CÁC PHƯƠNG CHÂM HỘI THOẠI (tiếp theo)
A. YÊU CẦU
- Hiểu được mối quan hệ giữa phương châm hội thoại với tình huống giao tiếp.
- Vận dụng phương châm hội thoại phù hợp với tình huống giao tiếp.
B. GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI, BÀI TẬP
I - Phần bài học
QUAN HỆ GIỮA PHƯƠNG CHÂM HỘI THOẠI VỚI TÌNH HUỐNG GIAO TIẾP
Đọc truyện cười "Chào hỏi" (SGK, tr. 36) và trả lời câu hỏi.
Gợi ý
- Anh chàng trong câu chuyện "Chào hỏi" tuân thủ đúng phương châm lịch sự, anh chàng đã ân cần hỏi thăm, thể hiện sự cảm thông với nỗi vất vả của người đang đốn cành. Thế nhưng, do việc chào hỏi của anh ta thực hiện không đúng lúc đã làm vất vả thêm cho người được hỏi han.
- Bài học rút ra: Vận dụng phương châm hội thoại cần phù hợp với tình huống giao tiếp.
NHỮNG TRƯỜNG HỢP KHÔNG TUÂN THỦ PHƯƠNG CHÂM HỘI THOẠI
Câu hỏi 1. Đọc lại những ví dụ đã được phân tích khi học về các phương châm hội thoại (phương châm về lượng, phương châm về chất, phương châm quan hệ, phương châm cách thức, phương châm lịch sự) và cho biết trong những tình huống nào, phương châm hội thoại không được tuân thủ.
Gợi ý
Trong các ví dụ đã phân tích khi học về các phương châm giao tiếp, chỉ có tình huống trong truyện "Người ăn xin" (phương châm lịch sự) được tuân thủ, còn lại các tình huống (thuộc các phương châm hội thoại khác) đều không được tuân thủ.
Câu hỏi 2. Đọc đoạn đối thoại (SGK, tr. 37), chú ý những từ ngữ in đậm và trả lời câu hỏi.
Gợi ý
Câu trả lời của Ba không đáp ứng nhu cầu thông tin như An mong muốn. Bởi vì phương châm hội thoại về lượng đã không được tuân thủ: An hỏi "năm nào" nhưng Ba lại trả lời "khoảng đầu thế kỉ XX". Tuy nhiên, vì không biết chính xác năm chế tạo ra chiếc máy bay đầu tiên nên Ba phải nói như vậy. Ba buộc phải vi phạm phương châm về lượng (nói không đủ) để được phương châm về chất (không nói điều không tin tưởng một cách chắc chắn, không có bằng chứng xác thực).
Câu hỏi 3. Khi bác sĩ nói với một người mắc bệnh nan y về tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân đó thì phương châm hội thoại nào có thể không được tuân thủ? Vì sao bác sĩ phải làm như vậy? Hãy tìm những tình huống giao tiếp khác mà phương châm đó cũng không được tuân thủ.
Gợi ý
- Khi bác sĩ nói với một người mắc bệnh nan y về tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân đó thì phương châm về chất, phương châm về lượng không được tuân thủ. Nghĩa là nói không rõ, nói không đúng bệnh, nói không đúng mức độ nguy hiểm của bệnh, không nói đến sự bất lực của y học,...
Việc "nói dối" này là quy định trong nghề y, nó vừa có ý nghĩa khoa học lại vừa có ý nghĩa nhân đạo. Bởi vì, người bệnh sẽ lạc quan hơn, hi vọng hơn và do đó sống có nghị lực hơn. Điều này rất có lợi cho công việc điều trị.
- Những tình huống giao tiếp khác mà phương châm về chất cũng không được tuân thủ. Ví dụ: các chiến sĩ cộng sản khi bị giặc bắt không khai sự thật với giặc nhằm giữ bí mật nhằm tránh thiệt hại cho cách mạng, đơn vị hay đồng chí của mình. Hoặc vì sự tế nhị, lịch sự, người ta cũng thường phải "nói dối". Chẳng hạn, nhận xét về hình thức, năng lực của người đối thoại, người ta thường "đề cao" một chút; ngược lại, tự đánh giá về mình lại thường phải nói một cách khiêm tốn (tức là nói không đúng với sự thật),... Để tránh sự lo lắng cho người thân, người thực hiện một nhiệm vụ nguy hiểm nào đấy thường "trấn an" người thân bằng cách nói giảm đi sự nguy hiểm ấy, v.v...
Câu hỏi 4. Khi nói "Tiền bạc chỉ là tiền bạc" thì có phải người nói không tuân thủ phương châm về lượng hay không? Phải hiểu ý nghĩa của câu này như thế nào?
Gợi ý
Khi nói "Tiền bạc chỉ là tiền bạc", xét về nghĩa tường minh, hiển ngôn thì phương châm về lượng đã không được tuân thủ. Câu nói đã không đem đến cho người nghe một thông tin mới nào cả.
Tuy nhiên, câu này được hiểu theo nghĩa hàm ẩn là: tiền bạc chỉ là phương tiện sống, không phải là mục đích sống, nó chỉ có giá trị vật chất bình thường. Câu nói có ý nhắc nhở người nghe: ngoài tiền bạc làm phương tiện để duy trì sự sống, con người còn có các mối quan hệ tình cảm khác, còn có các giá trị tinh thần thiêng liêng khác.
II - Phần luyện tập
Bài tập 1. Đọc mẩu chuyện (SGK, tr. 38) và trả lời câu hỏi.
Gợi ý
Câu trả lời của người bố trong mẩu chuyện này đã không tuân thủ phương châm cách thức. Người nói đã không quan tâm đến đối tượng giao tiếp. Một cậu bé năm tuổi sẽ rất mơ hồ về "Tuyển tập truyện ngắn Nam Cao". Tuy nhiên, những người lớn, đi học rồi thì đây là câu nói không vi phạm phương châm cách thức.
Bài tập 2. Đọc đoạn trích (SGK, tr. 38) và trả lời câu hỏi.
Gợi ý
Các nhân vật Chân, Tay, Tai, Mắt đã không tuân thủ phương châm lịch sự: không chào hỏi mà nói thẳng những lời nặng nề. Việc không tuân thủ phương châm lịch sự của các nhân vật này là không có lí do chính đáng. Vì Chân, Tay, Tai, Mắt đã không thấy mối quan hệ khăng khít giữa họ và lão Miệng. Nếu đọc cả câu chuyện ta càng thấy rõ điều này.