SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TỪ VỰNG (tiếp theo)

A. YÊU CẦU

- Nắm được phương thức tạo từ ngữ mới: láy, ghép.

- Hiểu được mượn từ ngữ nước ngoài cũng là một cách phát triển từ vựng.

B. GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI, BÀI TẬP

I- Phần bài học

TẠO TỪ NGỮ MỚI

Bài tập 1. Hãy cho biết trong thời gian gần đây có những từ ngữ nào mới được cấu tạo trên cơ sở các từ sau: điện thoại, kinh tế, di động, sở hữu, tri thức, đặc khu, trí tuệ. Giải thích nghĩa của những từ ngữ mới cấu tạo đó.

Mẫu: điện thoại di động, sở hữu trí tuệ.

Gợi ý

- Gần đây, có những từ ngữ mới được tạo nên từ các từ điện thoại, kinh tế, di động, sở hữu, tri thức, đặc khu, trí tuệ: sở hữu trí tuệ, kinh tế tri thức, đặc khu kinh tế, điện thoại di động.

- Giải nghĩa:

+ điện thoại di động: máy truyền tiếng nói từ nơi này đến nơi khác bằng vô tuyến điện, sử dụng không cố định một chỗ.

+ sở hữu trí tuệ: quyền sở hữu đối với những sản phẩm do hoạt động trí tuệ mang lại, được pháp luật bảo hộ như quyền tác giả, quyền phát minh, sáng chế.

+ đặc khu kinh tế: khu vực dành riêng để thu hút vốn và công nghệ nước ngoài, với những chính sách có ưu đãi.

+ kinh tế tri thức: nền kinh tế dựa chủ yếu vào việc sản xuất, lưu thông, phân phối các sản phẩm có hàm lượng tri thức cao.

Bài tập 2. Trong tiếng Việt có những từ được cấu tạo theo mô hình x + tặc (như không tặc, hải tặc...). Hãy tìm những từ ngữ mới xuất hiện cấu tạo theo mô hình đó.

Gợi ý

Những từ ngữ mới được cấu tạo theo mô hình x + tặc: không tặc, hải tặc, lâm tặc, tin tặc, gian tặc,...

MƯỢN TỪ NGỮ CỦA TIẾNG NƯỚC NGOÀI

Bài tập 1. Hãy tìm những từ Hán Việt trong hai đoạn trích sau đây:

a. Thanh minh trong tiết tháng ba,

Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh.

Gần xa nô nức yến anh,

Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.

Dập dìu tài tử giai nhân,

Ngựa xe như nước áo quần như nêm.

(Nguyễn Du, Truyện Kiều)

b. Kẻ bạc mệnh này duyên phận hẩm hiu, chồng con rẫy bỏ, điều đâu bay buộc, tiếng chịu nhuốc nhơ, thần sông có linh, xin ngài chứng giám. Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mị Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu mĩ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ, và xin chịu khắp mọi người phỉ nhổ.

(Nguyễn Dữ, Chuyện người con gái Nam Xương)

Gợi ý

Các từ Hán Việt:

a) thanh minh, tiết, lễ, tảo mộ, đạp thanh, yến anh, bộ hành, xuân, tài tử, giai nhân

b) bạc mệnh, duyên phận, thần, linh, chứng giám, thiếp, đoan trang, tiết, trinh bạch, ngọc, Mị Nương, Ngu Mĩ, nhược.

Bài tập 2. Tiếng Việt dùng những từ nào để chỉ những khái niệm sau:

a) Bệnh mất khả năng miễn dịch, gây tử vong.

b) Nghiên cứu một cách có hệ thống những điều kiện để tiêu thụ hàng hoá (chẳng hạn nghiên cứu nhu cầu, thị hiếu của khách hàng,...). Những từ này có nguồn gốc từ đâu?

Gợi ý

a. Tiếng Việt gọi là bệnh “ết” (AIDS).

b. Tiếng Việt gọi là ma-két-tinh.

Các từ này có nguồn gốc từ tiếng Anh: AIDS - chữ viết tắt của Acquired Immune Deficiency Syndrome, ma-ket-tinh nguyên gốc là Marketing.

II - Phần luyện tập

Bài tập 1. Tìm hai mô hình có khả năng tạo ra những từ ngữ mới như kiểu x + tặc ở trên (mục I.2).

Gợi ý

Một số từ ngữ cấu tạo theo mô hình x + tặc:

- x + viên: giáo viên, học viên, sinh viên, nhân viên,...

- x + học: sinh học, nhân chủng học, hoá học, sử học,...

- x + hoá: ô xi hoá, công nghiệp hoá, kiên cố hoá, hiện đại hóa,...

- x + nghiệp: công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp,...

Bài tập 2. Tìm năm từ ngữ mới được dùng phổ biến gần đây và giải thích nghĩa của những từ ngữ đó.

Gợi ý

Một số từ ngữ mới xuất hiện gần đây:

- Cầu truyền hình: hình thức truyền hình tại chỗ cuộc giao lưu đối thoại qua hệ thống ca-mê-ra giữa các địa điểm cách xa nhau.

- Cơm bụi: cơm giá rẻ, bán trong các quán sơ sài, tạm bợ, chủ yếu phục vụ sinh viên, công nhân.

- Đa dạng sinh học: đa dạng về nguồn gien, về giống loài sinh vật trong tự nhiên.

- Công viên nước: công viên chủ yếu có các trò giải trí dưới nước như trượt nước, bơi thuyền, tắm biển nhân tạo,...

- Thương hiệu: nhãn hiệu thương mại (của các cơ sở sản xuất, kinh doanh).

- Quá đát: (hàng hoá) quá hạn sử dụng.

- Công nghệ cao: công nghệ dựa trên cơ sở của các thành tựu khoa học - kĩ thuật hiện đại, có độ chính xác và hiệu quả kinh tế cao.

- Thương hiệu: nhãn hiệu thương mại có uy tín trên thị trường.

- Đường cao tốc: đường xây dựng theo tiêu chuẩn chất lượng cao, dành cho các loại xe cơ giới chạy với tốc độ từ 100 km/h trở lên.

Bài tập 3. Dựa vào những kiến thức đã học ở lớp 6 (bài Từ mượn, trong Ngữ văn 6, tập 1, tr. 24) và lớp 7 (bài Từ Hán Việt, trong Ngữ văn 7, tập 1, tr. 69 và 81), hãy chỉ rõ trong những từ sau đây, từ nào mượn của tiếng Hán, từ nào mượn của các ngôn ngữ châu Âu: mãng xà, xà phòng, biên phòng, ô tô, tham ô, tô thuế, ra-đi-ô, ô xi, cà phê, phê bình, phê phán, ca nô, ca sĩ, nô lệ.

Gợi ý

- Các từ mượn tiếng Hán: mãng xà, biên phòng, tham ô, tô thuế, phê bình, phê phán, ca sĩ, nô lệ.

- Các từ mượn của ngôn ngữ châu Âu: xà phòng, ô tô, ra-đi-ô, ô xi, cà phê, ca nô.

Bài tập 4. Nêu vắn tắt những cách phát triển từ vựng và thảo luận vấn đề: Từ vựng của một ngôn ngữ có thể không thay đổi được không?

Gợi ý

Có thể tóm tắt cách phát triển từ vựng bằng sơ đồ sau:

Từ ngữ của một ngôn ngữ luôn thay đổi. Những sự vật, hiện tượng, khái niệm mất đi thì những từ ngữ gọi tên chúng sẽ mất theo hoặc ít dùng. Ngược lại, những sự vật, hiện tượng, khái niệm mới thì lại có những từ ngữ mới xuất hiện để chỉ chúng. So với bộ phận ngữ âm, ngữ pháp của ngôn ngữ thì từ ngữ là bộ phận biến đổi nhanh nhất...