Bài 14. LẶNG LẼ SA PA (Trích)

A. YÊU CẦU

HS cảm nhận được:

- Thông qua tình huống gặp gỡ bất ngờ giữa ông họa sĩ già, cô kĩ sư trẻ với anh thanh niên làm công tác khí tượng ở một mình trên đỉnh núi cao, truyện khẳng định vẻ đẹp của con người lao động và ý nghĩa của những công việc thầm lặng.

- Truyện đã xây dựng được tình huống hợp lí, cách kể chuyện tự nhiên, có sự kết hợp giữa tự sự, trữ tình với bình luận.

B. GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI, BÀI TẬP

I- Phần bài học

Câu hỏi 1. Nhận xét về cốt truyện và tình huống cơ bản của truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa. Tác phẩm này, theo lời tác giả, là “một bức chân dung”. Đó là bức chân dung của ai, hiện ra trong cái nhìn và suy nghĩ của những nhân vật nào?

Gợi ý

Cốt truyện đơn giản. Tình huống truyện là cuộc gặp gỡ tình cờ của cô kĩ sư, ông hoạ sĩ và anh thanh niên làm khí tượng. Cuộc gặp gỡ này là cơ hội thuận tiện để tác giả khắc hoạ chân dung nhân vật chính (anh thanh niên) một cách tự nhiên, tập trung qua cái nhìn, suy nghĩ của các nhân vật khác (bác lái xe, ông hoạ sĩ, cô kĩ sư).

Câu hỏi 2. Phân tích nhân vật anh thanh niên trong truyện.

(Chú ý: tình huống nhân vật xuất hiện, quan hệ với các nhân vật khác; hoàn cảnh sống và làm việc, suy nghĩ của anh về công việc và cuộc sống; nét đẹp đáng chú ý nhất của nhân vật này)

Gợi ý

Anh thanh niên trong truyện:

- Tình huống nhân vật xuất hiện: Tình huống cơ bản của truyện là cuộc gặp gỡ rồi lên thăm chốc lát nơi ở và làm việc của anh thanh niên với bác lái xe và hai hành khách trên xe.

Anh thanh niên trong truyện được giới thiệu như là người cô độc nhất thế gian. Do mới lên nhận công tác, “thèm người quá ” nên anh kiếm cớ để xe dừng lại. Anh xuất hiện khi thấy có xe chở khách đến.

- Quan hệ với các nhân vật khác: Anh là người mến khách (vui mừng, cảm động khi có khách đến thăm). Anh còn là người sống có văn hoá, biết quan tâm đến mọi người (hái hoa tặng khách, chuẩn bị trứng luộc cho khách ăn trưa trên xe,..), ân cần, chu đáo với bác lái xe (gửi tam thất cho vợ bác).

- Hoàn cảnh sống và làm việc: Quanh năm suốt tháng một mình trên đỉnh núi cao với các loại máy móc khí tượng, lúc nào cũng mong gặp được người khác để khỏi cô đơn.

- Suy nghĩ của anh về công việc và cuộc sống rất đúng đắn: công việc anh đang làm góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Anh làm việc một cách tự giác và có trách nhiệm, thấy được ý nghĩa của cuộc sống qua công việc của mình (“...khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được?”).

- Nét đẹp đáng chú ý nhất của nhân vật này: hồn nhiên, dễ mến, chân tình và khiêm tốn (anh đã giới thiệu những người có hoàn cảnh sống và làm việc khó khăn hơn anh - người kĩ sư ở vườn rau, người lập bản đồ sét - để cho hoạ sĩ vẽ chân dung), có thú vui đọc sách,...

Anh là con người tiêu biểu của lớp trẻ thời kì đổi mới, sẵn sàng cống hiến cho đất nước.

Câu hỏi 3. Phân tích nhân vật ông hoạ sĩ.

(Chú ý: vị trí của nhân vật trong truyện, những suy nghĩ về nghệ thuật và về con người; cảm xúc trước người thanh niên một mình ở trạm khí tượng)

Nhân vật này cùng với các nhân vật phụ khác đã góp phần tô đậm hình ảnh người thanh niên trong truyện như thế nào?

Gợi ý

Nhân vật ông hoạ sĩ là một nhân vật phụ nhưng lại là một nhân vật quan trọng trong truyện. Thông qua nhân vật này, tác giả muốn gửi gắm những suy nghĩ của mình về con người, về nghệ thuật. Câu chuyện được kể lại ở nhiều đoạn thông qua cách nhìn của nhân vật này.

Mẫu người như anh thanh niên là vẻ đẹp của cuộc sống mà ông hoạ sĩ muốn thể hiện trong tác phẩm nghệ thuật của mình. Ông đã khâm phục và đánh giá cao tuổi trẻ (trong đó có cô kĩ sư và anh thanh niên): “Thanh niên bây giờ lạ thật!”.

Nhân vật ông hoạ sĩ và các nhân vật khác qua những góc nhìn khác nhau đã góp phần tô đậm thêm vẻ đẹp của anh thanh niên. Tất cả họ đều có chung một điểm là sự cảm mến anh.

Các nhân vật cô kĩ sư, bác lái xe, người kĩ sự vườn rau, chàng thanh niên lập bản đồ sét,... đều thể hiện tinh thần cống hiến thầm lặng cho đất nước, góp phần làm rõ chủ đề của truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa.

Câu hỏi 4. Trong truyện ngắn này có sự kết hợp các yếu tố trữ tình, bình luận với tự sự. Em hãy chỉ ra các chi tiết tạo nên chất trữ tình của tác phẩm và nêu tác dụng của chất trữ tình đó.

Gợi ý

- Yếu tố trữ tình thể hiện trong tác phẩm:

+ Phong cảnh thiên nhiên thơ mộng của Sa Pa hiện ra qua cái nhìn của người hoạ sĩ, bác lái xe.

+ Sự hồn nhiên có chút bâng khuâng của cô kĩ sư trẻ khi nhận bó hoa, khi kín đáo để lại chiếc khăn mùi soa.

+ Vẻ đẹp về sự cống hiến thầm lặng của những người trẻ tuổi.

- Chất trữ tình trong tác phẩm có tác dụng tạo nên chất thơ cho truyện, nâng cao ý nghĩa và vẻ đẹp của sự việc, con người rất bình dị được miêu tả trong truyện, và chính vì thế mà chủ đề của truyện được thể hiện rõ nét hơn.

Câu hỏi 5. Phát biểu chủ đề của truyện.

Gợi ý

Khẳng định vẻ đẹp bình dị của con người lao động và ý nghĩa của những công việc thầm lặng.

II - Phần luyện tập

Phát biểu cảm nghĩ về một trong hai nhân vật: anh thanh niên, ông hoạ sĩ.

Gợi ý

- Hãy chọn một trong hai nhân vật để viết phát biểu cảm nghĩ.

- Có thể xem lại gợi ý ở câu hỏi 2 hoặc 3 để làm cơ sở.