XƯNG HÔ TRONG HỘI THOẠI

A. YÊU CẦU

- Hiểu được sự phong phú, tinh tế và giàu sắc thái biểu cảm của hệ thống các từ ngữ xưng hô trong tiếng Việt. Hiểu rõ mối quan hệ chặt chẽ giữa sử dụng từ ngữ xưng hô với tình huống giao tiếp.

- Sử dụng thích hợp từ ngữ xưng hô.

B. GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI, BÀI TẬP

I- Phần bài học

TỪ NGỮ XƯNG HÔ VÀ VIỆC SỬ DỤNG TỪ NGỮ XƯNG HÔ

Câu hỏi 1. Hãy nêu một số từ ngữ dùng để xưng hô trong tiếng Việt và cho biết cách dùng những từ ngữ đó.

Gợi ý

- Ngoài các đại từ (như: tao - mày, chúng ta - chúng mày, hắn, nó,...), người Việt còn dùng tất cả các danh từ chỉ người, chỉ quan hệ họ hàng (như: cha, mẹ, anh, chị, em, con, cháu, ông, bà, chú, bác, thím, cậu, mợ, cô, dì,...), từ chỉ nghề nghiệp, chức danh (như: bác sĩ, nhà báo, giáo sư, bộ trưởng, sếp, thủ trưởng,...) để xưng hô.

- Người Việt rất tinh tế trong cách xưng hô. Ví dụ: gọi là bác thì xưng là cháu, nhưng có khi gọi bác lại xưng là em; bố mẹ gọi con là con xưng là bố hay mẹ, nhưng có khi xưng là bố, mẹ nhưng lại gọi là anh, chị (với trường hợp con đã lớn tuổi, trưởng thành). Người Việt cũng thường xưng hô thay vai theo thói quen, thường hạ mình xuống một bậc để xưng hô, "xưng khiêm, hỗ tôn".

Hiếm có một ngôn ngữ nước ngoài nào có lượng từ xưng hô phong phú và cách xưng hô linh hoạt như trong tiếng Việt.

Câu hỏi 2. Đọc các đoạn trích sau (trích từ tác phẩm "Dế mèn phiêu lưu kí" của Tô Hoài) và thực hiện yêu cầu nêu ở dưới (SGK, tr. 38, 39).

Gợi ý

- Từ ngữ xưng hô trong đoạn (a): em - anh (Dế Choắt nói với Dế Mèn), ta - chú mày (Dế Mèn nói với Dế Choắt). Sự xưng hô thể hiện sự bất bình đẳng giữa một kẻ ở thế yếu, phải nhờ vả với một kẻ ở thế mạnh, rất kiêu căng.

- Từ ngữ xưng hô trong đoạn (b): Dế Mèn xưng hô với Dế Choắt tôi - anh. Dế Mèn đã hối hận về tội lỗi của mình cho nên cách xưng hô của Dế Mèn với Dế Choắt thay đổi hẳn. Đó là cách xưng hộ tôn trọng nhau, thể hiện sự bình đẳng. Dế Choắt xưng hô với Dế Mèn cũng tôi - anh. Dế Choắt không còn là kẻ phải nhờ vả nên nói với Dế Mèn như một người bạn, lời khuyên chân thành của một người bạn.

II - Phần luyện tập

Bài tập 1. Có lần, một giáo sư Việt Nam nhận được thư mời dự đám cưới của một nữ học viên người châu Âu đang học tiếng Việt. Trong thư có dòng chữ: “Ngày mai, chúng ta làm lễ thành hôn, mời thầy đến dự”.

Lời mời trên có sự nhầm lẫn trong cách dùng từ như thế nào? Vì sao có sự nhầm lẫn đó?

Gợi ý

Trong tiếng Việt, các đại từ xưng hô như "chúng tôi" khác với "chúng ta". "Chúng tôi' là từ chỉ gộp từ hai người trở lên, không bao gồm người nghe; còn "chúng ta" cũng chỉ gộp từ hai người trở lên nhưng lại bao gồm cả người nghe. Trong lời nói của cô sinh viên người châu Âu có từ xưng hô "chúng ta" dễ gây hiểu lầm. Đây là lỗi dễ mắc ở những người châu Âu mới học tiếng Việt do thói quen bản ngữ chi phối. Người Việt Nam phân biệt rất rõ ràng "chúng tôi" và "chúng ta". Thậm chí, giữa "chúng tôi" và "chúng em" (từ cũng chỉ gộp từ hai người trở lên, không bao gồm người nghe như "chúng tôi") cũng được phân biệt rất tinh tế: xưng hô là "chúng tôi" khi người nói có vai ngang hàng hoặc cao hơn người nghe, còn "chúng em" vai thấp hơn người nghe. Trường hợp cô sinh viên mời vị giáo sư thì nên xưng hô là "chúng em" mới đúng với cách xưng hô của người Việt.

Bài tập 2. Trong các văn bản khoa học, nhiều khi tác giả của văn bản chỉ là một người nhưng vẫn xưng "chúng tôi" chứ không xưng "tôi". Giải thích vì sao.

Gợi ý

Trong các văn bản khoa học, nhiều khi tác giả chỉ là một người nhưng vẫn xưng là "chúng tôi" là vì người viết muốn:

- Thể hiện tính khách quan của luận điểm.

- Thể hiện sự khiêm tốn của người viết.

Tuy nhiên, khi cần khẳng định ý kiến cá nhân và chịu trách nhiệm cá nhân thì nên xưng "tôi".

Bài tập 3. Đọc đoạn trích (SGK, tr. 40). Phân tích từ xưng hô mà cậu bé dùng để nói với mẹ mình và nói với sứ giả. Cách xưng hô như vậy nhằm thể hiện điều gì?

Gợi ý

Cậu bé gọi mẹ là mẹ, đó là cách xưng hô bình thường. Nhưng khi xưng hô với sứ giả lại không bình thường: xưng ta, gọi ông. Cách xưng hô này thể hiện cậu là đứa trẻ khác thường (là thánh), không phải vai dưới hoặc ngang hàng với sứ giả. Đối với bà mẹ, Gióng chỉ là đứa trẻ, nhưng đối với quốc gia, xã hội, Gióng là người anh hùng.

Bài tập 4. Phân tích cách dùng từ xưng hô và thái độ của người nói trong câu chuyện (SGK, tr. 40).

Gợi ý

Danh tướng vẫn xưng hô với thầy giáo cũ: thầy - con, điều này cho thấy địa vị hiện tại không khiến cho danh tướng thay đổi cách xưng hô. Cách xưng hô này thể hiện tấm lòng biết ơn, sự kính trọng đối với thầy dạy cũ của vị tướng. Về phía thầy giáo, thầy lại không xưng hô với người học trò cũ như trước đây mà gọi là ngài. Điều này cho thấy thầy giáo rất tôn trọng địa vị hiện tại của người học trò cũ của mình. Hai thầy trò đều có cách đối nhân xử thế rất thấu tình đạt lí.

Bài tập 5. Đọc đoạn trích (SGK, tr. 40). Phân tích tác động của việc dùng từ xưng hô trong câu nói của Bác. (Chú ý so sánh: Trước năm 1945, người đứng đầu nhà nước có xưng hô với người dân của mình như vậy không?)

Gợi ý

Cách xưng hô "tôi - đồng bào" của Bác thể hiện sự gần gũi, mến yêu của Người đối với đồng bào mình (đồng bào: những người cùng một bọc sinh ra, ý coi nhau như ruột thịt).

Cách xưng hô này của Bác đối với nhân dân ta vào thời điểm năm 1945 là rất mới. Trước đó, nước ta là một nước phong kiến, nhà vua xưng trẫm với dân chúng để thể hiện uy quyền, sự cách biệt.

Bài tập 6. Đọc đoạn trích (SGK, tr. 41, 42), chú ý những từ ngữ in đậm.

Các từ ngữ xưng hô trong đoạn trích trên được ai dùng và dùng với ai? Phân tích vị thế xã hội, thái độ, tính cách của từng nhân vật qua cách xưng hô của họ.

Nhận xét sự thay đổi cách xưng hô của chị Dậu và giải thích lí do của sự thay đổi đó.

Gợi ý

Ở phần đầu của đoạn trích do có sự cách biệt về địa vị, hoàn cảnh, thái độ, tính cách giữa các nhân vật cho nên cách xưng hô cũng rất cách biệt. Chị Dậu, người dân thấp cổ bé họng lại đang thiếu sưu nên phải hạ mình, nhịn nhục, xưng hô là cháu, nhà cháu - ông. Còn cai lệ, người nhà lí trưởng cậy quyền, cậy thế nên rất hống hách, xưng hô là ông - thằng kia, mày.

Ở phần sau của đoạn trích, cách xưng hô của chị Dậu đã thay đổi. Khi chị Dậu "liều mạng cự lại" thì xưng hô là tôi – ông, và khi sắp phải chứng kiến cảnh chồng mình bị cai lệ hành hạ, chị đã "tức nước vỡ bờ", phản kháng quyết liệt, hành động cần thiết để bảo vệ chồng, chị tự đặt mình vào một địa vị mới, trên bọn cai lệ, lí trưởng và cách xưng hô lúc này đã chuyển thành bà - mày.