ chiến đấu cho hoà bình, độc lập của dân tộc.

Câu hỏi 5. Theo em, vì sao tác giả lại đặt tên cho bài thơ về tình đồng đội của những người lính là Đồng chí?

Gợi ý

Bài thơ nói về tình đồng đội của những người lính nhưng tác giả lại đặt tên là Đồng chí, vì nếu đặt tên là đồng đội thì mới chỉ dừng lại ở tình cảm của những người lính cùng đơn vị, cùng đội ngũ; còn đặt tên là đồng chí là chỉ những người cùng một chí hướng, cùng chung lí tưởng. Đây mới là chủ đề của bài thơ.

Tiêu đề bài thơ là “Đồng chí” còn là cách nhấn mạnh cơ sở giai cấp, lí tưởng chiến đấu của những người lính cách mạng. Tình đồng chí là cốt lõi, là bản chất sâu xa của sự gắn bó giữa những người lính ấy.

Câu hỏi 6. Qua bài thơ này, em có cảm nhận gì về hình ảnh anh bộ đội thời kháng chiến chống Pháp?

Gợi ý

Hình ảnh anh bộ đội thời kháng chiến chống Pháp là một hình ảnh chân thực, giản dị, mộc mạc, tình cảm đồng đội gắn bó và thiêng liêng. Tình đồng chí đoàn kết gắn bó là vẻ đẹp tinh thần, là sức mạnh giúp các anh chiến thắng kẻ thù.

II - Phần luyện tập

Bài tập 2. Viết một đoạn văn trình bày cảm nhận của em về đoạn cuối bài thơ Đồng chí (“Đêm nay ... trăng treo”).

Gợi ý

Đoạn văn có thể trình bày cảm nhận:

- Trong nền của rừng đêm lạnh giá là hình ảnh gắn bó giữa người lính, khẩu súng và vầng trăng. Sức mạnh tình đồng đội đã giúp những người lính vượt lên sự gian khổ, khó khăn.

- Hình ảnh “đầu súng trăng treo” mang ý nghĩa biểu tượng, gợi những liên tưởng phong phú, súng và trăng, gần và xa, thực tại và mơ mộng, hiện thực và lí tưởng, chiến sĩ và thi sĩ...