TỔNG KẾT VỀ TỪ VỰNG (Luyện tập tổng hợp)

A. YÊU CẦU

- Ôn lại những kiến thức về từ vựng đã học.

- Vận dụng thực hiện các bài tập trong sách giáo khoa.

B. GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI, BÀI TẬP

Bài tập 1. So sánh hai dị bản của câu ca dao (SGK):

Cho biết trong trường hợp này, gật đầu hay gật gù thể hiện thích hợp hơn ý nghĩa cần biểu đạt. Vì sao?

Gợi ý

Gật gù là “gật nhẹ và nhiều lần, biểu thị thái độ đồng tình, tán thưởng”; còn gật đầu là “động tác cúi đầu xuống rồi ngẩng lên, thường để chào hỏi hay thể hiện sự đồng ý”. Như vậy, gật gù là từ tượng hình, mang tính biểu cảm hơn từ gật đầu. Dị bản sau của câu ca dao không chỉ thể hiện rõ sự đồng tình, tán thưởng của hai người về món ăn mà còn nói lên được sự hoà hợp của tình nghĩa vợ chồng.

Bài tập 2. Nhận xét cách hiểu nghĩa từ ngữ của người vợ trong truyện cười sau đây (SGK, tr. 158):

Gợi ý

Từ “chân” trong truyện trên được người chồng dùng theo cách hoán dụ: “chỉ có một chân sút” nghĩa là chỉ có một cầu thủ giỏi ghi bàn. Người vợ đã hiểu từ “chân” theo nghĩa gốc: người ta có hai chân, cầu thủ “chỉ có một chân” thì không thể chơi bóng được. Như vậy, người vợ đã hiểu sai lời nói của người chồng.

Bài tập 3. Đọc đoạn thơ sau (trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu) và trả lời câu hỏi (SGK, tr. 158).

Gợi ý

Các từ miệng (trong Miệng cười buốt giá), chân (trong Chân không giày), tay (trong Thương nhau tay nắm lấy bàn tay) được dùng theo nghĩa gốc. Các từ vai (trong Áo anh rách vai), đầu (trong Đầu súng trăng treo) dùng theo nghĩa chuyển. Nghĩa chuyển của từ vai được dùng theo phương thức hoán dụ (vai người → vai áo), nghĩa chuyển của từ đầu được dùng theo phương thức ẩn dụ (đầu người → đầu súng, lấy nét nghĩa “phần phía trên”).

Bài tập 4. Vận dụng kiến thức đã học về trường từ vựng để phân tích cái hay trong cách dùng từ ở bài thơ sau (Vũ Quần Phương, Áo đỏ – SGK, tr. 159):

Gợi ý

Các từ (áo) đỏ, (cây) xanh, (ánh) hồng, lửa, cháy, tro trong một trường từ vựng: chỉ màu sắc và sự biến đổi do sự cháy tạo nên. Cách dùng từ này diễn đạt được vẻ đẹp rực rỡ, cuốn hút của cô gái và tình cảm mãnh liệt của chàng trai đối với cô.

Bài tập 5. Đọc đoạn trích sau (Đoàn Giỏi, đất rừng phương Nam) và trả lời câu hỏi (SGK, tr. 159).

Gợi ý

- Các sự vật và hiện tượng trên được đặt tên theo cách dùng các từ ngữ có sẵn theo một nội dung mới dựa trên đặc điểm, tính chất của bản thân đối tượng: rạch có nhiều cây mái giầm đặt tên là rạch Mái Giầm, kênh có nhiều bọ mắt đặt tên là kênh Bọ Mắt, kênh có nhiều con ba khía đặt tên là kênh Ba Khía.

- Có thể kể thêm năm sự vật, hiện tượng khác có cách đặt tên tương tự, chẳng hạn: hoa mào gà, nhân sâm, Vườn Chim, thôn Vườn Trầu, chùa Dơi.

Bài tập 6. Truyện cười sau đây (SGK, tr. 159, 160) phê phán điều gì?

Gợi ý

Thực ra, đốc tờ (doctor) và bác sĩ chỉ là một, nhưng vì là người sính chữ nên ông ta không dùng bác sĩ vì sợ gọi bác sĩ không sang bằng đốc tờ.