CÁC THÀNH PHẦN BIỆT LẬP (tiếp theo)

A. YÊU CẦU

- HS nhớ được những điều SGK trình bày trong mục Ghi nhớ (tr. 32).

- Nhận biết hai thành phần biệt lập này.

- Vận dụng để đặt câu có thành phần biệt lập gọi - đáp và phụ chú.

B. GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI, BÀI TẬP

I - Phần bài học

THÀNH PHẦN GỌI - ĐÁP

Câu hỏi 1. (Các đoạn trích trích từ truyện ngắn Làng của Kim Lân, SGK tập 2, trang 31)

Trong những từ ngữ in đậm trên đây, từ ngữ nào được dùng để gọi, từ ngữ nào được dùng để đáp?

Gợi ý

Trong các từ ngữ in đậm ở phần trích, từ này dùng để gọi, cụm từ thưa ông dùng để đáp.

Câu hỏi 2. Những từ ngữ dùng để gọi người khác hay đáp lời người khác có tham gia diễn đạt nghĩa sự việc của câu hay không?

Gợi ý

Những từ ngữ dùng để gọi người khác hay đáp lời gọi của người khác không nằm trong sự việc được diễn đạt của câu.

Câu hỏi 3. Trong những từ ngữ in đậm đó, từ ngữ nào được dùng để tạo lập cuộc thoại, từ ngữ nào được dùng để duy trì cuộc thoại đang diễn ra?

Gợi ý

Trong những từ ngữ in đậm, từ này dùng để thiết lập quan hệ giao tiếp (mở đầu sự giao tiếp), cụm từ thưa ông có tác dụng duy trì sự giao tiếp.

THÀNH PHẦN PHỤ CHÚ

Đọc những câu sau đây và trả lời câu hỏi.

a) Lúc đi, đứa con gái đầu lòng của anh - và cũng là đứa con duy nhất của anh, chưa đầy một tuổi.

(Nguyễn Quang Sáng, Chiếc lược ngà)

b) Lão không hiểu tôi, tôi nghĩ vậy, và tôi càng buồn lắm.

(Nam Cao, Lão Hạc)

Câu hỏi 1. Nếu lược bỏ các từ ngữ in đậm, nghĩa sự việc của mỗi câu trên có thay đổi không? Vì sao?

Gợi ý

Khi bỏ qua các từ ngữ in đậm, nghĩa sự việc của các câu nêu trên vẫn không thay đổi. Bởi vì nó không phải là một bộ phận thuộc cấu trúc cú pháp của câu, nó chỉ có tác dụng bổ sung một số chi tiết cho nội dung chính của câu.

Câu hỏi 2. Ở câu (a), các từ ngữ in đậm được thêm vào để chú thích cho cụm từ nào?

Gợi ý

Những từ ngữ in đậm ở câu (a) chú thích thêm cho cụm từ "đứa con gái đầu lòng".

Câu hỏi 3. Trong câu (b), cụm chủ - vị in đậm chú thích điều gì?

Gợi ý

Cụm chủ - vị ở câu (b) "tôi nghĩ vậy” ý giải thích thêm rằng điều “lão không hiểu tôi" chưa hẳn đã đúng, nhưng tôi cho đó là lí do làm cho "tôi càng buồn hơn”.

II - Phần luyện tập

Bài tập 1. Tìm thành phần gọi đáp trong đoạn trích Tắt đèn và cho biết từ nào được dùng để gọi, từ nào được dùng để đáp. Quan hệ giữa người gọi và người đáp là quan hệ gì (trên - dưới hay ngang hàng, thân hay sơ)?

Gợi ý

- Từ này dùng để gọi; từ vâng dùng để đáp.

- Quan hệ giữa người gọi và người đáp là có trên có dưới và thân mật.

Bài tập 2. Tìm thành phần gọi đáp trong câu ca dao sau và cho biết lời gọi - đáp đó hướng đến ai.

Bầu ơi thương lấy bí cùng,

Tuy rằng khác giống, nhưng chung một giàn.

Gợi ý

- Thành phần gọi - đáp là bầu ơi.

- Lời gọi tha thiết nhưng không hướng tới riêng ai mà hướng tới tất cả mọi người Việt Nam cùng chung nòi giống, cội nguồn.

Bài tập 3. Tìm thành phần phụ chú trong các đoạn trích sau (SGK) và cho biết chúng bổ sung điều gì?

Gợi ý

a) Thành phần phụ chú là: kể cả anh (bổ sung cho chúng tôi, mọi người).

b) Thành phần phụ chú gồm: các thầy, các cô giáo, các bậc cha mẹ, đặc biệt là những người mẹ (giải thích thêm cho những người nắm giữ chìa khoá của cánh cửa này).

c) Thành phần phụ chú là: những người chủ thực sự của đất nước trong thế kỉ tới (giải thích cho lớp trẻ).

d) Thành phần phụ chú gồm: có ai ngờ (thể hiện thái độ ngạc nhiên của người nói – nhân vật "tôi"), và thương thương quá đi thôi (thể hiện tình cảm yêu thương của nhân vật "tôi").

Bài tập 4. Hãy cho biết thành phần phụ chú ở mỗi câu trong bài tập 3 liên quan đến những từ ngữ nào trước đó.

Gợi ý

a) Liên quan tới chúng tôi, mọi người.

b) Liên quan tới những người nắm giữ chìa khoá của cánh cửa này.

c) Liên quan tới lớp trẻ.

d) Liên quan tới cô bé và mắt đen tròn.