LIÊN KẾT CÂU VÀ LIÊN KẾT ĐOẠN VĂN
A. YÊU CẦU
- Các em phải nắm được: các câu trong một đoạn văn và các đoạn văn trong một văn bản phải liên kết chặt chẽ với nhau về mặt nội dung cũng như hình thức.
- Nhận biết liên kết nội dung và hình thức giữa các câu trong đoạn văn và giữa các đoạn văn trong một văn bản. Nhận biết một số biện pháp liên kết thường dùng.
B. GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI, BÀI TẬP
I - Phần bài học
KHÁI NIỆM LIÊN KẾT
Đọc đoạn văn sau (Nguyễn Đình Thi, Tiếng nói của văn nghệ ), trả lời câu hỏi (SGK).
Câu hỏi 1. Đoạn văn trên bàn về vấn đề gì? Chủ đề ấy có quan hệ như thế nào với chủ đề chung của văn bản?
Gợi ý
Đoạn văn trên bàn về cách người nghệ sĩ phản ánh thực tại. Đây là một trong những nội dung ghép vào chủ đề chung của văn bản Tiếng nói của văn nghệ.
Câu hỏi 2. Nội dung chính của mỗi câu trong đoạn văn trên là gì? Những nội dung ấy có quan hệ như thế nào với chủ đề của đoạn văn? Nêu nhận xét về trình tự sắp xếp các câu trong đoạn văn.
Gợi ý
- Nội dung chính của câu (1) là tác phẩm nghệ thuật gắn liền với thực tại, của câu (2) là nghệ sĩ có đóng góp phần mới mẻ của mình vào đó, của câu (3) là những cách thức khác nhau để thực hiện sự đóng góp đó.
- Ba nội dung trên đều hướng vào chủ đề của đoạn văn.
- Các câu được sắp xếp theo nội dung từ rộng đến hẹp, từ xa đến gần. Trình tự nội dung của các câu ấy được sắp xếp hợp lô gíc.
Câu hỏi 3. Mối quan hệ chặt chẽ về nội dung giữa các câu trong đoạn văn được thể hiện bằng những biện pháp nào (chú ý các từ ngữ in đậm)?
Gợi ý
Mối quan hệ giữa nội dung của các câu trong đoạn văn thể hiện ở sự lặp các từ tác phẩm - tác phẩm, dùng từ cùng trường liên tưởng với tác phẩm là nghệ sĩ, thay thế từ nghệ sĩ bằng anh, dùng quan hệ từ nhưng.
Các câu này được liên kết với nhau về mặt hình thức.
+ Câu 2 liên kết với câu 1 bằng cụm từ "nhưng nghệ sĩ". Nó bổ sung một nội dung mới cho nội dung của câu 1. Mặt khác, câu 2 có cụm từ "cái đã có rồi" nhắc lại nội dung đã đề cập ở câu 1 cũng là cách tạo nên mối liên kết giữa hai câu này.
+ Câu 3 lại liên kết với câu 2 bằng cách thay thế từ "anh" cho từ "nghệ sĩ". Mặt khác, từ "tác phẩm" ở câu 3 cũng tạo nên mối liên kết với câu 2 bởi vì giữa nghệ sĩ và tác phẩm có mối quan hệ với nhau.
II - Phần luyện tập
Phân tích sự liên kết về nội dung, về hình thức giữa các câu trong đoạn văn sau theo gợi ý nêu ở dưới (Vũ Khoan, Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới - SGK).
Câu hỏi 1. Chủ đề của đoạn văn là gì? Nội dung các câu trong đoạn văn phục vụ chủ đề ấy như thế nào? Nêu một trường hợp cụ thể để thấy trình tự sắp xếp các câu trong đoạn văn là hợp lí.
Gợi ý
- Chủ đề của đoạn văn: chỗ mạnh của con người Việt Nam là năng lực trí tuệ tốt và chỗ yếu cần khắc phục đó là sự thiếu hụt về kiến thức, khả năng thực hành và sáng tạo hạn chế do cách học thiếu khoa học.
- Nội dung các câu trong đoạn văn đều tập trung vào chủ đề đó.
- Các câu được sắp xếp theo trình tự hợp lí. Luận điểm được triển khai theo mạch ý trong các câu:
+ Câu 1: Mặt mạnh của con người Việt Nam.
+ Câu 2: Chỉ rõ tác dụng của mặt mạnh đó.
+ Câu 3 là câu có tính chất chuyển.
+ Câu 4 và 5: Những tồn tại của con người Việt Nam cần khắc phục để đáp ứng sự phát triển của nền kinh tế mới.
Câu hỏi 2. Các câu được liên kết với nhau bằng những phép liên kết nào?
Gợi ý
- Câu 2 liên kết với câu 1 bằng phép thế (từ ngữ thay thế ấy).
- Câu 3 liên kết với câu 2 bằng phép nối (từ chỉ quan hệ nhưng).
- Câu 4 nối với cấu 3 bằng phép thế (từ thay thế ấy).
- Câu 5 nối với câu 4 bằng phép lặp từ ngữ (từ lỗ hổng).