Bài 31. CON CHÓ BẤC (Trích Tiếng gọi nơi hoang dã)
A. YÊU CẦU
- Cảm thụ được bức chân dung sinh động về một chú chó. Lân-đơn đã có những tưởng tượng tuyệt vời để tạo nên bức chân dung này. Ông cũng đã có những nhận xét tinh tế.
- Có sự đồng cảm với nhà văn về tình thương yêu loài vật.
B. GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI, BÀI TẬP
Câu hỏi 1. Hãy xác định bố cục của bài văn theo trật tự diễn biến sau đây: a) Mở đầu, b) Tình cảm của Thoóc-tơn đối với Bấc, c) Tình cảm của Bấc đối với chủ. Căn cứ vào độ dài ngắn của mỗi phần, xét xem ở đây, nhà văn chủ yếu muốn nói đến những biểu hiện tình cảm của phía nào.
Gợi ý
Đoạn trích có thể chia thành ba phần:
- Phần mở đầu: đoạn 1.
- Tình cảm của Thoóc-tơn đối với Bấc: đoạn 2.
- Tình cảm của Bấc đối với chủ: ba đoạn còn lại.
Xét về phương diện dung lượng ấy, ta đã thấy nhà văn chủ yếu muốn nói đến tình cảm của Bấc đối với chủ trong bài văn này.
Câu hỏi 2. Cách cư xử của Thoóc-tơn đối với Bấc có gì đặc biệt và biểu hiện ở những chi tiết nào? Tại sao trước khi diễn tả tình cảm của Bấc đối với chủ nhà văn lại dành một đoạn để nói về tình cảm của Thoóc-tơn đối với Bấc?
Gợi ý
- Thoóc-tơn đối xử với những con chó của anh, và đặc biệt đối với Bấc "như thể chúng là con cái của anh vậy". Trong ý nghĩ, trong tình cảm, dường như anh không xem Bấc chỉ là một con chó, mà là một con người, là đồng loại với anh, là bạn bè của anh.
Dĩ nhiên, Thoóc-tơn là chủ của con chó Bấc, nhưng là "một ông chủ lí tưởng". Nhà văn so sánh Thoóc-tơn với các ông chủ khác (thẩm phán Mi-lơ và những đứa con của ông ta) để làm nổi bật điều đó. Các ông chủ khác chăm sóc chó chỉ là vì nghĩa vụ (nuôi nó thì phải chăm sóc nó) và vì lợi ích kinh doanh (kéo xe trượt tuyết để đi tìm vàng).
Các biểu hiện tình cảm đặc biệt của Thoóc-tơn: chào hỏi thân mật hoặc nói lời vui vẻ, trò chuyện tầm phào với chó (như với con cái hay bạn bè mình); túm chặt lấy đầu Bấc, rồi dựa vào đầu mình, đẩy tới đẩy lui, ngạc nhiên, thán phục: "Trời đất! Đằng ấy hầu như biết nói đấy!" và có "những lời nói nựng âu yếm" với nó.
Những biểu hiện đó cho thấy Thoóc-tơn là một ông chủ đặc biệt coi trọng tình cảm, ngay cả đối với con vật của mình.
- Bài văn chủ yếu nói đến những biểu hiện tình cảm của các chú chó. Nhưng trước đó, nhà văn lại cho xen vào đoạn nói về tình cảm của Thoóc-tơn đối với các chú chó của mình, đặc biệt là đối với con chó Bấc. Mục đích của đoạn văn là để làm sáng tỏ những tình cảm của con chó Bấc đối với Thoóc-tơn. Không phải đối với bất cứ ông chủ nào con chó Bấc cũng đối xử tốt như thế. Bấc đã từng qua tay nhiều ông chủ độc ác nhưng chỉ có Thoóc-tơn là đối xử tốt với nó.
Câu hỏi 3. Tình cảm của con chó Bấc đối với chủ biểu hiện qua những khía cạnh khác nhau ra sao? Nhận xét về năng lực quan sát của tác giả khi viết đoạn văn này.
Gợi ý
Lân-đơn có những nhận xét tinh tế, tỉ mỉ khi kể về những chú chó, lời kể hấp dẫn và giản dị. Những biểu hiện tình cảm của các chú chó đối với chủ được ông tách ra mỗi con một nét biểu hiện riêng. Đây là cách làm cho câu chuyện thêm sinh động và cũng là để làm nổi bật nét khác biệt của Bấc so với những con chó khác như Xơ-kít và Ních.
- Tình cảm của con Bấc dành cho Thoóc-tơn khác với quan hệ của nó trước kia với ông Thẩm phán Mi-lơ và với con cháu của ông ta. Thoóc-tơn từng cứu con Bấc và đối xử, chăm sóc nó như đối xử với một người bạn. Con Bấc đáp lại tình cảm ấy không chỉ vì ông chủ cứu mình mà còn vì tình cảm mà ông dành cho nó. Con Bấc vốn là một chú chó thông minh. Nó hiểu được những tình cảm yêu thương của ông chủ Thoóc-tơn thông qua những cử chỉ, lời nói của ông dành cho nó. Nó đáp lại sự quan tâm và thương yêu của chủ bằng một tình cảm chân thành đặc biệt. Nó quá đỗi vui sướng "tưởng chừng như quả tim mình nhảy tung ra khỏi cơ thể vì quá ngây ngất", miệng cười, mắt long lanh, họng rung lên,... Có lúc nó cũng sôi nổi cắn vờ Thoóc-tơn, nhưng chủ yếu "tình thương yêu của Bấc phần lớn được diễn đạt bằng sự tôn thờ". Bấc nằm xa xa quan sát chủ hàng giờ hoặc bám theo sát Thoóc-tơn không rời nửa bước. Đặc biệt nó không đòi hỏi gì ở Thoóc-tơn cả.
Chi tiết Bấc không ngủ, "trườn qua giá lạnh đến tận mép lều, đứng đấy, lắng nghe tiếng thở đều đều của chủ" là một chi tiết sống động, có sức diễn tả lớn hơn cả những lời giãi bày trực tiếp về sự lo lắng, quan tâm, muốn gắn bó với chủ. Chi tiết này thể hiện khả năng quan sát, miêu tả tinh tế của tác giả.
Câu hỏi 4. Chứng minh trí tưởng tượng tuyệt vời và lòng yêu thương loài vật của nhà văn khi ông đi sâu vào "tâm hồn" của con chó Bấc.
Gợi ý
Câu chuyện ca ngợi tình cảm nhân hậu, tấm lòng cao quý của Bấc và ông chủ.
Lân-đơn miêu tả con chó Bấc bằng trí tưởng tượng tuyệt vời của mình. Tác giả không nhân hoá con chó Bấc mà miêu tả nó như nó vốn có. Tuy vậy, thông qua cách miêu tả của nhà văn, người đọc có thể hình dung ra một chú chó có "tâm hồn" nhân hậu rất người: "họng rung lên những âm thanh không thốt nên lời", nó "hầu như biết nói" như lời của Thoóc-tơn. Thoóc-tơn và cả nhà văn dường như thấu hiểu thế giới "tâm hồn" phong phú của nó.
Qua lời của người kể chuyện, con chó Bấc dường như cũng biết suy nghĩ. Nó nghĩ, trước kia, nó chưa hề cảm thấy một tình thương yêu nào như vậy và nó "thấy không có gì vui sướng bằng cái ôm ghì mạnh mẽ ấy", "nó lại tưởng chừng như quả tim mình nhảy tung ra khỏi cơ thể", ...
Bấc không những chỉ biết vui mừng mà còn biết lo sợ: "Việc thay thầy đổi chủ xoành xoạch" làm nảy sinh trong lòng nó nỗi lo sợ, "nó sợ Thoóc-tơn cũng lại biến khỏi cuộc đời nó".
Bấc còn nằm mơ nữa: "Ngay cả ban đêm, trong các giấc mơ, nó cũng bị nỗi lo sợ này ám ảnh".
Rõ ràng, nếu không có tình yêu thương loài vật thì nhà văn sẽ không có những đoạn miêu tả tuyệt vời như thế.