BẾP LỬA

A. YÊU CẦU

Bài tự học có hướng dẫn. Sau bài này, HS cảm nhận được:

- Bài thơ gợi lại những kỉ niệm đầy xúc động về người bà và tình bà cháu, thể hiện lòng kính yêu trân trọng và biết ơn của người cháu đối với bà và cũng là đối với gia đình, quê hương, đất nước.

- Bài thơ kết hợp nhuần nhuyễn giữa biểu cảm với miêu tả, tự sự và bình luận thông qua hồi tưởng và suy ngẫm của một người cháu đã trưởng thành.

Hình ảnh bếp lửa gắn liền với hình ảnh người bà, làm điểm tựa khơi gợi mọi kỉ niệm, cảm xúc và suy nghĩ về bà và tình bà cháu.

B. GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI, BÀI TẬP

I- Phần bài học

Câu hỏi 1. Bài thơ là lời của nhân vật nào, nói về ai và về điều gì? Dựa vào mạch tâm trạng của nhân vật trữ tình, em hãy nêu bố cục của bài thơ.

Gợi ý

- Bài thơ là lời của nhân vật người cháu, nói về tấm lòng kính yêu của cháu đối với bà.

- Bài thơ có bố cục như sau:

+ Ba dòng thơ đầu: Hình ảnh bếp lửa khơi nguồn cho dòng hồi ức về bà.

+ Bốn khổ tiếp theo: Hồi tưởng những kỉ niệm ấu thơ gắn liền với hình ảnh bếp lửa.

+ Hai khổ tiếp theo: Suy ngẫm của cháu về bà.

+ Khổ cuối: Tình cảm của người cháu đi xa không nguôi nhớ về bà.

Câu hỏi 2. Trong hồi tưởng của người cháu, những kỉ niệm nào về bà và tình bà cháu đã được gợi lại? Em hãy chỉ ra sự kết hợp giữa biểu cảm với miêu tả, tự sự, bình luận trong bài thơ và tác dụng của sự kết hợp ấy.

Gợi ý

Trong hồi tưởng của người cháu, những kỉ niệm ấu thơ về bà, về tình bà cháu đã được gợi lại. Đó là những năm tháng khó khăn:

Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi

Bố đi đánh xe, khô rạc ngựa gầy

Đó là tình bà cháu quấn quýt bên nhau:

Mẹ cùng cha công tác bận không về

Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe

Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học.

Hình ảnh bếp lửa cứ trở đi trở lại, hiện diện như tình bà cháu ấm áp, chở che, cảm động.

Nhờ sự kết hợp hài hoà giữa yếu tố biểu cảm với miêu tả và tự sự đã giúp cho bài thơ có một kết cấu chặt chẽ, thể hiện được tình cảm thắm thiết, thiêng liêng của người cháu đối với bà.

Câu hỏi 3. Phân tích hình ảnh bếp lửa trong bài thơ. Hình ảnh bếp lửa được nhắc đến bao nhiêu lần? Tại sao khi nhắc đến bếp lửa là người cháu nhớ đến bà, và ngược lại, khi nhớ về bà là nhớ ngay đến hình ảnh bếp lửa? Hình ảnh ấy mang ý nghĩa gì trong bài thơ này? Vì sao tác giả lại viết: “Ôi kì lạ và thiêng liêng - bếp lửa!”?

Gợi ý

Trong bài thơ, hình ảnh bếp lửa được nói tới mười lần. Trong hồi tưởng và suy nghĩ của người cháu, hình ảnh bếp lửa luôn luôn gắn với hình ảnh người bà. Bởi vì bếp lửa đã gắn bó với cuộc đời của bà. Bà là người nhóm lên bếp lửa vào mỗi sáng, mỗi chiều, hằng ngày, suốt cuộc đời bà. Bếp lửa là biểu hiện cụ thể của sự tảo tần, chăm chỉ và đầy tình yêu thương mà bà dành cho cháu, cho những người thân.

Bếp lửa còn là tượng trưng cho tình bà nồng ấm. Bà nhóm lên bếp lửa như nhóm lên niềm vui, sự sống, niềm yêu thương. Bà là người nhóm lửa, nhóm niềm yêu thương mà bà dành cho cháu “nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ”. Bà là người truyền ngọn lửa niềm tin cho các thế hệ sau. Bởi vậy, bếp lửa trở nên kì lạ, thiêng liêng.

Câu hỏi 4.

Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen

Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn

Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng...

Vì sao ở hai câu dưới tác giả dùng từ “ngọn lửa” mà không nhắc lại “bếp lửa”? “Ngọn lửa” ở đây có ý nghĩa gì? Em hiểu những câu thơ trên như thế nào?

Gợi ý

Từ hình ảnh bếp lửa cụ thể, tác giả đã chuyển thành hình ảnh trừu tượng: ngọn lửa lòng bà. Ngọn lửa giờ đây là ngọn lửa tinh thần, mang một ý nghĩa khái quát. Đó là ngọn lửa của niềm tin, sức sống, là niềm yêu thương của bà:

Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen

Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn

Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng...

Câu hỏi 5. Cảm nhận của em về tình cảm bà cháu được thể hiện trong bài thơ. Tình cảm ấy được gắn liền với những tình cảm nào khác?

Gợi ý

Tình cảm của bà cháu trong bài thơ là tình cảm gắn bó giữa hai bà cháu. Đó là tình yêu thương, sự quan tâm chăm sóc, truyền cho cháu niềm tin yêu cuộc sống. Đó là lòng kính yêu trân trọng và biết ơn của người cháu đối với bà, đối với gia đình, quê hương, đất nước.

II - Phần luyện tập

Bài tập. Viết một đoạn văn nêu cảm nghĩ của em về hình ảnh bếp lửa trong bài thơ.

Gợi ý

Cần căn cứ vào các gợi ý ở các câu hỏi trên để đưa ra suy nghĩ của riêng mình. Chú ý thêm hình ảnh nhóm lửa, ngọn lửa.