VIẾT BÀI TẬP LÀM VĂN SỐ 3 - VĂN TỰ SỰ

A. YÊU CẦU

Tham khảo một số đề bài tập làm văn trong sách giáo khoa, đọc kĩ yêu cầu để chuẩn bị viết bài tập làm văn có sử dụng yếu tố nghị luận kết hợp miêu tả nội tâm.

B. GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI, BÀI TẬP

ĐỀ BÀI THAM KHẢO

Đề 1. Hãy kể về một lần em trót xem nhật kí của bạn.

Gợi ý

- Câu chuyện em kể phải có các chi tiết: em trót xem nhật kí của ai, vào lúc nào, ở đâu, sự việc diễn ra như thế nào, em đọc được gì?,...

- Cần có những đoạn độc thoại tự vấn, tự trách, thể hiện sự dằn vặt, ân hận, xấu hổ... khi biết đó là việc làm sai trái của mình.

- Tự rút ra bài học gì?

Đề 2. Hãy tưởng tượng mình gặp gỡ và trò chuyện với người lính lái xe trong tác phẩm Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật. Viết bài văn kể lại cuộc gặp gỡ và trò chuyện đó.

Gợi ý

- Đọc kĩ bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính và tưởng tượng cuộc gặp gỡ và trò chuyện với những người lính lái xe trong bài thơ.

- Đưa ra tình huống gặp lại những người lính năm xưa.

- Nội dung trò chuyện xoay quanh những vấn đề mà các chiến sĩ lái xe đã trải qua trong chiến tranh chống Mĩ.

- Thể hiện lòng biết ơn đối với thế hệ cha anh và trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay.

Đề 3. Nhân ngày 20 - 11, kể cho các bạn nghe về một kỉ niệm đáng nhớ giữa mình và thầy, cô giáo cũ.

Gợi ý

- Câu chuyện kể lại là một kỉ niệm đáng nhớ, có ý nghĩa (kỉ niệm gì, lúc nào, ở đâu, diễn biến như thế nào, đáng nhớ ở chỗ nào?).

- Những tình cảm, sự xúc động khi kể lại câu chuyện.

- Lời lẽ khi bàn về nghề nghiệp, đạo lí,... (yếu tố nghị luận) nên chân thành, giản dị.

Đề 4. Kể về một cuộc gặp gỡ với các anh bộ đội nhân Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22 - 12). Trong buổi gặp đó, em được thay mặt các bạn phát biểu những suy nghĩ của thế hệ mình về thế hệ cha anh đã chiến đấu, hi sinh để bảo vệ Tổ quốc.

Gợi ý

- Cuộc gặp đó ở đâu, quang cảnh diễn ra thế nào?

- Phát biểu những suy nghĩ của thế hệ trẻ về thế hệ cha anh: tâm trạng của mình khi được phát biểu, vẻ đẹp của những anh bộ đội, ý nghĩa của sự cống hiến, hi sinh của thế hệ đi trước; thế hệ trẻ học tập, noi gương, tiếp nối truyền thống dân tộc như thế nào?

- Yếu tố nghị luận cũng nên nói một cách giản dị, phù hợp với câu chuyện, tránh ca ngợi bằng những lời lẽ to tát, chung chung.