PHÉP PHÂN TÍCH VÀ TỔNG HỢP
A. YÊU CẦU
- HS cần nắm được: mục đích của phân tích và tổng hợp, khái niệm về phân tích và tổng hợp, mối quan hệ giữa phân tích và tổng hợp, vị trí của phép phân tích, tổng hợp trong một văn bản.
- Biết vận dụng phép phân tích và tổng hợp trong tập làm văn nghị luận.
B. GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI, BÀI TẬP
I- Phần bài học
TÌM HIỂU PHÉP LẬP LUẬN PHÂN TÍCH VÀ TỔNG HỢP
Câu hỏi a. Ở đoạn mở đầu, bài viết nêu ra một loạt dẫn chứng về cách ăn mặc để rút ra nhận xét về vấn đề gì? Hai luận điểm chính trong văn bản là gì? Tác giả đã dùng phép lập luận nào để rút ra hai luận điểm đó?
Gợi ý
- Ở đoạn mở đầu, bài viết nêu ra một loạt dẫn chứng về cách ăn mặc để rút ra nhận xét về vấn đề văn hoá trong trang phục, vấn đề các quy tắc ngầm của văn hoá buộc mọi người phải tuân theo. Trong đoạn mở đầu này, tác giả đưa ra một vài hiện tượng ăn mặc không đẹp, không đồng bộ "không ai mặc quần áo chỉnh tề mà lại đi chân đất”, hoặc "đi giày có bít tất đầy đủ nhưng phanh hết các áo, lộ cả da thịt ra" để đi đến quan niệm thế nào là ăn mặc đẹp.
- Hai luận điểm chính trong văn bản là: "Ăn cho mình, mặc cho người" và "Y phục xứng kì đức".
- Tác giả đưa ra cách ăn mặc không phù hợp với hoàn cảnh xung quanh để chứng minh cho luận điểm "Ăn cho mình, mặc cho người" ("Đi đám cưới không thể lôi thôi, lếch thếch, mặt nhọ nhem, chân tay lấm bùn. Đi dự đám tang không được mặc áo quần loè loẹt...", "Cô gái một mình trong hang sâu chắc không váy xoè, váy ngắn...”). Tác giả dùng lí lẽ bàn luận về cách ăn mặc đẹp, đó là ăn mặc giản dị, thể hiện sự ứng xử có văn hoá để chứng minh cho quy tắc "Y phục xứng kì đức".
Từ đó, đưa ra kết luận: Trang phục hợp văn hoá, hợp đạo đức, hợp môi trường mới là trang phục đẹp.
Câu hỏi b. Sau khi đã nêu một số biểu hiện của "những quy tắc ngầm" về trang phục, bài viết đã dùng phép lập luận gì để "chốt" lại vấn đề? Phép lập luận này thường đặt ở vị trí nào trong bài văn?
Gợi ý
Sau khi đã nêu một số biểu hiện của "những quy tắc ngầm" về trang phục, bài viết đã dùng phép lập luận tổng hợp để "chốt" lại vấn đề. Phép lập luận này được trình bày ở cuối bài văn.
II - Phần luyện tập
Tìm hiểu kĩ năng phân tích trong văn bản Bàn về đọc sách của Chu Quang Tiềm.
Câu hỏi 1. (SGK tập 2, trang 10)
Gợi ý
Để làm sáng tỏ luận điểm "Học vấn không chỉ là chuyện đọc sách, nhưng đọc sách vẫn là một con đường quan trọng của học vấn", tác giả đã phân tích: (xem gợi ý trong SGK).
Câu hỏi 2. (SGK tập 2, trang 10)
Gợi ý
Tác giả phân tích lý do phải chọn sách để đọc:
- Do sách nhiều, chất lượng khác nhau cho nên phải chọn sách tốt, sách quan trọng mà đọc mới có ích.
- Do sức người có hạn, không chọn sách mà đọc thì lãng phí sức mình.
- Không chọn lọc sách thì đời người ngắn ngủi không đọc xuể, đọc không có hiệu quả.
Câu hỏi 3. (SGK tập 2, trang 10)
Gợi ý
Tác giả phân tích tầm quan trọng của cách đọc sách:
- Không đọc thì không có điểm xuất phát cao.
- Đọc là con đường ngắn nhất để tiếp cận tri thức.
- Đọc ít mà kĩ quan quan trọng hơn đọc nhiều mà qua loa, không ích lợi gì. Đọc sách, phải vừa đọc vừa nghiền ngẫm mới có tác dụng.
- Cần phải đọc hai loại sách: sách chuyên môn và sách thường thức.
Câu hỏi 4. (SGK tập 2 trang 10)
Gợi ý
Phân tích là phép lập luận trình bày từng bộ phận, phương diện của vấn đề. Chẳng hạn, Bàn về đọc sách được trình bày nhiều khía cạnh như: tầm quan trọng của việc đọc sách, lí do phải chọn sách để đọc, về cách đọc sách như thế nào cho tốt, v.v... để người đọc hiểu một cách thấu đáo vấn đề.
Phương pháp phân tích rất cần thiết trong lập luận. Có phân tích thì kết luận rút ra mới có sức thuyết phục.