SỬ DỤNG YẾU TỐ MIÊU TẢ TRONG VĂN BẢN THUYẾT MINH

A. YÊU CẦU

- Củng cố kiến thức về văn bản thuyết minh và miêu tả.

- Kết hợp các yếu tố miêu tả trong văn bản thuyết minh để bài văn hay hơn.

B. GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI, BÀI TẬP

I- Phần bài học

TÌM HIỂU YẾU TỐ MIÊU TẢ TRONG VĂN BẢN THUYẾT MINH

Bài tập: Đọc văn bản "Cây chuối trong đời sống Việt Nam" và trả lời câu hỏi (SGK tr. 24, 25).

Gợi ý

a) Văn bản này tuy đối tượng để thuyết minh là cây chuối, nhưng cây chuối được xem xét trong mối quan hệ với đời sống của người Việt chứ không phải là cây chuối thuần tuý là một loại thực vật. Do vậy, nhan đề văn bản phải là "Cây chuối trong đời sống Việt Nam" mới thể hiện được nội dung chính của văn bản.

b) Những câu trong văn bản thuyết minh về đặc điểm tiêu biểu của cây chuối:

Hai câu cuối của đoạn văn đầu tiên: Cây chuối rất ưa nước [...] Chuối phát triển rất nhanh [...] và câu "Quả chuối là một món ăn ngon" ở đoạn văn thứ ba.

c) Câu văn có yếu tố miêu tả cây chuối, quả chuối:

-[...] cây chuối thân mềm vươn lên như những trụ cột nhẵn bóng, toả ra vòm tán lá xanh mướt che rợp từ vườn tược đến núi rừng.

-[...] chuối mọc thành rừng bạt ngàn vô tận.

-[...] chuối trứng cuốc - không phải là quả tròn như trứng cuốc mà khi chín vỏ chuối có những vệt lốm đốm như vỏ trứng cuốc.

- Không thiếu những buồng chuối dài từ ngọn cây uốn trĩu xuống tận gốc cây.

d) Theo yêu cầu chung của văn bản thuyết minh, văn bản này có thể bổ sung thêm lá chuối, thân cây chuối, nõn chuối, bắp chuối,... Thêm công dụng của thân cây chuối: thái nhỏ dùng làm thức ăn cho lợn; lá chuối tươi dùng gói nem gói giò, lá chuối khô dùng làm chất đốt; nõn chuối, bắp chuối thái nhỏ làm nộm, nấu ám,...

II - Phần luyện tập

Bài tập 1. Bổ sung yếu tố miêu tả vào các chi tiết thuyết minh (SGK, tr. 26).

Gợi ý

Bổ sung yếu tố miêu tả:

- Thân cây chuối có hình trụ, nhẵn bóng, gồm nhiều lớp bẹ xếp lên nhau theo thứ tự từ trong ra ngoài.

- Lá chuối tươi, to bản, xanh mướt, trông chẳng khác gì một con thuyền xanh úp ngược, che mát cho cả khóm.

- Lá chuối khô không còn màu xanh mà chuyển sang màu đất. Khi ấy lá không còn vươn lên trên mà rũ xuống, nằm ép mình như còn cố bao bọc, chở che cho thân cây.

- Nõn chuối khi nhú lên có màu xanh non rất đặc trưng, gọi là màu nõn chuối. Từ chỗ nõn chuối cuộn chặt, chẳng mấy chốc nõn chuối lớn dần, lỏng ra và nở thành một tàu chuối.

- Bắp chuối hay còn gọi là hoa chuối có màu tím nhạt hoặc tím sẫm. Bắp chuối vươn lên từ giữa lòng thân cây chuối. Đấy chính là một bông hoa lớn chứa rất nhiều quả chuối non xếp thành từng nải chuối.

- Quả chuối xếp thành từng nải. Khi mới xuất hiện, nải chuối giống như một bàn tay xinh xắn có những ngón trắng hồng. Cả khi lớn, nải chuối vẫn giống bàn tay. Chả thế mà người ta ví von có người có bàn tay chuối nắn.

Bài tập 2. Chỉ ra yếu tố miêu tả trong đoạn văn (Theo Phạm Côn Sơn, Làng nghề truyền thống Việt Nam)

Gợi ý

Yếu tố miêu tả trong đoạn văn đã cho:

Tách là loại chén uống nước của Tây, nó có tai. Chén của ta không có tai. Khi mời ai uống trà thì bưng hai tay mà mời. Có uống cũng nâng hai tay xoa xoa rồi mới uống.

Bài tập 3. Đọc văn bản "Trò chơi ngày xuân" (SGK, tr. 26) và chỉ ra những câu miêu tả trong đó.

Gợi ý

Các câu miêu tả trong văn bản "Trò chơi ngày xuân":

- Những nhóm quan họ nam và nữ trong trang phục dân tộc đi tìm nhau trong ngày hội, mời nhau xơi trầu và nhận lời hát kết nghĩa giữa các làng.

- Những con thuyền thúng nhỏ mang theo các làn điệu dân ca điểm thêm cho không khí ngày xuân nét thơ mộng, trữ tình.

- Lân được trang trí công phu, râu ngũ sắc, lông mày bạc, mắt lộ to, thân mình có các hoạ tiết đẹp.

- Bàn cờ là sân bãi rộng, mỗi phe có 16 người mặc đồng phục đỏ hoặc xanh, cầm trên tay hay đeo trước ngực biển kí hiệu quân cờ.

- Hai tướng (tướng ông tướng bà) của từng bên đều mặc trang phục thời xưa lộng lẫy có cờ đuôi nheo đeo chéo sau lưng và được che lọng.