ÔN TẬP PHẦN TẬP LÀM VĂN (tiếp theo)

A. YÊU CẦU

- Hệ thống lại những kiến thức về văn tự sự.

- Rèn kĩ năng phân tích văn bản tự sự có sử dụng yếu tố miêu tả, nghị luận.

B. GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI, BÀI TẬP

Bài tập 7. Các nội dung về văn bản tự sự đã học ở lớp 9 có gì giống và khác so với các nội dung về kiểu văn bản này đã học ở những lớp dưới?

Gợi ý

Nội dung về văn bản tự sự đã học ở lớp 9 giúp HS hiểu sâu hơn về cách viết, cách thể hiện câu chuyện và nhân vật. Bởi vì ở lớp này, học sinh được học thêm cách dùng các yếu tố miêu tả, nghị luận, dùng lời đối thoại, độc thoại, độc thoại nội tâm, dùng ngôi kể... trong văn tự sự.

Bài tập 8. Giải thích tại sao trong một văn bản có đủ các yếu tố miêu tả, biểu cảm, nghị luận mà vẫn gọi đó là văn bản tự sự. Theo em, liệu có một văn bản nào chỉ vận dụng một phương thức biểu đạt duy nhất hay không?

Gợi ý

- Các yếu tố miêu tả, biểu cảm, nghị luận trong văn bản tự sự chỉ chiếm phần phụ, phần chính vẫn là kể nên vẫn gọi đó là văn bản tự sự. Các yếu tố miêu tả, biểu cảm, nghị luận có tác dụng làm cho văn bản tự sự thêm đa dạng trong cách biểu hiện.

- Hiếm có một văn bản nào chỉ vận dụng một phương thức biểu đạt duy nhất.

Bài tập 9. Kẻ lại bảng sau vào vở và đánh dấu (X) vào các ô trống mà kiểu văn bản chính có thể kết hợp với các yếu tố tương ứng trong nó (chẳng hạn tự sự có thể kết hợp với miêu tả thì đánh dấu vào ô thứ hai).

Gợi ý

Bài tập 10. Một số tác phẩm tự sự được học trong sách giáo khoa Ngữ văn từ lớp 6 đến lớp 9 không phải bao giờ cũng phân biệt rõ bố cục ba phần: Mở bài, Thân bài và Kết bài. Tại sao bài tập làm văn tự sự của học sinh vẫn phải có đủ ba phần đã nêu?

Gợi ý

Một số tác phẩm tự sự được học trong sách giáo khoa Ngữ văn từ lớp 6 đến lớp 9 không phải bao giờ cũng phân biệt rõ bố cục ba phần: Mở bài, Thân bài và Kết bài vì có khi đó chỉ là một đoạn trích từ một văn bản hoàn chỉnh; có khi không có phần Mở bài, Kết bài là do dụng ý nghệ thuật của người viết. Tuy nhiên, phần Thân bài không thể thiếu.

- Bài tập làm văn tự sự của học sinh vẫn phải có đủ ba phần bởi vì khi học, học sinh phải luyện tập bố cục cơ bản của một bài văn. Khi có kĩ năng tốt thì mới có thể sáng tạo, thay đổi bố cục.

Bài tập 11. Những kiến thức và kĩ năng về kiểu văn bản tự sự của phần Tập làm văn có giúp được gì trong việc đọc - hiểu các văn bản tác phẩm văn học tương ứng trong sách giáo khoa Ngữ văn không? Phân tích một vài ví dụ để làm sáng tỏ.

Gợi ý

Những kiến thức và kĩ năng về kiểu văn bản tự sự của phần Tập làm văn giúp học sinh hiểu rõ hơn đặc điểm nghệ thuật, nội dung tác phẩm, tức là giúp học sinh thực hiện tốt hơn yêu cầu đọc - hiểu các văn bản tác phẩm văn học tương ứng trong sách giáo khoa Ngữ văn.

Ví dụ, những đoạn độc thoại, độc thoại nội tâm, miêu tả nội tâm trong tác phẩm Làng của Kim Lân đã giúp người đọc hiểu được tâm trạng, tính cách của nhân vật ông Hai; vai người kể chuyện trong truyện ngắn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng đã có tác dụng làm rõ hơn nội dung tư tưởng và làm tăng thêm chất chân thực của tác phẩm.

Câu 12. Những kiến thức và kĩ năng về các tác phẩm tự sự của phần Đọc - hiểu văn bản và phần Tiếng Việt tương ứng đã giúp em những gì trong việc viết bài văn tự sự? Phân tích một vài ví dụ để làm sáng tỏ.

Gợi ý

Những kiến thức và kĩ năng về các tác phẩm tự sự của phần Đọc - hiểu văn bản và phần Tiếng Việt tương ứng đã giúp các em hiểu sâu hơn lí thuyết trong việc viết bài văn tự sự, đồng thời đó là những bài văn mẫu để các em có thể vận dụng sáng tạo cho bài viết của mình.

Ví dụ, bài Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long có sự kết hợp các yếu tố trữ tình, bình luận với tự sự. Đây là một gợi ý để các em viết một bài tập làm văn kể lại một lần trót xem nhật kí của bạn.